Góc nhìn về Việt Nam của một giáo sư Nhật
Cuốn sách 'Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản' là kết tinh sau hơn nửa thế kỷ gắn bó, nghiên cứu và đồng hành cùng Việt Nam của vị học giả Nhật Bản.

GS.TS Furuta Motoo. ẢNh: VJU.
Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, cuốn sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản là một dấu mốc tri thức và tình cảm đầy ý nghĩa.
Từ góc nhìn khách quan và tâm huyết, tác giả cuốn sách - GS.TS Furuta Motoo - đã vẽ nên “bức tranh toàn cảnh”, sinh động về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người và chính trị Việt Nam, không chỉ với tư cách một nhà nghiên cứu, mà còn như một người bạn thân thiết, một người trong cuộc đã và đang sống, làm việc, trải nghiệm đất nước này trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Cuốn sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Cuốn sách bao gồm 10 chương, với cấu trúc khoa học, nội dung phong phú, bao quát các khía cạnh quan trọng về lịch sử, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thông qua cuốn sách, người đọc sẽ được tiếp cận từ những sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam như cuộc sống hàng ngày, tín ngưỡng… cho đến những vấn đề vĩ mô như lịch sử dựng nước, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quan hệ đối ngoại và vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Những vùng đất đặc trưng như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Nam Bộ hay các đô thị tiêu biểu như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng được mô tả qua cảm quan và trải nghiệm thực tế của tác giả.
Đặc biệt, chương cuối cùng của cuốn sách tập trung phân tích mối quan hệ Việt - Nhật từ lịch sử giao lưu, hợp tác từ thời phong kiến, trải qua những năm chiến tranh trên mảnh đất hình chữ S trong thế kỷ XX, cho đến giai đoạn phát triển toàn diện hiện nay, đã cho thấy chiều sâu trong tư duy và thiện chí của một học giả Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Điểm đặc biệt khiến cuốn sách này trở nên cuốn hút là cách GS.TS Furuta Motoo kết hợp khéo léo giữa những phân tích học thuật với những câu chuyện đời thường tạo nên một bức tranh vừa khoa học, vừa sống động, vừa sâu sắc mà cũng rất đời thường về xã hội Việt Nam.
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy một người nước ngoài viết về Việt Nam chân thành và sâu sắc đến vậy. Cả cuốn sách là những trang viết công phu và hấp dẫn với bút pháp khá độc đáo”.
GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang đánh giá đây là một công trình đáng quý, bổ sung nhiều tri thức hữu ích cho độc giả trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định sự hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách đến từ chính tư cách tác giả, một giáo sư người Nhật Bản am hiểu và gắn bó với Việt Nam.
Có nguồn gốc từ bản tiếng Nhật Kiến thức cơ bản về Việt Nam xuất bản năm 2017 tại Nhật Bản, cuốn sách đã được GS.TS Furuta Motoo chủ động viết lại để phù hợp hơn với độc giả Việt Nam. Với sự giúp sức của nhiều chuyên gia Nhật Bản học và các nhà sử học uy tín như GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, GS Nguyễn Văn Khánh, GS Phạm Hồng Tung... bản tiếng Việt đã trở thành một công trình hoàn chỉnh, có giá trị học thuật và thực tiễn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/goc-nhin-ve-viet-nam-cua-mot-giao-su-nhat-post1567766.html