Sơn mài - cuộc chơi 'đốt tiền'
Trong dòng chảy của nền hội họa Việt Nam, sơn mài được biết đến như một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, để làm ra một tác phẩm tranh sơn mài lại vô cùng tốn kém về thời gian, tiền bạc và cả sự tâm huyết. Vì thế, không nhiều họa sĩ đủ sức 'chơi' với chất liệu này.
Đẹp và… “gây nghiện”
Nói đến tranh sơn mài, giới mộ điệu thế giới luôn nhắc đến 3 quốc gia “hùng mạnh” là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy có tuổi đời non trẻ, chỉ ngót 100 năm, nhưng tranh sơn mài Việt Nam vẫn được đánh giá là có chất riêng, thậm chí còn nổi bật hơn cả hai quốc gia có truyền thống lâu đời hơn.
Nhiều họa sĩ có chung đánh giá, sơn mài Việt Nam luôn có giá trị khác biệt, tạo nên sự thán phục của người thưởng lãm bởi sự khơi gợi vô biên trong hàng chục lớp sơn, mài, bồi, vẽ. Trong khi đó, tranh Trung Quốc, Nhật Bản, do chất sơn cứng và bóng nên họ chỉ vẽ, phủ bóng, rất ít mài.
Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng “làm” tranh trong xưởng của gia đình.
Sơn mài không giống các chất liệu khác ở chỗ mặt tranh gần như tuyệt đối phẳng. Không gian tạo hình của tranh sơn mài không nổi bật lên trước con mắt người xem mà tạo hiệu ứng “âm” rất đặc biệt. Trên nền vóc đen bóng của then hay đỏ của son, nổi bật lên những họa tiết được dát vàng, dát bạc lộng lẫy cùng vỏ trứng rạn nứt li ti - đó là một trong những điểm làm nên chất “quý phái” của tranh sơn mài.
Theo họa sĩ Lý Trực Sơn, sơn mài có sức hấp dẫn lớn bởi sự biến hóa khôn lường của màu sắc và cách pha trộn đặc biệt. Màu son thay đổi sắc độ tùy theo tỷ lệ với lượng sơn cánh gián hoặc sơn then. Vàng, bạc, quỳ có thể thếp phẳng, cũng có thể xay vụn để rắc lên mặt sơn ướt hoặc trộn trực tiếp với sơn, với son hoặc các màu khác. Vỏ trứng được cẩn trên mặt vóc và đập vỡ vụn tùy ý muốn, sau đó màu sẽ được rắc vào các khe nứt tạo hiệu quả khác nhau.
“Lớp sơn phủ cùng các lớp màu có độ cao thấp khác nhau khi mài ra sẽ gây cảm giác huyền ảo bởi cánh gián và sơn then tự nó đã có màu như hổ phách hoặc đen như bóng tối. Họa sĩ phải có đủ kinh nghiệm và trực giác nghệ thuật để tạo nên những hiệu quả lộng lẫy, rực rỡ hoặc âm u, huyền bí”, họa sĩ Lý Trực Sơn nói.
Còn theo họa sĩ Nguyễn Văn Bảng - nguyên Trưởng khoa Mỹ thuật trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội - một người rất am hiểu sơn mài nhận xét, không mềm mại, bóng bẩy như tranh lụa, không rực rỡ như tranh sơn dầu, song cái chất huyền bí, sâu thẳm, những lung linh, biến ảo kỳ thú khó tìm thấy ở các chất liệu khác chính là điều làm nên giá trị khác biệt của tranh sơn mài. Cũng vì vậy, sơn mài được rất nhiều họa sĩ yêu thích, thậm chí là “nghiện”. Hầu hết những họa sĩ đã “dính vào” làm tranh sơn mài thì không quay trở lại vẽ các chất liệu khác nữa.
Chất liệu kén người
Dù là một chất liệu rất “mê hoặc” nhưng số họa sĩ chuyên tâm làm tranh sơn mài lại không nhiều. Cũng phải thôi, bởi sơn mài là cuộc chơi đòi hỏi nhiều điều kiện và cả sự kỳ công, khổ hạnh. Quá trình sáng tác vất vả, sự khắc nghiệt của thứ nguyên liệu sơn ta hoàn toàn tự nhiên nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều thử thách.
Họa sĩ sơn mài phải “bò” trên bức tranh mà gắn, mà mài. Tiếp xúc trực tiếp màu vẽ bằng tay khiến bàn tay của họa sĩ sơn mài lúc nào cũng nhem; họ không bao giờ có được cái dáng vẻ thong dong, nhàn tản của người họa sĩ vẽ chất liệu khác. Rồi thì nguyên liệu sơn có thể “ăn” người tiếp xúc với nó, làm họ bị sưng phù mặt mũi, mẩn ngứa; điều này khiến nhiều họa sĩ ngay lập tức phải rời bỏ cuộc chơi.
Hiếm có gia đình nào có tới ba họa sĩ đều theo đuổi tranh sơn mài. Trong ảnh: Họa sĩ Nguyễn Thị Tiến (vợ họa sĩ Nguyễn Văn Bảng) thực hiện công đoạn trang trí một bức tranh sơn mài.
Một điểm rất khác biệt là tác phẩm sơn mài hình thành rất chậm qua từng công đoạn vẽ, trang trí, toát sơn, ủ, mài... mà khâu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kỹ năng, kinh nghiệm. Vì vậy, người họa sĩ làm sơn mài ngoài khả năng nghệ thuật còn phải có tay nghề của một người thợ thủ công bậc thầy.
Để tạo ra một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh, các họa sĩ phải phủ sơn, chờ cho sơn khô rồi mới mài. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần, lại phụ thuộc thời tiết nên mỗi bức tranh làm ra phải mất hằng tháng, thậm chí hằng năm. Đây cũng là những thử thách cho những tay vẽ vốn đã quen với những chất liệu tạo ra hiệu quả thẩm mỹ tức thời ngay dưới mỗi nét cọ hay mỗi nhát bay.
“Dân sơn mài chúng tôi gọi là “làm” tranh, chứ không gọi là vẽ tranh, vì để ra được một bức sơn mài cần rất nhiều công đoạn chứ không chỉ có vẽ”, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng cho biết.
Theo họa sĩ Công Quốc Thắng, cản trở khác khiến ít người đến với dòng tranh sơn mài là nguyên liệu đắt đỏ, đồng thời yêu cầu mặt bằng rộng rãi. Chất liệu khác, người họa sĩ có thể chỉ cần vài hộp màu, cái giá vẽ nhưng làm sơn mài thì phải có xưởng, ít ra cũng phải vài ba chục m2. Về nguyên liệu, thông thường mỗi m2 tranh sơn mài tối thiểu đã rơi vào khoảng 6-7 triệu đồng, còn nếu sử dụng nhiều vàng, bạc thì có thể lên đến tiền trăm triệu.
Là người nổi tiếng “sính” sử dụng vàng trong tranh, họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ chia sẻ, không như các họa sĩ chỉ “vẽ” vàng ở lớp ngoài cùng, chị thường sử dụng vàng ngay khi thấy mài đã tương đối ổn, đến khi hoàn thiện có thể lên tới 3-4 lớp vàng. “Nhiều lúc mải mài, quên mất đó là vàng, thành ra có khi mất tới 2/3 trôi theo dòng nước. Cũng có khi mài rồi, thấy chưa ưng ý, lại phải thếp vàng vào, làm lại”, họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ nói.
Còn theo họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, điều kiện kinh tế hay tốn kém chưa hẳn là rào cản lớn đối với các họa sĩ, nhưng trong bối cảnh nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, bảo rằng làm sơn mài là cuộc chơi “đốt tiền” cũng là một cách nói vui vui, để thấy rõ hơn điểm đặc trưng của dòng tranh này.
Họa sĩ Công Quốc Thắng tại một triển lãm của nhóm Sơn ta, tháng 5/2022.
Cũng bởi đắt đỏ, công phu nên đã có lúc, một số họa sĩ “biến tấu” làm tranh sơn mài bằng sơn công nghiệp hoặc sơn Nhật. Rất may, vẫn còn nhiều họa sĩ “nặng lòng” với sơn mài truyền thống và đeo đuổi nghiệp làm tranh vất vả này.
“Chúng ta có hội họa sơn mài là nhờ truyền thống nghề sơn của cha ông để lại. Trong dòng chảy văn hóa Việt, tình yêu sơn ta khi âm ỉ, lúc tỏa sáng, thăng hoa nhưng thời nào cũng được người dân Việt Nam say mê, gìn giữ. Chẳng nói đâu xa, gia đình tôi có ba người theo nghiệp vẽ thì cả ba đều theo đuổi sơn mài bằng sơn ta đích thực. Cùng với chất liệu truyền thống của son, quỳ bạc, quỳ vàng… những bức tranh sơn mài là tiếng vọng của thời gian, giúp lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ, bình dị, mộc mạc mà vô cùng quý giá”, họa sĩ Nguyễn Văn Bảng đúc kết.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/son-mai--cuoc-choi-dot-tien-post199509.html