Sông Cầu đang 'giãy chết': Vì đâu nên nỗi?
Hàng chục nghìn người dân của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sống trong cảnh khổ sở vì nước sông Cầu - một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc đang bị ô nhiễm nặng nề.
Nguồn nước bẩn được xác định xuất phát từ sông Ngũ Huyện Khê chảy qua Hà Nội và Bắc Ninh. Tuy nhiên, cũng vì tình thế này, giải pháp chống ô nhiễm cho sông Cầu càng trở nên khó khăn…
Nước màu đen và hôi thối
Dù ngồi ở trong nhà, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Thắng Cương (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) vẫn phải đeo khẩu trang kín mít để tránh mùi hôi thối từ nước sông Cầu bốc lên. “Mỗi năm có vài lần nước sông Cầu có dấu hiệu bị ô nhiễm, mùi hôi thối xộc vào trong nhà như thế này. Người lớn và trẻ nhỏ đều khó thở, lo lắng”, bà Tâm than thở.
Ông Lê Văn Bốn, cán bộ địa chính và môi trường xã Thắng Cương cho biết, trước kia, sông Cầu chảy qua địa phận xã này nước trong lành, người trong xã vẫn dùng nước sông để tắm giặt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Nhưng khoảng 5 năm trước, nước sông này bắt đầu bốc mùi khó chịu và màu đen kéo dài trong nhiều ngày. Bởi vậy, hơn 2.000 nhân khẩu ở đây chịu ảnh hưởng”.
Ông Lại Văn Hà, Phó phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện Yên Dũng thông tin, năm cao điểm, nước sông Cầu có khoảng 10 đợt chuyển màu, mùi hôi thối và cá chết nổi trắng trên sông. Theo ông Hà, đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Dũng có chiều dài hơn 20 cây số, bên này là Bắc Giang, bờ bên kia là tỉnh Bắc Ninh, vì thế, cả người dân Bắc Giang và Bắc Ninh đều bị ảnh hưởng.
Riêng với huyện Yên Dũng, nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hàng nghìn người thuộc nhiều xã trong huyện, như Thắng Cương, Đồng Phúc, Yên Lư, Tư Mại... Có khoảng 4.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 50% tổng diện tích đất nông nghiệp huyện Yên Dũng) phải sử dụng nước sông Cầu để phục vụ cho sản xuất cây trồng. Đồng thời, trên địa bàn huyện này có 2 nhà máy nước sạch lấy từ nguồn nước sông Cầu để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong huyện cũng bị hệ lụy.
Nhiều năm nay, người dân xã Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng sống trong tình trạng khốn đốn vì nước sông Cầu đổi màu, hôi thối. Ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu ước tính, khoảng 9.000 người và hơn 200 ha đất nông nghiệp trong xã này chịu ảnh hưởng vì sông Cầu bị ô nhiễm.
Trong xã còn có 2 nhà máy nước sạch lấy nguồn nước sông Cầu để cung cấp nước sạch cho nhiều xã trong huyện Việt Yên. Ông Hoàng Công Trung, Phó phòng TN&MT huyện Việt Yên cho biết thêm, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh của người dân ở nhiều xã trong huyện bất bình về tình trạng nước sông Cầu có màu đen, hôi thối và cá chết trên sông.
Nguồn ô nhiễm từ đâu?
Ông Vũ Văn Tưởng, Phó GĐ Sở TN&MT Bắc Giang cho hay, từ năm 2016, cơ quan này tiến hành khảo sát nước sông Cầu và ghi nhận có màu đen, mùi hôi tanh. Sau đó, cơ quan này gửi báo cáo đến Bộ TN&MT và đề nghị bộ này kiểm tra, đánh giá và kịp thời giải quyết ô nhiễm nước lưu vực sông Cầu.
Trong năm 2016, Bộ TN&MT lập đoàn công tác để kiểm tra thực trạng trên. Theo báo cáo của Bộ TN&MT sau đó, nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào. Theo đó, nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh). Đồng thời, bộ này cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh có biện pháp xử lý triệt để các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.
Năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh có văn bản đến sở TN&MT Bắc Giang thông báo về các giải pháp của tỉnh Bắc Ninh để giải quyết tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh tiến hành cải tạo sông Ngũ Huyện Khê, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn ở CCN Phú Lâm và làng nghề giấy Phong Khê...
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tiền Phong trong những ngày qua, làng nghề tái chế giấy Phong Khê và nhiều cơ sở sản xuất giấy ở xã Phú Lâm vẫn còn hệ thống cống thải nước có màu và mùi khó chịu đổ ra sông Ngũ Huyện Khê. Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết, riêng phường Phong Khê có trên 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000m3/ngày đêm, trong khi tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến 10.000m3/ngày đêm.
Tại CCN Phú Lâm có lượng nước thải hơn 4.000m3/ngày đêm, trong khi khu xử lý nước thải tập trung ở đây chưa hoạt động. Đại diện Sở TN&MT Bắc Ninh cho biết thêm, nước sông Cầu ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tỉnh này. Năm 2018, cơ quan này có nhận được phản ánh của người dân trong tỉnh sống ven sông Cầu về tình trạng nước bị ô nhiễm.
Khi PV cung cấp các đoạn video và hình ảnh về nhiều cơ sở sản xuất giấy ở xã Phú Lâm và phường Phong Khê vẫn xả thải ra sông, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Khi chúng tôi đi kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa, ngừng xả thải nên cũng khó bắt được tại chỗ để có thể kịp thời xử lý vi phạm”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/song-cau-dang-giay-chet-vi-dau-nen-noi-1523155.tpo