Sống chung với nguồn ô nhiễm: Thêm giải pháp, tăng cường kiểm tra
Không chỉ tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát chặt nguồn phát thải lớn, TP HCM cần có kế hoạch tổng thể để bảo vệ môi trường
Ngày 10-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN), KCX và khu công nghệ cao trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2018.
Phải cương quyết không cấp phép
Tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết - đại diện Đoàn ĐBQH TP HCM - nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp ở TP HCM. Theo đó, để hạn chế ảnh hưởng của nạn ô nhiễm, UBND TP cần sớm nghiên cứu để đề ra kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường trước áp lực gia tăng dân số, phương tiện giao thông và các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, TP cần đầu tư các thiết bị quan trắc tự động về không khí, nước thải để phản ánh kịp thời tình trạng ô nhiễm, đưa ra những cảnh báo sớm nhất cho người dân.
Về những khó khăn trong quá trình di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng TP nên kiên quyết không cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất xen cài trong khu dân cư mà chỉ cho phép vào KCN, CCN. "Để làm được điều này chỉ cần điều chỉnh diện tích cho thuê tại các KCN, CCN giúp các DN nhỏ và vừa có cơ hội thuê đất" - bà Văn Thị Bạch Tuyết đưa ra giải pháp.
Đồng quan điểm, nhiều ĐB còn nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Do đó, đã đến lúc TP phải cương quyết sử dụng các biện pháp mạnh đối với cá nhân, đơn vị gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt xem xét không gia hạn giấy phép hoạt động đối với các cơ sở nằm trong khu dân cư.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an TP HCM cho rằng thời gian qua, quá trình kiểm tra, lấy mẫu nước thải tại 2 KCN Lê Minh Xuân và Tân Tạo, CSMT phát hiện 2 đơn vị này xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, mỗi ngày vài ngàn mét khối và bị xử phạt rất nặng. "Điều bất ngờ là số liệu từ các trạm quan trắc của 2 KCN này đều cho kết quả "đạt" nhưng lúc kiểm tra thì chất lượng nước thải vượt ngưỡng rất nhiều. Hepza (Ban Quản lý các KCX và CN TP HCM) cần xem lại độ chính xác từ các trạm quan trắc này" - đại diện Phòng CSMT TP đề nghị.
Từng bước tháo gỡ
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, TP đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách như ưu đãi vốn vay, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm, ưu đãi giá thuê đất…
Cụ thể, từ năm 2002-2007, TP đã triển khai chương trình di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường vào các KCN, CCN và vùng phụ cận, kết quả có 1.402 cơ sở ngưng sản xuất, di dời, chuyển đổi công nghệ. Đặc biệt, để linh động, thúc đẩy sớm việc di dời của các cơ sở ô nhiễm, Sở TN-MT đã thực hiện chương trình thí điểm đối với 21 cơ sở tại khu phố 4 và 5 thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3 với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có nhà máy cấp hơi tập trung, nhận xử lý toàn bộ khí thải phát sinh, tiếp nhận xử lý trực tiếp nước thải từ các cơ sở di dời mà không qua xử lý cục bộ trước khi đấu nối vào trạm xử lý tập trung như những KCN khác. Đến nay, đã có 17/21 cơ sở di dời đến KCN Lê Minh Xuân 3. Việc thí điểm này giúp quản lý, kiểm soát việc xử lý nguồn thải của các cơ sở, tránh tình trạng ô nhiễm di dời từ nơi này đến nơi khác. Sắp tới, khi hoàn tất cơ sở hạ tầng tại KCN Lê Minh Xuân 3, TP sẽ tiếp tục vận động các cơ sở ô nhiễm dời vào đây.
Ông Trần Nguyên Hiền thừa nhận trong quá trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm đã phát sinh nhiều khó khăn do các quy định pháp luật của từng ngành còn chồng chéo, nhiều bất cập trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt khiến cơ sở sản xuất dễ dàng hình thành trong khu dân cư. "Để tháo gỡ các bất cập này, Sở TN-MT TP đã có kiến nghị cụ thể trình UBND TP xem xét" - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP thông tin.
Giám sát chặt
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Hepza, cho biết KCN Lê Minh Xuân năm 2018 bị CSMT xử phạt hơn 2 tỉ đồng vì hành vi xả nước thải chưa xử lý ra kênh. Sau kết luận của Thanh tra TP, hiện nay chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân đang nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 6.000 m3/ngày đêm lên 8.200 m3/ngày đêm, thời gian tới, sẽ nâng lên 12.200 m3/ngày đêm để đáp ứng thu gom nước thải từ Khu Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. "Hiện nay, Hepza vẫn phối hợp với CSMT lấy mẫu mỗi ngày liên tục trong 9 tháng để giám sát chất lượng nước thải theo yêu cầu của UBND TP" - ông Phạm Thanh Trực nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Thanh Trực, Hepza ngoài chức năng giám sát, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường còn là "cửa chặn" khi tiếp nhận hồ sơ của các DN. DN nào có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chắc chắn Hepza sẽ không cấp giấy thông hành vào các KCN như quy định. "Điển hình, vừa rồi một DN sản xuất thịt mát nộp hồ sơ xin vào KCN Tân Phú Trung nhưng chúng tôi nhận định quy trình sản xuất, giết mổ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước đầu nguồn nên không đồng ý cấp phép" - ông Trực nói.
Theo thống kê, TP HCM hiện có 17 KCX, KCN và 1 khu công nghệ cao với khoảng 1.200 DN đang hoạt động, 100% đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Để tăng cường kiểm soát, TP đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cho toàn bộ nước thải đầu ra, truyền số liệu về Sở TN-MT và Hepza để cùng nhau giám sát chặt. Bằng chứng là 17 trạm quan trắc của các KCX, KCN và 35 DN có nguồn thải lớn đã được kết nối dữ liệu về Sở TN-MT. Riêng KCN Lê Minh Xuân được lắp trạm quan trắc tự động và giám sát 24/24 giờ. Hiện nay, Sở TN-MT tham mưu UBND TP ban hành quy định việc đầu tư và truyền dữ liệu đối với các nguồn thải lớn trên địa bàn TP bao gồm cả nước thải và khí thải.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ tại các KCN, KCX, Sở TN-MT TP đã và đang tăng cường kiểm soát các nguồn xả thải ra kênh Thầy Cai - An Hạ, khu vực Lê Minh Xuân, rạch Nước Lên, sông Chợ Đệm…; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong lưu vực, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như dệt, nhuộm, xi mạ...
Đẩy nhanh việc hình thành các CCN
Theo Sở Công Thương TP HCM, nhu cầu phát triển CCN ngày càng tăng trong khi quỹ đất tại TP ngày càng khó phát triển. Do đó, để tạo điều kiện thu hút chủ đầu tư đầu tư vào các CCN, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP sớm thông qua quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa ra khỏi quy hoạch các CCN không khả thi và giao cho các địa phương chủ động quản lý, rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP còn kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng trong các CCN cho các DN nhỏ thuê sản xuất; hướng dẫn điều kiện quy trình thành lập đối với CCN đầu tư bằng nguồn xã hội hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả đầu tư.
T.Hồng
Cưỡng chế 58 công trình tại KCN Phong Phú
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng, UBND huyện Bình Chánh, Hepza liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú do Công ty CP KCN Phong Phú làm chủ đầu tư.
Theo đó, UBND TP giao UBND huyện Bình Chánh khẩn trương tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP HCM tại Thông báo số 509 ngày 13-8-2019; báo cáo UBND TP HCM kết quả thực hiện trước ngày 20-10. UBND TP cũng giao Hepza khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan lập hồ sơ xử lý đối với các công trình phát sinh theo quy định.
Trước đó, vào tháng 8-2019, Sở Xây dựng đã kiểm tra hiện trạng tại dự án KCN Phong Phú. Qua kiểm tra, các cơ quan phát hiện tại dự án có 58 công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, dễ phát sinh nhiều hệ lụy.
P.Anh