Sông băng ở Thụy Sĩ qua những bức ảnh sau khoảng 200 năm
Những bức ảnh gây sốc 'ngày đó và bây giờ' về các sông băng trên khắp Thụy Sĩ cho thấy mức độ mà các khối băng lớn đã tan chảy kể từ thời Victoria đến nay. Nhiệt độ ấm lên đã bỏ lại những tàn dư là vạt đá vụn màu xám, những dòng sông, suối uốn khúc thay vào nơi những dòng sông băng hùng vĩ từng bao phủ mọi vật.
Báo cáo của chính phủ Thụy Sĩ cho biết nước này đã mất hơn 500 sông băng, và 90% trong số 1.500 sông băng còn lại có thể bị mất vào cuối thế kỷ. Sự tan chảy của sông băng dự kiến sẽ có tác động lớn đến mực nước – như nguyên nhân chúng tăng lên trong thời gian ngắn khi băng tan nhưng cuối cùng chúng lại hạ thấp hơn. Quan chức của Thụy Sĩ lo ngại nhưng thay đổi của cảnh quan có thể làm đá lở và các mối nguy hiểm cũng như các tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước.
Một nạn nhân sớm nhất của việc băng tan ở Thụy Sĩ là khách sạn Belvédère nổi tiếng, được xây dựng trên đèo Furka nhìn ra sông băng Rhone vào năm 1882 để phục vụ cho du lịch lên dãy Alps.
Nằm trên chỗ quanh gấp khúc một ngọn đèo, tòa dinh thự thời Victoria đã từng tổ chức các bữa tiệc hoang dã và thậm chí còn là bối cảnh xuất hiện trong chuỗi cảnh rượt đuổi xe hơi trong tập phim Ngón tay vàng, phần ba trong loạt phim James Bond vào năm 1964. Du khách không chỉ có thể nhìn thấy sông băng khổng lồ bên dưới khách sạn, mà họ còn có thể đi ra sông băng qua cây cầu gỗ và ghé thăm hang động bằng một lối đi nhân tạo dài 330 feet (100 mét) được đào hàng năm vào băng.
Tuy nhiên, ba năm trước, khách sạn Belvédère đã buộc phải đóng cửa và bỏ hoang khi mà băng phía dưới đã rút lui khoảng 2 km về phía trên dốc. Ngày nay, du khách vẫn có thể đi bộ vào hang băng, nơi vẫn là một điểm thu hút du khách mặc dù khách sạn gần đó đã đóng cửa.
Trong một bức ảnh khác được chụp cuối thế kỷ 19, một người đàn ông được nhìn thấy ngồi trên một tảng đá ở phía trước sông băng Aletsch, sông băng lớn nhất trên dãy Alps. Lúc đó, một nhánh băng lớn kết hợp với dòng chính của sông băng, nhưng ngày nay, nó không còn kết nối nữa.
Theo các chuyên gia, Thụy Sĩ đang trải qua sự ấm lên với tốc độ gấp đôi so với toàn cầu. Trong năm ngoái, các sông băng đã mất khoảng 2% khối lượng, ông Matthias Huss thuộc Viện giám sát sông băng của Thụy Sĩ (GLAMOS), nơi có dữ liệu về mức độ bao phủ băng của Thụy Sĩ kéo dài khoảng 150 năm cho biết. "Chúng tôi chưa bao giờ thấy tốc độ suy giảm băng nhanh như vậy kể từ khi bắt đầu đo đạc", ông nói thêm.
Những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Denis Balibouse của Reuters, người đã ghi nhận mức độ thay đổi của phong cảnh, chụp lại. “Sông băng Aletsch dài 20 km. Trong hai ngày đi bộ, tôi đã có được bốn bức ảnh khác nhau... Những tảng đá không di chuyển, nhưng thảm thực vật đã thay đổi khá nhiều”, ông nói.
Tại sông băng Trient, ông Balibouse phát hiện ra rằng một khu rừng đã phát triển ở nơi một sông băng đã từng được chụp ảnh.
“Một sông băng đã giảm xuống khoảng 200 mét chiều sâu và hơn 3 km chiều dài trong 150 năm. Bạn thực sự có thể nhìn thấy điều đó”, ông nói thêm.
Trong số các người dân Thụy Sĩ, có một số hy vọng chính trị sẽ tạo ra điều gì đó khác biệt, nhất là sự trỗi dậy của các đảng Xanh trong cuộc bầu cử tháng 10 năm nay. Trong khi đó, có một cái gọi là “Sáng kiến sông băng” kêu gọi các biện pháp khí hậu nhiều hơn đã thu thập hơn 100 nghìn chữ ý để yêu cầu một cuộc trưng cầu. Sáng kiến này sẽ được gửi tới Bern tuần này. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các sông băng vẫn cứ tiếp tục bị tan chảy.
“Theo tôi, dãy Alps sẽ vẫn đẹp”, Tiến sĩ Huss nói, “nhưng nó sẽ rất khác”.
HOÀNG DƯƠNG
Theo Dailymail