Sống chậm tại thành phố Kashihara
Kashihara từng là Thủ đô đầu tiên của Nhật Bản, là vùng đất mà vị Hoàng đế đầu tiên sinh sống. Đến nay, Nhật Bản đã trải qua 160 vị vua. Kashihara có tổng diện tích là hơn 39,50km2 với gần 123.000 người. Đây là thành phố có nhiều khu di tích quý báu. Ngày thường, du khách tham quan thành phố là khách quốc tế, còn cuối tuần lại là khách trong nước. Đến đây người ta sẽ có cảm giác như cuộc sống trong câu chuyện cổ, nhẹ nhàng để cảm nhận nhịp sống đúng nghĩa chậm và thư thái. Sau đây là một số di tích không thể bỏ qua tại khu vực:
Đền Kasuga Taisha
Đền Kasuga Taisha nổi tiếng nhất khu vực này. Tương truyền chúa trời xuống đây để ban phước lành cho dân chúng. Khoảng 1300 năm trước, khi Thủ đô của Nhật Bản được xây dựng ở Nara, Takemikazuchi-no-mikoto đã từ đền Kashima đến Mt. Mikasa, được coi là một ngọn núi linh thiêng, ngự trên đỉnh biểu tượng cho sự thịnh vượng của dân tộc và hạnh phúc của người dân. Sau này, nhà lãnh đạo chính trị Fujiwara-no-Nagate xây những tòa nhà lộng lẫy trên địa điểm hiện tại của ngôi đền.
Một cảnh của ngôi đền Kasuga Taisha
Truyền thuyết kể lại rằng, khi thần Takemikazuchi no Mikoto đến núi Mikasa-yama bằng cách cưỡi trên lưng một con nai, chính vì thế, người dân nơi đây tôn sùng loài nai như là sứ giả của thần linh.
Trong công viên Nara hiện có khoảng 1200 con nai đang sinh sống và người ta tin rằng chúng chính là hậu duệ của chú nai mà thần Takemikazuchi no Mikoto đã cưỡi năm xưa. Đền Kasuga-taisha được đăng ký là di sản thế giới Unesco như là một tài sản văn hóa của cố đô Nara.
Ai đã từng đến đây sẽ không thể quên được cảm giác thiên nhiên quá đỗi hiền hòa với những chú hươu xinh xắn thân thiện ngơ ngác. Dọc lối đi, người ta bắt gặp hàng trăm chiếc đèn lồng được dâng tặng của các tín đồ, treo từ tòa nhà. Cùng với đó là những tấm bia phong rêu. Trên đỉnh bên trong tấm bia là nơi có thể thắp nến, ban đêm ánh sáng được thắp sáng trong đỉnh bia này tạo nên sự huyền bí lung linh cho khu vực.
Đền Kashihara-jingu
Đền Kashihara-jingu là ngôi đền tọa lạc ở Kashihara. Có một khu rừng và hồ nước trong khuôn viên ngôi đền với diện tích rộng khoảng 500,000m2. Ngôi đền được xây trên một khoảng đất trống của cung Kashihara vào năm Meiji 23 (năm 1890). Tại đây là nơi lên ngôi của thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản - thiên hoàng Jinmu. Vị thần được thờ phụng trong đền là Thiên hoàng Jinmu và hoàng hậu Hime Tatara Isuzu Hime No Mikoto.
Điện bái phía bên ngoài đền
Có ba con đường dẫn vào đền là Omote-sando, Kita-sando, Nishi-sando. Có hai cổng đền. Điện chính là điện được di dời từ hoàng cung Kyoto và được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điện bái lễ bên ngoài được xây dựng theo lối kiến trúc Irimoya-zukuri. Đây là kiến trúc truyền thống của Nhật Bản có cấu trúc 2 tầng, tầng trên dốc ở 2 hướng trước sau, tầng dưới dốc ở 4 hướng trước sau phải trái.
Người ta có thể thấy phong thủy của nơi đây khi mà điện bái lễ nằm ngay cạnh ngọn núi Unebi tạo nên một quan cảnh tuyệt đẹp. Ở phía Tây điện chính là hồ Fukata với diện tích gần 49,500m2. Xung quanh hồ có con đường đi bộ nối hai bờ tạo nên nét thanh bình vô cùng quyến rũ. Cùng với đó là dọc hai bên, những tán lá xanh rợp của cây hoa anh đào vào mùa hè, còn mùa xuân thì ngút ngàn hoa nở. Một sự kỳ bí trang nghiêm nhưng vô cùng thân thương mang lại cho người ta cảm giác tâm hồn như được gột rửa khi đến đây. Ngoài ra, còn có công viên giải trí Kashihara Shinrin rộng khoảng 100.000m2 ở trong khuôn viên với hơn 450 chủng loại và 150.000 cây. Bên trong đền có nơi trưng bày các bảo vật quý, cổ xưa độc đáo.
Ngày 3/4 là ngày giỗ Thiên hoàng Jinmu, tại đây hiệp hội du lịch TP Kashihara sẽ tổ chức lễ hội bên trong ngôi đền. Ngoài việc tổ chức buổi trình diễn ánh sáng trên mái nhà lớn của điện bái ngoài sẽ có các hoạt động khác như các buổi hòa nhạc, buổi diễu hành ở lối vào đền, thắp đèn trang trí ở cổng và hồ. Khách tham quan vào ngày thường chỉ được bái ở ngoài vào. Khách đoàn đặc biệt có liên hệ với chính quyền trước đó sẽ được vào bên trong bái và chứng kiến tận mắt nghi lễ cổ xưa.
Thị trấn cổ Imaicho
Thị trấn cổ Imaicho được bảo tồn nằm gần Asuka ở quận Nara. Đến đây người ta có thể đi lang thang qua nhiều hẻm của toàn bộ một thị trấn nhỏ.
Imaicho bắt đầu như một khu phố nhỏ hẹp quấn quanh đền Shonenji. Khu đền này hiện vẫn còn sau khi bị đốt cháy và xây dựng lại nhiều lần trong lịch sử. Imaicho được hình thành như một khu vực cho phép một số mức độ tự trị.
Du khách thưởng ngoạn quang cảnh thị trấn cổ Imaicho
Mỗi hộ gia đình đều có thể sử dụng ngói cho mái nhà, thay vì rơm phổ biến với vật liệu không đắt tiền. Sau khi hệ thống samurai chấm dứt vào năm 1868, khu làng bị ảnh hưởng suy giảm sự phồn vinh nhưng không quá lạc hậu.
Đến đây, người ta phải đi bộ qua các ngách nhỏ để thăm Chùa Shonenji, thăm một vài tòa nhà được bảo quản của Imaicho. Có ba khu nhà mở cửa cho công chúng tham qua, trong số đó có nhà Imanishi Residence – di tích lâu đời nhất và ấn tượng nhất của Imaicho có từ năm 1650. Một số di tích Imai Machiya-kan và khu nhà Yonetani Residence cũng được mở cho công chúng. Cả hai đều có chức năng như các cửa hàng và nhà ở của các gia đình thương gia.
Điều đáng nói ở đây là sáng kiến cho khách tham quan được trải nghiệm văn hóa võ thuật truyền thống và văn hóa Kimono. Một người thầy hướng dẫn du khách cầm kiếm, học chút thủ thuật phòng ngự bản thân. Các bà các mẹ hướng dẫn bạn trẻ mặc kimono truyền thống. Dạy họ tôn trọng nét văn hóa cổ xưa. Hoạt động này của địa phương tạo cho du khách được hiểu sâu rộng về văn hóa truyền thống để thêm yêu hơn đất nước và con người nơi đây.
Chùa Todaiji
Ngôi chùa mang tên Todaiji (theo tiếng Hán là Đông Đại Tự). Đây là công trình Phật giáo nổi tiếng hàng đầu ở cả khu vực và trên khắp đất nước Nhật Bản.
Chùa Đông Đại - Công trình Phật giáo nổi tiếng Nhật Bản
Chùa Đông Đại tồn tại gần 1.500 năm, đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa cho nên không còn giữ được sự nguy nga, đồ sộ của ngôi chùa như ở thời kỳ đầu. Trong quần thể kiến trúc lúc ban đầu của chùa Đông Đại có hai tòa nhà cao 100m. Vào thời điểm ấy, sau những tòa tháp ở Ai Cập thì đây là hai tòa nhà cao nhất thế giới. Hiện nay thì hai tòa nhà này không còn nữa. Tòa nhà trong hiện tại được trùng tu hoàn thành vào năm 1709 và nhỏ hơn 30% so với tòa nhà trước đó.
Có cổng tam quan được xây dựng từ năm 1199 cũng là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của chùa. Cổng tam quan hiện tại được tái thiết theo đúng hình dáng cũ. Cổng có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20m, với đường kính hơn 1m. Công trình có sảnh đường được dựng lên từ gỗ, bên trong đặt bức tượng đồng 15m sừng sững cao đến gần trần nhà. Theo người hướng dẫn cho biết, bức tượng được đúc trước sau đó mới xây dựng phần chính điện.
Đến đây sẽ có cảm giác về sự hoành tráng khổng lồ của những bức tượng được các nghệ nhân tài ba tạo ra nhưng đồng thời lại có cảm giác an lạc khó tả. Nét hiền hòa của các pho tượng toát ra thần thái an yên làm cho người ta cứ muốn đắm chìm mãi trong không gian thanh tịnh này.
Bên trong có hai pho tượng hộ pháp bằng gỗ đứng hai bên của cổng tam quan của chùa cao gần 8m có bề dày trên 800 năm. Tượng được ghép thành từ 3.115 miếng gỗ.
Trong khuôn viên của chùa là hàng loạt các công trình kiến trúc khác nhau, gồm có các ngôi điện và kho báu, nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia. Trong đó có bảy công trình được công nhận là di sản quốc gia. Chùa sở hữu rất nhiều bảo vật rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Chùa hiện có 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp loại di sản quốc gia.
Để chiêm ngưỡng tỷ mỉ thì có lẽ phải mất hàng tuần để lĩnh hội. Tuy nhiên, nếu không có nhiều thời gian thì nửa ngày đến đây cũng vẫn thu nạp được nhiều điều tốt đẹp. Thật tuyệt vời là một khu như vậy lại được chính quyền địa phương dâng tặng hoàn toàn miễn phí cho công chúng trong và người nước. Thế nên, nơi đây lúc nào cũng có hàng trăm nghìn người đến và đi nhiều lần trong năm. Có khi chỉ là sự sự thong dong bách bộ qua những con đường trải đá và thảm xanh bao quanh cũng đủ mang lại cảm giác bất tận hạnh phúc.
Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/song-cham-tai-thanh-pho-kashihara.html