Sống cùng 'hồn' trống
Nguyễn Ngọc Quyền - nguyên Trưởng Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa vừa vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Thành tích góp phần thuyết phục Hội đồng phong tặng danh hiệu chính là những ngày ông đem trống đồng đúc từ xứ Thanh quảng bá ra cả nước.
Không ngoài hai chữ “cơ duyên”
NSND Nguyễn Ngọc Quyền bảo vậy khi tôi đặt câu hỏi vì sao ông và cộng sự của mình là ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lam Kinh (bây giờ là Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa) hết vào Nam rồi ra Bắc, lên tận cùng cực Bắc, vào mãi xóm mũi phương Nam với dàn trống đồng đồ sộ, chẳng nề đường xá, tiền nong.
“Nghề của tôi là diễn tuồng, nhưng vài lần xem nghệ nhân ở phường đúc đồng Trà Đông thổi hồn vào khuôn đúc để làm nên những chiếc trống đồng, tôi thấy cảm phục nghề, thích và mê lúc nào không biết, cứ lẽo đẽo theo”...
Chuyện ông Hồ Quang Sơn và những nghệ nhân lúc đó kỳ công đúc trống đồng để dâng tặng, báo chí đã viết nhiều, không lạ nữa.
Nhưng nếu chỉ dâng, tặng thôi, cùng lắm nó chỉ là đồ trang trí. Ông Sơn nghĩ đến chuyện phải trình diễn đánh trống đồng thức dậy âm sắc dân tộc độc đáo này. Ông tìm đến nghệ sĩ Ngọc Quyền để cùng phiêu lưu giấc mơ “hồn trống”. Hai tâm hồn, một sự đồng điệu, họ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.
“Lúc đó chúng tôi như hai thằng điên. Làm vì yêu trống, mê cái thần của trống, chứ thực ra đã biết đánh thế nào cho hợp cách đâu.
Thấy trên trống đồng cổ khắc hình ảnh hai người dùng chày nện vào trống, nên làm thử, nhưng do trống đúc lúc đầu còn hạn chế nên dùng phương pháp đánh này dễ nứt. Tôi cùng anh Sơn ngày đêm bàn chuyện dùi, chuyện giá trống sao cho hợp cách, nhưng khi đánh lại dâng hiến hết cái hồn của trống, thanh âm tròn, vang, thể hiện được khí phách như sử sách chép là tiếng trống đồng khiến quân Nguyên kinh sợ bạc cả tóc”.
Loay hoay mãi cũng tìm được cách khai thác công năng của trống. Bộ dùi ngắn bọc cao su ra đời, khởi đầu cho phương pháp đánh trống mới bên cạnh việc giã vào trống như truyền thống.
Những chuyến công diễn để đời
Cách đây chục năm, dưới sự chỉ đạo của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Quyền, mấy chục diễn viên ngày đêm luyện tập, kệ nắng nóng và những đàm tiếu.
“Mình có tâm nghề, chả sợ. Luyện thành công rồi mà không có đất diễn mới đáng sợ”.
Và thời cơ đến, đó là chuyến lưu diễn đầu tiên trên đất khách, là điểm đến ý nghĩa: Làng Sen quê Bác.
“Trong một không gian thành kính, trang nghiêm, trước anh linh lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, những diễn viên của đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa đã trình diễn một màn múa với trống không thể hay hơn. Tôi không nhớ những tràng vỗ tay kéo dài bao lâu, chỉ biết đó là một kỷ niệm khó nói thành lời. Linh thiêng lắm”.
Với một dàn trống diễn có lúc lên đến 100 chiếc như lần biểu diễn tại Mỹ Đình trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì điều khiển trống thật không dễ. Thống nhất về thanh âm là một chuyện, khó hơn còn là động tác, sao cho như một màn múa trống hơn là đánh trống. “Sử sách ít ghi chép về kỹ, mỹ thuật đánh trống đồng, cái chính là vừa biểu diễn vừa rút kinh nghiệm, để sao không bị ngợp trong một sân khấu lớn”.
Còn nhớ lần tại Hội An (Quảng Nam) trong lần giao lưu văn hóa Việt - Nhật, trống đồng Thanh Hóa đã từ thế “bại” chuyển thành “thắng”.
Chuyện bắt đầu từ việc ban tổ chức không nhận được đĩa hình về đánh trống đồng để duyệt trước, nên không ghi vào chương trình.
Đến nơi, diễn viên say xe, người mỏi mệt, lại bị ban tổ chức từ chối, hai ông lúc đó mặt thất thần, lẽo đẽo theo tổng đạo diễn trình bày, năn nỉ.
“Vì muốn chứng minh cái tinh túy của trống đồng trước người Nhật, nên chúng tôi quyết tâm làm bằng được, không xấu hổ”. Và rồi vinh quang không phụ tâm người. Sau yêu cầu bắt buộc và cập rập của tổng đạo diễn, trống đồng được xếp vào chương trình nhưng họ chỉ cho phép đặt dưới sân.
“Ức lắm! Chúng tôi lại đấu tranh với cái lý trống đồng là linh khí của người Việt, phải có vị trí trang trọng trên sân khấu. Hơn nữa phải được trình diễn màn khai mạc và được chấp nhận”.
Khi vào biểu diễn, tự ái nghề nghiệp nổi lên, diễn viên đánh rất hùng hồn cùng với dàn âm thanh của Nhật quá tốt, tiếng trống đồng vang vọng khắp phố cổ Hội An, du khách ùn ùn kéo đến. Nhiều người lần đầu thấy đánh trống đồng cứ mê mẩn. Chúng tôi được ban tổ chức và công chúng yêu cầu biểu diễn tới 3 lần, có cảm giác át đi dàn trống Tây Sơn (Bình Định), cả dàn trống của người Nhật lúc đó.
Đến giờ NSND Nguyễn Ngọc Quyền vẫn “găm” trong trí nhớ sự kiện đêm 23 tết năm 2010, vinh dự được đánh trống đồng phụ họa để Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thả cá chép trong buổi tết sớm với kiều bào. Nhiều người Việt xa xứ đã đặt vấn đề mời các nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn.
“Trống đồng thật tuyệt, nó làm cho chúng tôi thăng hoa, yêu quý văn hóa Việt Nam hơn. Biểu diễn trống đồng đem lại nguồn thu đáng kể cho đoàn, nhưng quan trọng hơn chúng tôi đã góp phần “đánh thức” một giá trị văn hóa dân tộc”.
Không chỉ quyến rũ công chúng nơi phố xá, những con người đồng điệu tâm hồn còn đến công diễn nhiều nơi. Tính từ năm 2009, đoàn đã đi biểu diễn ngoài tỉnh tới vài trăm cuộc.
“Người ta quý mới mời, nên nhiều khi sức khỏe không cho phép cũng cố. Mình làm văn hóa, biểu diễn trống đồng cũng là truyền bá văn hóa, can cớ gì không cố”.
Phải khẳng định, để có vị trí như hôm nay, ngoài những nghệ nhân đúc trống, sự đóng góp của những người quảng bá hồn trống đồng xứ Thanh ra cả nước và quốc tế là rất quan trọng.
Giờ thì NSND Nguyễn Ngọc Quyền đã nghỉ hưu. Dù không thường xuyên biểu diễn, nhưng tiếp xúc, luôn thấy một mạch nguồn nghệ thuật rần rật chảy trong ông, trong đó cảm nhận rõ có sự thao thức về thanh âm của những giai điệu trống đồng. Với tôi, có thể xem ông như “đại sứ” của trống đồng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/song-cung-hon-trong/107425.htm