Sóng 5G Việt Nam lần đầu tiên phát tại cộng đồng di động thế giới
Viettel phát sóng 5G độc lập (Standalone - SA) – kiến trúc mạng 5G hiện đại nhất, tại Hội nghị di động thế giới 2024 (MWC 2024), thể hiện năng lực làm chủ thế hệ mạng di động mới và sẵn sàng triển khai trong năm nay tại Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel làm chủ toàn trình cung cấp dịch vụ truy nhập Internet 5G SA, hiện đại nhất, ngay tại MWC. 5G SA sẽ được triển khai trong năm nay ở Việt Nam”, Giám đốc Kỹ thuật Viettel Group, ông Lê Bá Tân, nói tại sự kiện. Qua 7 năm tham dự sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành di động, phát sóng 5G tại gian hàng là một điểm mới mà đại diện duy nhất từ Việt Nam đem đến MWC năm nay.
Tại buổi làm việc với Viettel, đại diện Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), ông Henry Calvert
cho biết đánh giá cao kế hoạch triển khai mạng 5G của Viettel trong năm 2024, đặc biệt là việc ưu tiên triển khai mạng 5G SA.
Hầu hết các mạng 5G đã được triển khai trên thế giới đến nay là 5G không độc lập (Non-standalone – NSA), sử dụng thiết bị mạng vô tuyến 5G để giao tiếp với tín hiệu với thiết bị đầu cuối, nhưng vẫn dựa trên mạng lõi 4G LTE sẵn có. Vì vậy 5G NSA sẽ không có các tính năng của một mạng 5G SA, hay còn gọi là 5G đích thực với mạng vô tuyến 5G và mạng lõi 5G, như triển khai hàng chục nghìn thiết bị trong một phạm vi hẹp hay độ trễ dưới 5 mili giây.
Tại MWC 2024, Viettel giới thiệu hệ sinh thái thiết bị mạng vô tuyến 5G theo chuẩn Open-RAN, mạng lõi 5G và chip 5G do Viettel làm chủ toàn trình. Đến nay, Viettel cũng là nhà mạng duy nhất trên thế giới xuất thiết bị viễn thông. “Viettel đã đạt được thành tựu tuyệt vời, thực sự là những công nghệ đột phá cả về sử dụng Open-RAN và lõi 5G SA”, Tổng Giám đốc Nhóm Nền tảng mạng tại Intel, Dan Rodriguez, cho biết.
“Từ kinh nghiệm của khi làm việc với các nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị, thật ấn tượng khi thấy Viettel có thể tự làm chủ các thiết bị phần cứng sử dụng trong mạng lưới”, Giám đốc Phát triển kênh tại Tierone OSS, công ty phát triển phần mềm vận hành mạng viễn thông, ông Francis Chi Fai Chung, cho biết.
“Với việc đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái 5G từ mạng vô tuyến đến mạng lõi phục vụ cho mạng công cộng quy mô toàn quốc, Viettel nhận thấy có thể thu nhỏ quy mô để tạo thành Private 5G, ứng dụng cục bộ đáp ứng nhu cầu khách hàng doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Trung tâm viễn thông băng rộng tại Viettel High Tech, ông Nguyễn Chí Linh, cho biết.
Private 5G hay “Network in a box” (mạng lưới thu nhỏ) cũng chính là hệ thống cung cấp mạng Viettel 5G SA tại MWC. “Gọi như vậy vì chỉ trong một chiếc hộp nặng khoảng 40 kg này, chúng ta có đầy đủ mạng lõi, mạng truy nhập, mạng vô tuyến 5G”, ông Chí Linh nói. Với hệ thống này, các doanh nghiệp có thể tạo ra kết nối mạng tốc độ cao, độ trễ thấp để vận hành các thiết bị sản xuất như robot, camera AI, camera kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Hệ thống đã được chuyển giao cho công ty kỹ thuật viễn thông QuadGen tại Ấn Độ vào cuối năm 2023. Hiện Viettel đang làm việc với các đối tác trong lĩnh vực logistic, sản xuất để tiếp tục triển khai các hệ thống Private 5G tại Việt Nam, ông Tân cho biết.
“Viettel luôn mong muốn phát triển những công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ cho Việt Nam và thế giới. Tại MWC, chúng tôi chia sẻ các tri thức và kinh nghiệm liên quan đến các công nghệ lõi của các sản phẩm mà Viettel sản xuất, vận hành khai thác. Viettel cũng đặc biệt chú ý đến các giải pháp tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Đình Chiến, chia sẻ tại MWC 2024.