Sống chung an toàn với COVID-19: Singapore để ngỏ khả năng trì hoãn việc nới lỏng giãn cách
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 28/11 cho biết nhà chức trách nước này đang theo dõi sát biến thể mới của virus SARS-CoV-2, mang tên Omicron, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành và 'đảo quốc Sư tử' có thể phải trì hoãn việc nới lỏng giãn cách.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại hội nghị thường niên của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền ngày 28/11, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã đạt nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng vẫn cần chuẩn bị đối đầu với những trở ngại lớn hơn trong thời gian tới. Liên quan đến biến thể Omicron, người đứng đầu Chính phủ Singapore nhấn mạnh nước này có thể phải trì hoãn 1 số biện pháp nới lỏng giãn cách, song tin tưởng rằng "đảo quốc Sư tử" sớm tìm được cách thức để sống chung với virus SARS-CoV-2 và nối lại các hoạt động an toàn.
Trước đó, ngày 26/11, Singapore đã quyết định thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 7 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe, theo đó du khách có lịch sử đi lại qua các quốc gia này sẽ không được nhập cảnh, quá cảnh tại Singapore từ ngày 28/11.
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Singapore đang có tiến triển tích cực, với số ca nhiễm mới hằng ngày trong cộng đồng bình quân trong 10 ngày qua tiếp tục ở mức dưới 2.000 ca/ngày. Singapore bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và bước vào giai đoạn 2 (trong 4 giai đoạn) mở cửa nền kinh tế từ ngày 22/11 vừa qua. Trong bối cảnh đó, giới chức Singapore nhận định nếu tình hình tiến triển tích cực, nước này sẽ xem xét tiếp tục nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể đáng quan ngại Omicron có thể sẽ cản trở và làm chậm lại kế hoạch mở cửa của “đảo quốc Sư tử”.
Cũng do lo ngại biến thể Omicron, nhiều nước đã ban hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước châu Phi. Cụ thể, Pháp thông báo từ nay cho đến ngày 1/12, nước này sẽ gia hạn lệnh hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Zimbabwe, Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Eswatini, và Mozambique.
Giới chức Maldives cũng đã ban hành quyết định tương tự. Theo đó, những người đến từ 7 quốc gia này trong 2 ngày trở lại đây sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Saudi Arabia đã quyết định ngừng các chuyến bay đi và đến các nước gồm Malawi, Zambia, Madagascar, Angola, Seychelles, Mauritius và Quần đảo Comoros do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron. Trước đó, ngày 26/11, Saudi Arabia cũng đã ngừng chuyến bay đi và đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Lesotho và Eswatini.
Trong khi đó, giới chức Israel thông báo trong ngày 28/11 nước này sẽ đóng cửa biên giới với toàn bộ du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Thông báo của văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Việc nhập cảnh của các công dân nước ngoài vào Israel sẽ bị cấm trừ các trường hợp do một ủy ban đặc biệt chấp thuận", đồng thời khẳng định biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay trong tối 28/11.
Biến thể mới có tên Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây. Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron được ghi nhận tại Botswana vào ngày 11/11. Ba ngày sau đó, Nam Phi ghi nhận trường hợp đầu tiên. Các nhà khoa học cho rằng biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 có số lượng đột biến rất cao và có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai.
Sau khi xuất hiện thông tin về biến chủng Omicron, nhiều đoàn du khách nước ngoài đang tìm cách rời Nam Phi bằng đường hàng không trong khi nhiều hãng hàng không hủy chuyến do các lệnh hạn chế đi lại mà nhiều nước áp dụng đối với Nam Phi. Một nguồn tin tại sân bay ở Johannesburg, chiều 27/11, một trong những hàng hàng không lớn nhất khai thác không phận Nam Phi là Qatar Airways đã tạm dừng toàn bộ chuyến bay. Tình hình này khiến hàng nghìn du khách rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không có chuyến bay về nước.