Sơn La và Đà Nẵng tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sơn La tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong khi Đà Nẵng sẽ dựa vào cấp độ dịch để làm căn cứ tổ chức dạy học trực tiếp.
Từ ngày 5/10 đến chiều 8/11, tỉnh Sơn La đã phát hiện 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khi tính từ 13 giờ ngày 7/11 đến 13 giờ ngày 8/11, Đà Nẵng ghi nhận 21 ca nhiễm mới.
Sơn La tăng cường biện pháp phòng dịch
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và với quan điểm, mục tiêu xuyên suốt bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và nhân dân tập trung phòng, chống dịch COVID-19, không để bùng phát dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch cũng như các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đi lại và sinh hoạt của nhân dân; tập trung huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc" và phương châm "4 tại chỗ + 5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân"; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục rà soát, củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ giám sát phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng ở tất cả các khu dân cư nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi công dân ra, vào địa bàn; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống dịch; xác định người dân là chủ thể, trung tâm, sự tham gia của người dân có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống và đẩy lùi đại dịch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội...
Từ ngày 5/10 đến chiều 8/11, tỉnh Sơn La đã phát hiện 63 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công dân trở về từ các địa phương có dịch và một số trường hợp lây nhiễm thứ phát trong tỉnh.
Tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La và Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La về trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ngày 7/11, Bệnh viện Quân y 6 đặt tại thành phố Sơn La đã sàng lọc, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm PCR và phát hiện 2 trường hợp dương tính tại Khoa Nội chung và Ngoại Chuyên khoa.
Bệnh viện đã chuyển 2 ca bệnh xuống cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Đồng thời, Bệnh viện quyết định phong tỏa tạm thời Khoa Nội Chung và Khoa Ngoại Chuyên khoa; tiến hành phun hóa chất khử khuẩn; lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với toàn cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa.
Đà Nẵng ghi nhận 21 ca nhiễm mới
Chiều 8/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Thông tin từ cuộc họp cho biết, tính từ 13 giờ ngày 7/11 đến 13 giờ ngày 8/11, Đà Nẵng ghi nhận 21 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó, 7 ca đã được cách ly tập trung, 2 ca tự cách ly tại nhà, 1 ca trong khu phong tỏa, 1 ca tại chốt kiểm soát dịch và 10 ca chưa được cách ly. Tính từ ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận 4.819 ca mắc COVID-19.
Ngày 8/11, ngành y tế đã xét nghiệm cho hơn 24.170 lượt người. Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm hơn 1.246.090 liều vaccine; trong đó hơn 903.160 người được tiêm mũi 1 (hơn 44.400 trẻ em) và hơn 342.930 người được tiêm mũi 2.
Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 20/10 đến nay thành phố ghi nhận khoảng 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tốc độ lây nhiễm giảm so với trước đây, điều này cho thấy công tác phòng, chống dịch tại các quận huyện đang làm tốt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị ngành y tế cần căn cứ số ca bệnh từ ngày 20/10 để báo cáo phân tích, đánh giá mức độ nhiễm, ca nhiễm, vai trò vaccine… từ đó cơ quan chức năng có phương pháp phòng dịch phù hợp.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Ban quản lý Khu công nghiêp và Công nghệ cao cần tăng cương công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra, xây dựng tổ (phòng) COVID tại các doanh nghiệp; tạo sự thống nhất trong công tác phòng dịch, nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 8/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản về việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố.
Thành phố sẽ dựa vào cấp độ dịch của từng địa phương để làm căn cứ tổ chức dạy và học trực tiếp. Nếu cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 thì được tổ chức dạy và học trực tiếp; ở cấp độ 3 thì được tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến; ở cấp độ 4 không được tổ chức dạy và học trực tiếp, chỉ tổ chức dạy học trực tuyến.
Người khi đến, về thành phố từ các tỉnh, thành khác để tham gia dạy và học trực tiếp tại các trường phải chấp hành quy định chung đối với người đến, về thành phố.
Để đón học sinh đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các quận huyện làm đầu mối tiếp nhận phương án và kiểm tra thực tế đối với các trường học thuộc Sở và từng phân cấp địa bàn quản lý…
Trường học chỉ được hoạt động trở lại khi đã được kiểm tra các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định./.