'Sống chậm' ở bản Sưng
Có một nơi mà thời gian như ngưng đọng. Bước chân vội vã nơi phố thị dường như chẳng thể len lỏi tới được. Ở đó, người ta sống với núi rừng, với gió và nụ cười mộc mạc thuần hậu. Nơi ấy là xóm Sưng, nằm nép mình dưới chân núi Biều, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Ở bản Sưng, đồng bào dân tộc Dao vẫn còn giữ được truyền thống văn hóa từ trăm năm phát triển du lịch cộng đồng.
Nụ cười của “người ở rừng”
Về xóm Sưng mùa này, không chỉ là về với hương chè shan tuyết cổ thụ ngào ngạt từ những triền đồi lộng gió mà còn là về với không gian nguyên sơ còn giữ được nhịp sống chậm rãi. Đó là nơi mà ngay cả ánh mắt lạ cũng được đón bằng một nụ cười thân tình. Chúng tôi đến xóm Sưng, một phần vì tò mò, một phần vì lời nhắn nhủ tha thiết của đồng chí Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc (Hòa Bình (cũ). Ông bảo: Về Sưng đi. Nơi ấy còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Có những điều lạ lắm! Cả xóm nằm gọn dưới tán rừng nguyên sinh, nơi con người và thiên nhiên như hòa vào nhau làm một...
Mang trong tâm trí sự háo hức lạ kỳ, chúng tôi trở lại xã Cao Sơn, nay thuộc tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập. Đồng chí Lường Văn Thi, Bí thư Đảng ủy xã tiếp chúng tôi bằng câu chuyện đầy nhiệt thành: Xóm Sưng là “viên ngọc” giữa đại ngàn xanh thẳm. Ở đây, đồng bào dân tộc Dao vẫn còn giữ được truyền thống văn hóa từ trăm năm. Đây là nền tảng để xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Trước đây, xã Cao Sơn (cũ) đã có Nghị quyết chuyên đề về “phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Sưng”. Đến nay, nó vẫn là hướng đi đột phá. Tò mò về cái tên có vẻ lạ, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nở nụ cười thân thiện lý giải: Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước khi chưa đắp đập ngăn sông xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, xóm Sưng chính là điểm cao nhất của huyện Đà Bắc (cũ) có người sinh sống. Chính vì ở trên cao, đường xá đi lại khó khăn, muốn lên xóm chỉ duy nhất bằng cách đi bộ theo những con đường mòn xuyên rừng, leo dốc núi dựng đứng đến sưng đầu gối. Có lẽ vì thế nên người ta mới đặt tên cho xóm là xóm Sưng. Cái tên vừa gợi nhắc gian khó, vừa gói gọn một nét riêng chẳng nơi nào có được.
Đó là chuyện xưa, nay xóm vẫn ở dưới chân núi Biều quanh năm mây phủ. Về Sưng bây giờ không còn là con đường mòn xuyên rừng, dốc núi ngửa mặt. Thay vào đó là con đường bê tông xe ô tô vào tận trung tâm xóm. Theo con đường bê tông ấy, chúng tôi ngược dốc núi Biều về với đồng bào dân tộc Dao dưới tán rừng nguyên sinh. Đúng như chuyện kể của những người đi trước. Lên đến Sưng mới thấy nó đẹp, còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ xa xưa. Đón chúng tôi là nụ cười của Lý Sao Mai - người con gái đẹp nhất bản và cái nắm tay thật chặt của những người mình chưa từng gặp nhưng cứ như đã từng quen. Thật ấm áp!

Một trong những sản vật đặc sắc ở xóm Sưng chính là chè shan tuyết cổ thụ được hái ở trên núi Biều.
Bình yên dưới tán rừng già
Trưởng xóm Lý Văn Nghĩa bảo: Xóm có 75 nóc nhà, 364 nhân khẩu. Giờ một số nhà làm du lịch cộng đồng, có homestay đón khách như nhà anh Lý Văn Thu, Đặng Văn Nhất, Đặng Văn Xuân... Nhưng thật ra, ở đây không ai là khách lạ. Chỉ cần đến, là thân quen. Khách có thể vào bất kỳ nhà nào cũng đều được tiếp như người thân. Chúng tôi là người ở rừng, cứ có khách đến là vui lắm!
Theo chỉ dẫn, chúng tôi ở lại nhà ông Lý Hồng Si, người có uy tín nhất xóm. Ông được xem là một “pho sử sống” của cộng đồng người Dao nơi này. Sau bữa cơm chiều ấm áp, chúng tôi ngồi bên bếp lửa bập bùng, rót chén chè shan tuyết ủ từ những đọt non hái trên đỉnh núi Biều. Ông bảo: Loại chè này có tuổi đời hàng trăm năm, được sao tẩm bằng phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc truyền lại. Không phải ở đâu cũng có. Ngồi cạnh ông, Lý Sao Mai tiếp lời: Về xóm Sưng mùa này ngoài hoa chè shan tuyết, hoa Gió nở trắng muốt thì còn có cả những vạt hoa cải vàng rực sau mùa gặt; những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ đẹp như tranh vẽ; những món ngon như thịt chua, gà đồi, rượu hoẵng, cơm nương... Tất cả đều do người dân tự tay làm ra nên vẫn giữ được vị ngọt lành của núi rừng.
Dưới ánh lửa, những câu chuyện về cuộc sống nơi bản Dao bình yên như những mạch nguồn chảy miết. Trong câu chuyện, chúng tôi được nghe ông Lý Văn Hình, một trong những người cao tuổi nhất xóm kể những câu chuyện về cuộc sống của “người ở rừng” với tất cả sự trân trọng và tự hào.
“Sơn sơn xuất đắc nhân”
Cũng giống như nhiều nơi, với đồng bào dân tộc Dao ở xóm Sưng, rừng không phải thứ để chặt phá. Rừng là cội nguồn của sự sống. Từ xa xưa, cha ông họ đã đặt ra luật tục răn dạy con cháu, coi việc bảo vệ rừng là đạo lý sống. Chính vì thế, rừng nguyên sinh quanh xóm vẫn được bảo vệ nguyên vẹn qua hàng trăm năm, chưa từng bị xâm hại. Điều này được minh chứng bằng những cây cổ thụ trăm năm tuổi sừng sững vươn cao, che trở cho những nếp nhà. Và cũng không đâu xa, ở ngay đầu xóm còn cây Chò chỉ to hơn 2 người ôm. Còn đó, cây đinh, cây muồng cở thụ mát xanh.
Là người được chứng kiến, trải qua nhiều thăng trầm nơi bản nhỏ, ông Lý Hồng Si bảo: Với đồng bào dân tộc Dao, ở nơi nào để mất rừng thì nơi đó cũng mất luôn cả văn hóa gốc. Còn nơi nào còn, giữ được rừng thì vẫn còn vẹn nguyên những nét văn hóa của cha ông trao truyền. Đơn giản vậy thôi! Cũng bởi thế mà người ở Sưng sống chậm. Không phải vì họ lạc hậu, mà vì họ biết đủ, biết trân trọng, biết sống hài hòa với tự nhiên. Cuộc sống ở bản Sưng không ồn ã, không bon chen. Thay vào đó, là những đêm quây quần bên bếp lửa, là những chén rượu sóng sánh tình người, là ánh mắt trìu mến dành cho nhau như anh em một nhà. Mỗi tháng, có hàng trăm lượt khách với đa phần là người nước ngoài tìm đến bản Sưng. Họ đến để tìm lại cảm giác được sống, được thở trong không gian xanh mát và yên tĩnh. Ở đây, tiếng chim lảnh lót, sương mù giăng khắp lối đi mỗi sớm mai và cả những cánh hoa rừng nở suốt bốn mùa... Tất cả khiến người ta chậm lại, đủ để nhìn thấy những điều mình thường bỏ lỡ. Về với Sưng chính là để yêu lại cuộc sống.
Chúng tôi rời bản Sưng khi đỉnh núi Biều vẫn còn ngái ngủ, giữa đại ngàn cổ thụ, gió đang thì thầm qua tán lá. Một cảm giác bình yên đến lạ. Nơi một lần đặt chân đến, sẽ không thể nào quên. Sưng là một nơi như thế. Ở đó, người ta sống chậm, sống sâu, sống cùng rừng. Ở đó, vẫn còn những trái tim lặng lẽ giữ gìn rừng già như giữ gìn hơi thở của chính mình.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/song-cham-o-ban-sung-236027.htm