Sông băng ở Greenland tan nhanh gấp 5 lần so với 20 năm trước
Sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng tốc độ tan chảy của các sông băng ở Greenland lên gấp 5 lần trong 20 năm qua, theo các nhà khoa học từ Đại học Copenhagen cho biết hôm thứ Sáu (10/11).
Băng tan ở Greenland là mối quan tâm đặc biệt, vì tảng băng cổ xưa chứa đủ nước để nâng mực nước biển lên ít nhất 6 mét nếu nó tan chảy hoàn toàn.
Ông Anders Anker Bjork, giáo sư tại khoa khoa học địa chất và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Copenhagen, cho biết một nghiên cứu về hàng nghìn sông băng trong khu vực cho thấy tốc độ tan chảy đã bước vào giai đoạn mới trong hai thập kỷ qua.
“Có một mối tương quan rất rõ ràng giữa nhiệt độ mà chúng ta trải qua trên hành tinh và những thay đổi mà chúng ta quan sát được về tốc độ tan chảy của sông băng”, ông Bjork nói.
Các sông băng giảm trung bình 25 mét mỗi năm, so với 5-6 mét khoảng hai thập kỷ trước, theo các nhà khoa học kết luận sau khi nghiên cứu sự phát triển của sông băng trong hơn 130 năm qua thông qua hình ảnh vệ tinh và 200.000 bức ảnh cũ.
Các nhà khoa học từ Liên minh châu Âu cho biết hồi đầu tháng này rằng thế giới đã ấm lên gần 1,2°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp và năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua.
Ông Jørgen Eivind Olesen, Giám đốc Viện Khí hậu tại Đại học Aarhus cho biết, việc giảm nhiệt độ sẽ đòi hỏi những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu khí nhà kính trong khí quyển. “Tôi tin rằng chúng ta có thể phải chuẩn bị cho những dòng sông băng tiếp tục tan chảy với tốc độ ngày càng tăng”, ông nói.
Trung Kiên (theo Reuters)