Sơn La: Tiếp sức học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa đến trường
Với sự tận tình, quan tâm giúp đỡ của các thầy cô thông qua hoạt động đỡ đầu, nhiều học sinh khó khăn ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có điều kiện để đến trường.
Sơn La là tỉnh miền núi, đời sống người dân ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn, việc chăm lo cho các con đến trường chưa được chú trọng.
Trước thực trạng đó, những năm qua, với sự tận tình, quan tâm giúp đỡ của các thầy cô thông qua hoạt động đỡ đầu, nhiều học sinh khó khăn ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có điều kiện để đến trường.
Em Quàng Thị Phương Cúc ở bản Mười, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu là một trong những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Mười A. Bố mẹ em Cúc mất sớm.
Nhiều năm qua, trong căn nhà sàn trống trải, ọp ẹp vì thời gian chỉ còn hai bà cháu tự chăm sóc nhau. Bà của Cúc năm nay ngoài 60 tuổi, sức khỏe yếu nên không thể lo toan được nhiều cho em. Ngày nào em cũng đi bộ hơn 4km để đến trường học tập.
Dù khó khăn, thiếu thốn về tình cảm gia đình và vật chất nhưng Cúc vẫn luôn đi học đầy đủ và cố gắng học tập tốt. Bởi em luôn được các thầy cô giáo trong trường quan tâm, hỗ trợ mọi mặt.
Bà Quàng Thị Tạng, bà nội của Cúc xúc động nói, gia đình rất khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô giáo nên cháu Cúc có thể yên tâm đến trường.
Cô Nguyễn Thị Chín, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bó Mười A, cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình để giúp đỡ học sinh khó khăn. Trong đó, mỗi thầy cô giáo nhận đỡ đầu tối thiểu từ 1-2 học sinh. Việc hỗ trợ cho học sinh sẽ tùy vào từng thời điểm cụ thể để có phương án phù hợp.
Cụ thể, từ đầu năm, các thầy cô sẽ hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Sau đó, vào thời điểm giáp hạt khoảng tháng 2 đến tháng 3 hàng năm nhà trường sẽ hỗ trợ lương thực.
Dịp lễ, Tết, nhà trường triển khai chương trình Xuân yêu thương, cùng với tất cả học sinh và phụ huynh mở phiên chợ bán hàng để gây quỹ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Những chương trình này luôn được các thầy cô trong trường ủng hộ nhiệt tình. Trong năm học 2019-2020, số học sinh được đỡ đầu là trên 50 em.
Cũng giống như nhiều giáo viên khác đang công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hành trang lên lớp ngoài những trang giáo án, cô giáo Nguyễn Thùy Dung, Trường Trung học cơ sở Mường Khiêng, huyện Thuận Châu còn đem tình yêu thương đến với học sinh của mình.
Nhiều năm qua, cô đã nhận đỡ đầu em Lường Văn Chiểu bị bệnh tim bẩm sinh. Gia đình em rất khó khăn, bố mẹ làm nương rẫy nên không đủ điều kiện cho Chiểu đi chữa bệnh.
Cô Dung đã báo cáo với nhà trường, kêu gọi hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm, thầy cô giáo và học sinh trong trường để Chiểu có tiền đi chữa bệnh.
Suốt thời gian đó, ngoài những lúc lên lớp, cô Dung còn luôn động viên Chiểu cố gắng và kèm cặp Chiểu học ngoài giờ. Với sự nỗ lực của cô Dung, Chiểu đã được phẫu thuật và khỏi bệnh. Cô Dung chia sẻ, cô rất vui, hạnh phúc vì nhìn thấy các em khỏe mạnh, vui vẻ đến trường và được hòa đồng cùng bạn bè.
Trong trường còn nhiều học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ cần mỗi giáo viên góp một chút công sức, dù là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn.
Trên địa bàn huyện Thuận Châu còn nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện để tới trường. Trước thực tế này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu đã phát động phong trào thi đua giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay từ khi phát động, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của tất cả giáo viên. Mỗi trường đều phân công từng giáo viên chủ nhiệm đỡ đầu các em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm hỗ trợ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần giúp học sinh yên tâm tới trường.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu, cho biết thời gian qua đã có gần 2.400 giáo viên nhận đỡ đầu hơn 3.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Số tiền từ hoạt động đỡ đầu của các giáo viên ước tính lên tới hơn 1,5 tỷ đồng.
Nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh học sinh và điều kiện của các thầy cô giáo như tặng đồng phục, sách giáo khoa, lương thực, tiền mặt.
Không những thế, nhiều thầy cô giáo dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với tấm lòng của mình cũng đã dành thời gian, vật chất và tình cảm để ủng hộ các em. Qua đó, thể hiện sự tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách,” góp phần vào việc hạn chế học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn./.
Hữu Quyết (TTXVN/Vietnam+)