'Sóng' dịch ở Tánh Linh
Cuối tháng 7, Tánh Linh đã lên 8 ca rồi 15 ca và đến nay đã có gần 50 ca, đều là người ở các tỉnh, thành khác về quê, chứ dân ở tại huyện thì chưa bị nhiễm bệnh. Vì cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch và người dân cũng phối hợp rất tốt.
New Page 1
Những phận đời cách ly
Anh Nguyễn Văn Miền ở khu phố Lạc Thuận, thị trấn Lạc Tánh đi cách ly ngày 1/8 tại Trường tiểu học Lạc Tánh 2 vì từ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh về. Anh kể: “Mình nuôi con bệnh ở Nhi Đồng 2, trước khi về quê đã làm xét nghiệm mất 750.000 đồng (âm tính), cứ nghĩ về địa phương khai báo y tế xong sẽ cho cách ly ở nhà nhưng không ngờ là bị yêu cầu cách ly tập trung. 2 tháng nằm vật vờ ở hành lang bệnh viện lo cho đứa con mới sinh 3 ngày tuổi đã bị hoại tử đường ruột khiến mình gầy xơ xác. Trong đầu mong được về nhà để ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức nhưng khi nghe đi cách ly tập trung thì mọi thứ như đổ sụp. Vì mình từng đi lao động Hàn Quốc 10 năm, sống tập thể quá nhiều nên rất sợ…”.
Nhưng khi đến nơi thì suy nghĩ ban đầu ấy của anh biến mất. Phòng cách ly của anh có 6 người, đó là phòng của trường học được cải tạo ở tạm, nơi ở thoáng mát có đủ không gian để đồ sinh hoạt cá nhân. Cơm phần đặt được thay đổi món liên tục, bữa thì cá, hôm thì thịt, kèm đồ xào, canh và phần tráng miệng là trái cây khá phong phú. Đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, nếu người cách ly cần hỗ trợ vấn đề gì với gia đình hoặc mua những nhu yếu phẩm thiết yếu sẽ được trợ giúp vô điều kiện…
Hơn thế, những ngày qua, anh còn có thêm những người bạn. Cùng phòng anh có 6 người đều về từ các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Dù chung huyện nhưng chưa ai gặp nhau bao giờ, bây giờ ở chung từ xa lạ trở thành thân quen, vì đồng cảnh khó. Anh Nguyễn Văn Dưỡng ban đầu vào cách ly nằm miết 2 ngày không thèm nói với ai câu nào, ngồi ăn cơm thì mắt nhìn xa xăm vô định… Khi tâm sự (tất nhiên giữ khoảng cách trên 2m và đeo khẩu trang), anh mới mở lòng là đang làm công nhân ở Bình Dương thì nhận tin công ty ngưng sản xuất cho công nhân tạm nghỉ một thời gian. Cùng lúc anh nhận tin mẹ bệnh nặng phải nhập viện, vợ và 2 con nhỏ ở nhà hôm giờ chỉ chờ lương anh gửi về sống qua ngày… Tức tốc về quê để tìm cách giải quyết chuyện gia đình nhưng rồi bị đi cách ly nên anh bi quan. Thế nhưng khi anh nghe chuyện của anh Miền là con phải sinh mổ, mới 3 ngày chưa được gần mẹ thì phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và nằm phòng đặc biệt đến nay gần 3 tháng. Khi sức khỏe con tạm ổn được ra ngoài, biết hóng chuyện bi bô thì với ba ruột (anh Miền) con không chịu cho ẵm mà chỉ đòi bác sĩ với điều dưỡng ẵm vì quen mặt… mới vừa buồn vừa thương. Hơn 2 tháng cùng nằm viện với con, anh Miền cũng kiệt sức xin về thì bị cách ly… Nghe đến đây và thấy cách sống lạc quan của anh Miền, anh Dưỡng như được lên “dây cót” tinh thần. Anh em trong trong phòng cách ly ngày càng gắn kết hơn…
Tìm kiếm Covid -19
Tôi đánh liều dạo qua các khu cách ly ở Tánh Linh để xem tình hình có tốt như Miền kể, nói là dạo qua chứ thực ra là chỉ đứng từ xa bên ngoài quan sát. Thời điểm này, Tánh Linh đã kích hoạt tổng cộng 10 khu cách ly, chủ yếu tập trung tại thị trấn Lạc Tánh, gần với bệnh viện để thuận tiện khi có biến. Mỗi khu sắp xếp khoảng 50 người, bảo đảm khoảng cách cũng như không gian thoáng đãng nhằm tránh lây nhiễm chéo. Đó cũng là điều thể hiện trên thực tế mà huyện muốn tuyên truyền đến dân hiểu hơn về dịch Covid-19 này.
Vốn là huyện miền núi, đời sống người dân nơi đây trôi qua yên ả với công việc đồng áng, nương rẫy, ít xô bồ nhộn nhịp như ở phố thị. Cả huyện chỉ có thị trấn Lạc Tánh nhưng ở đây vào khoảng 23 giờ đêm, tìm được 1 quán ăn tối “hơi bị khó”. Vì thế, thông tin vào ngày 13/7, 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Gia Huynh cùng với quyết định phong tỏa thôn 2 của xã này khiến người dân trong huyện mới ý thức được sự nguy hiểm về dịch Covid-19 đang ở bên cạnh. Những ngày sau đó, một lượng lớn người dân ở Tánh Linh nhưng làm ăn, học tập tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về lại quê đã khiến chính quyền phải kích hoạt lần lượt các khu cách ly, cộng thêm ghi nhận số người dương tính với SARS-CoV-2 cứ tăng lên từng ngày. Cuối tháng 7, Tánh Linh lên 8 ca rồi 15 ca và đến nay đã có gần 50 ca, đều là người ở các tỉnh, thành khác về quê. Chứ dân ở tại huyện thì chưa bị nhiễm bệnh. Vì cả hệ thống chính trị đều vào cuộc phòng chống dịch và người dân cũng phối hợp rất tốt. Lúc tôi về lại Tánh Linh, đi đâu cũng nghe người dân bàn về việc chống dịch. Nhà nhà lo lắng con vi rút “cô vi” ghé thăm.
Anh Trần Văn Phi ở Đức Bình hàng ngày đi rẫy, dăm bữa nửa tháng ngồi nhâm nhi vài li với bạn bè hàng xóm nên bình thường ít chú ý đến vấn đề xung quanh. Thế nhưng, khi có ca ở Gia Huynh dương tính, bạn bè làm chung rẫy vào mỗi lúc nghỉ giữa giờ, túm tụm vào chiếc điện thoại đọc tin tức về Covid - 19 rồi bàn luận khá sôi nổi. Thế là đang xài điện thoại “cùi bắp” anh tức tốc mua ngay cái điện thoại xịn giá gần chục triệu đồng kèm theo thuê bao gói 4G để vào rẫy có “sóng” xem tin tức. Rồi về nhà nói cho người thân nắm tình hình và biết cách tránh con vi rút ấy với “5K”…
Chốn đi về
Vì sao Tánh Linh có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 so với một số địa phương khác như Đức Linh hay Hàm Tân? Bởi như đã phân tích ở trên, hầu hết người bị dương tính ở Tánh Linh đều về từ vùng dịch như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Dù trước khi về Tánh Linh, họ đã xét nghiệm âm tính nhưng nhiều ca khi đi cách ly mới phát bệnh. Trên thực tế, không phải khi có ca dương tính ở Gia Huynh thì Tánh Linh mới tập trung chống dịch mà trước đó huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp căn cơ. Cụ thể như hồi tháng 5 có ca nghi nhiễm Covid-19 đến Thánh Mẫu Tà Pao, rồi xuống Lạc Tánh ăn cơm chung với nhiều người. Sau khi có thông báo từ tỉnh, Tánh Linh đã khoanh vùng và truy vết nhanh nên loại trừ được các diễn biến xấu. Thêm nữa, huyện đã chủ động thành lập 10 cơ sở cách ly nên khi lượng người về lại quê đông thì đều sắp xếp kịp nên không lây lan dịch ra cộng đồng…
Kết quả ấy ít nhiều thể hiện qua đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ để trực tiếp chỉ đạo những điểm nóng nghi nhiễm Covid-19 của ông Giáp Hà Bắc - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Tánh Linh. Ông nói như mở hết lòng: “Ở huyện miền núi còn nhiều thiếu thốn nhưng với tinh thần lo cho dân, vì dân nên cả hệ thống chính trị đã nỗ lực làm những gì tốt nhất để giúp người dân phòng chống dịch, đi cách ly có nơi ở tốt, tinh thần thoải mái nhất. Trong thời gian qua huyện đã được doanh nghiệp, mạnh thường quân… ủng hộ hơn 1,1 tỷ đồng cùng các nhu yếu phẩm khác để phòng chống dịch. Huyện trân trọng ghi nhận những tấm lòng ấy và rất mong bà con thực hiện tốt “5K” cũng như chung tay cùng huyện đẩy lùi dịch Covid- 19…”.
Khi phóng sự này lên khuôn cũng là lúc anh Miền, anh Dưỡng và nhiều người khác đã được về nhà tiếp tục cách ly. Về nhà khi trải qua thời gian nhiều biến động như thế khiến tôi nghe trong lời anh nói có niềm vui của chút trẻ thơ. Như bao người xa quê khác, đợt dịch kinh hoàng này, họ tìm về quê, tìm về nương náu ở gia đình, nguồn cội nên dịch bệnh ở Tánh Linh khiến tôi cứ thấy như những cơn sóng, sóng của di dời trú ẩn. Và sóng dịch thì cũng đến lúc sẽ qua…
Phóng sự: Trần Thi
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/song-dich-o-tanh-linh-140564.html