Sơn La tích cực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nền tảng số
Nhóm tác giả Phan Văn Liêm, Nguyễn Văn Bình đã nghiên cứu giải pháp 'Nền tảng số tạo website cho cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã', tác động tích cực tới quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh.
Giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nền tảng số, nhóm tác giả Phan Văn Liêm, Nguyễn Văn Bình, viên chức Trung tâm CNTT và truyền thông, Sở Thông tin Truyền thông đã nghiên cứu Giải pháp “Nền tảng số tạo website cho cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã”.
Về ý tưởng nghiên cứu giải pháp, tác giả Phan Văn Liêm chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Trung tâm, nhất là việc quản trị các trang website trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng các nền tảng số, website trong tất cả các lĩnh vực đời sống là hết sức cần thiết, đặc biệt giúp các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận và giới thiệu sản phẩm, kinh doanh trên nền tảng số dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hiện nay để có một website thì chi phí thiết kế khá cao, quy trình thiết kế mất nhiều thời gian, chi phí vận hành bảo trì khá tốn kém, chưa kể các chi phí quản lý và quản trị nội dung cho website khá lớn.
Ngoài ra, còn đòi hỏi phải có chuyên gia về CNTT để vận hành và xử lý các sự cố trong quá trình hoạt động. Do đó hiện nay, website đa số mới chỉ dành cho các cơ quan nhà nước, các công ty, tập đoàn lớn.
Còn đối với các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã vừa và nhỏ, với nguồn kinh phí hạn chế, việc sở hữu và vận hành website là rất khó.
Từ năm 2016, nhóm tác giả bắt tay vào nghiên cứu, tìm kiếm các phương án kỹ thuật nhằm tối ưu hóa cho việc phát triển website.
Đến năm 2017, giải pháp được triển khai trên cơ sở sử dụng công nghệ điện toán đám mây với cơ chế sinh website tự động giúp việc triển khai phần mềm tới khách hàng nhanh chóng, chỉ mất khoảng 10 giây cho việc tạo khởi tạo website, mất khoảng 1-2h cho việc nhập dữ liệu ban đầu.
Cùng với đó, sử dụng công nghệ responsive với boostrap framework 4.0 giúp website tương thích với các thiết bị di động giúp hệ thống tự nhận diện kích thước hiển thị của màn hình mobile để tự điều chỉnh kích thước phù hợp.
Hệ thống máy chủ dùng hạ tầng VPS Cloud từ data center, kết hợp các giải pháp nguồn mở, như: ClamAV, CFS, ModSeucrity nên đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo mật tốt ở lớp hệ điều hành, dịch vụ máy chủ và lớp ứng dụng web.
Anh Liêm cho biết thêm: Chúng tôi còn phát triển các module đáp ứng sát với nhu cầu của các tổ chức, cá nhân tại địa phương và cơ quan nhà nước nói chung.
Giải pháp ra đời mang lại những lợi ích thiết thực, chỉ trong thời gian ngắn, thao tác đăng ký trực tuyến là đã có trang web chuyên nghiệp hoạt động ngay trên môi trường internet.
Chi phí tối thiểu có thể chưa đến 2 triệu đồng. Hiện nay, giải pháp đã áp dụng cho 8 doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan khối nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Là đơn vị đầu tiên áp dụng giải pháp, Huyện đoàn Thuận Châu hiện đang duy trì hiệu quả website cổng thông tin của mình. Anh Thào A Sinh, Phó Bí thư Huyện đoàn, thông tin: Cuối năm 2017, chúng tôi đã xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử của Huyện đoàn, trên cơ sở áp dụng giải pháp “Nền tảng số tạo website cho cơ quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã”.
Việc xây dựng thành công website, giúp đăng tải các thông tin, hoạt động của Đoàn, đội, hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, thông tin đến các đoàn viên các văn bản, kế hoạch hoạt động của Huyện đoàn, mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Còn anh Nguyễn Xuân Thương, Giám đốc Công ty cổ phần dâu tây Mộc Châu, cho biết: Từ năm 2022, chúng tôi được nhóm tác giả hỗ trợ xây dựng trang website để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của công ty tới khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, chi phí để duy trì tương đối ít, tôi thấy rất hiệu quả.
Ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả của giải pháp, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 8, năm 2022 đã trao giải ba cho nhóm tác giả Phan Văn Liêm, Nguyễn Văn Bình, đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, gửi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2023.
Theo Trung Hiếu (Báo Sơn La)