Sống chậm với quê hương

Tản văn dễ đọc nên tạo cảm giác cho nhiều người đây là thể loại dễ viết. Khó khăn cho người viết tản văn là phải tạo dựng bút pháp, văn phong khác biệt với bao cây bút khác.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều với tập tản văn đầu tay “Những triền sông đầy gió” (NXB Quân đội nhân dân, 2020) đã tạo ấn tượng với bạn đọc về giọng văn dung dị, trữ tình, chan chứa tình cảm sâu nặng với quê hương.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều hiện công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau, được bạn bè văn giới biết đến là tác giả của 4 tập thơ. Song những tác phẩm đầu tay của chị được đăng tải cách đây hơn 20 năm lại là tản văn. Cũng dễ hiểu, tản văn vốn được xem là một bài thơ văn xuôi bởi câu chữ cần được lựa chọn, phải có giọng văn phù hợp. Điểm khác biệt là tản văn chú trọng kể chuyện, lấy dung lượng khiêm tốn để kể nhiều câu chuyện ở các không gian, thời gian đa dạng.

 Bìa tập tản văn “Những triền sông đầy gió” của Huỳnh Thúy Kiều.

Bìa tập tản văn “Những triền sông đầy gió” của Huỳnh Thúy Kiều.

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều sinh ra ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy quê hương của nhà thơ nằm ven sông Ông Đốc, gần vịnh Thái Lan và Vườn quốc gia U Minh Hạ. Có sông, có biển lại có cả rừng nên dễ hiểu các tản văn của tác giả chứa đựng bao chuyện lạ, bao điều mới mẻ về đất mũi Cà Mau. Từ rau đến cá, mùa sa mưa, mùa gió chướng, đời thương hồ…; từ địa lý đến lịch sử, văn hóa; người đọc hẳn sẽ có cảm giác tác giả như là một hướng dẫn viên du lịch sành sỏi. Thế nên có lần, chúng tôi trêu đùa: Thêm hai chục năm nữa, chị Kiều lại trở thành nhà nghiên cứu văn hóa đất mũi, rồi cả Tây Nam Bộ cũng nên!

Chuyện tương lai nào ai biết được, chỉ biết tác giả luôn trân quý từng khoảnh khắc sống hiện tại, thương nhớ thời gian đã mất. Dường như khi trở về với đất quê, với họ hàng chòm xóm, nếp sống bình dị, phong cảnh nên thơ, ngòi bút tác giả tung tẩy, phóng khoáng như tính cách người dân phương Nam. Và chính tác giả đang tận hưởng những phút sống chậm khi được trở về thời thơ ấu đẹp đẽ: “Cứ đến mùa gió chướng, thấy lau sậy là thấy hồn quê. Những bụi lau sậy mọc như những bàn tay cần mẫn của người nông dân cấy vào hồn đất, hồn người nhiều hoài niệm” (Về miền lau sậy). Tản văn của Huỳnh Thúy Kiều sở dĩ tạo được thiện cảm với người đọc bởi giọng điệu đặc trưng tự nhiên “có sao nói vậy”, không làm dáng, gọt đẽo câu chữ, kể chuyện tâm tình như người bạn thân. Đọc tập tản văn, độc giả nào ắt cũng muốn một lần đến trải nghiệm mảnh đất, con người Cà Mau bởi những lời mời gọi chân tình của tác giả.

Nhiều năm qua, vẫn thấy cái tên Huỳnh Thúy Kiều thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí, như: Quân đội nhân dân, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ, Sài Gòn Giải Phóng, Sức khỏe và Đời sống, Sông Hương, Đất Quảng, Người Hà Nội… Với bút lực sung sức, độc giả có thể hy vọng ở nhiều tác phẩm tiếp theo của nhà thơ đất mũi, nhất là những tập tản văn thấm đẫm hồn quê miền sông nước.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/song-cham-voi-que-huong-613089