Sống bất an bên thủy điện ngàn tỷ

Dự án thủy điện Hồi Xuân trên sông Mã (thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có công suất 102MW, tổng vốn đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2007. Tuy nhiên sau 2 lần đổi chủ đầu tư, dự án vẫn chậm tiến độ, còn các hộ dân đã nhường đất xây thủy điện, nay phải sống bất an vì chủ đầu tư 'hứa lèo'.

Theo tìm hiểu, chủ đầu tư cũ của dự án thủy điện Hồi Xuân là Tổng Công ty Xây dựng điện Việt Nam. Do không thu xếp được tài chính nên công ty triển khai dự án rất chậm. Đến năm 2015, dự án này được chuyển giao cho Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (gọi tắt là Công ty Đông Mê Kông, địa chỉ tại TPHCM).

Theo Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, sau khi nhận chuyển giao dự án thủy điện Hồi Xuân, Công ty Đông Mê Kông được Chính phủ bảo lãnh khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ khoản vay này, dự án được thi công trở lại từ năm 2017. Tuy nhiên, đến quý 2-2018, dự án lại tiếp tục tạm ngừng thi công. Công ty này cũng gặp khó khăn về tài chính.

Công trường dự án thủy điện Hồi Xuân ngổn ngang không một bóng người

Công trường dự án thủy điện Hồi Xuân ngổn ngang không một bóng người

Cho đến thời điểm tạm ngừng thi công, dự án đã hoàn thành trên 90% khối lượng thi công xây lắp các công trình chính và lắp đặt các thiết bị điện cơ, hoàn thành trạm phân phối 220KV và đường dây 220KV đấu nối. Các hạng mục còn lại là thi công phần bê tông đập dâng và 4 khoang đập tràn phía bờ phải, bê tông nút cống dẫn dòng và hoàn chỉnh lắp đặt thiết bị điện.

Cuối tháng 3-2021, có mặt tại dự án thủy điện Hồi Xuân, PV Báo SGGP ghi nhận, trên công trường không một bóng người. Từ nhà điều hành đến nhà kho, phân xưởng trong tình trạng cửa đóng then cài. Phía bên trong công trường, nhiều loại vật liệu, máy móc hoen gỉ nằm ngổn ngang.

Để phục vụ dự án thủy điện Hồi Xuân, 53 hộ dân bản Sa Lắng (xã Phú Xuân) phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể an cư. Trưởng bản Sa Lắng Lê Thanh Bình bày tỏ: “Đã 2 năm ở khu tái định cư nhưng chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm sinh sống”.

Trước khi lên khu tái định cư, chủ đầu tư cam kết hoàn thiện các hạng mục như: kè taluy dương để vách núi đỡ sạt xuống khu vực bản; tường chắn và ốp mái taluy âm để đất trên bản không sạt xuống sông Mã, suối Lót; xây nhà văn hóa mới, đường giao thông xuống bến đò, sân thể thao, hỗ trợ tái định cư… Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, những hạng mục này vẫn chưa được triển khai. Nỗi lo lớn nhất của 53 hộ dân bản Sa Lắng là taluy âm bờ sông Mã, suối Lót, taluy dương vách núi chưa được làm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mỗi khi có mưa lớn.

Theo UBND huyện Quan Hóa, hiện nay, chủ dự án thủy điện Hồi Xuân còn nợ huyện nhiều hạng mục, như: công trình đường chống ngập ở các bản Phé, Mý, Bá (xã Phú Xuân); Chăng, Páng, En (xã Phú Thanh); Chiềng (xã Phú Sơn); cầu treo Phú Xuân và cầu treo Chiềng. Ngoài ra, chủ đầu tư đã phê duyệt nhưng chưa có kinh phí chi trả cho UBND huyện để thực hiện việc xây dựng 5 công trình trường học, trạm y tế tại các xã Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn.

Trước tình hình người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Hồi Xuân, tháng 3-2021, UBND huyện Quan Hóa đã có văn bản gửi Huyện ủy Quan Hóa để có phương án phù hợp trình tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/song-bat-an-ben-thuy-dien-ngan-ty-723398.html