'Sóng gió' từ năng lượng tái tạo
Dù giá điện mặt trời mặt đất có thấp hơn trước mốc 30/6, chỉ 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh thì với chính sách giá áp dụng 1 vùng mới đây, Bình Thuận với tiềm năng nắng nhiều vẫn sẽ là nơi thu hút các dự án điện mặt trời…
New Page 1
Bài 1: Phức tạp quanh phụ lục PPA
Bài 2: Vẫn chỉ là… hệ thống truyền tải
Đường dây 110kV “thần thánh”
Phúc đáp đơn kiến nghị của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương thông qua tiêu chí cắt giảm công suất nguồn điện khi quá tải lưới điện, trong đó 3 nhà máy điện gió nêu trên được ưu tiên hơn so với các nhà máy điện mặt trời. Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình chờ ý kiến của Bộ Công thương về 5 kịch bản tiết giảm công suất, trong đó EVN đề nghị thực hiện kịch bản 5, (tức 3nhà máy điện là Tuy Phong, Phú Lạc và Mũi Dinh được hưởng trọng số 0.5, các nhà máy còn lại phân bổ theo tỷ lệ công suất công bố) thì hiện tại vẫn tạm thời thực hiện việc tiết giảm đều các nhà máy điện theo tỷ lệ công suất công bố. Song song đó, EVN cũng thông tin là đang đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện để khắc phục sớm nhất tình hình tiết giảm công suất như hiện nay. Và việc cắt giảm này có thể kéo dài đến hết 2020…
Sự cấp thiết trên xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp bị thiệt khi tính ra bằng số tiền cụ thể mất từng ngày đã khiến công trình chỉ thay tiết diện đường dây 110kV hiện hữu trên địa bàn huyện Tuy Phong cũng thu hút sự quan tâm rất lớn. Từ 185mm2 lên 300mm2, điều đó được xem là cứu cánh cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời lúc này, vì đã nâng công suất phát lên, dù không nhiều như mơ ước và cả công suất phát điện có thể của mỗi đơn vị. Mới đây, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (ĐĐQG) đã có thông báo phân bổ công suất phát cho các nhà máy điện có liên quan theo các phương án trước và sau khi đường dây có tiết diện mới đi vào vận hành. Qua so sánh, trong ngày đầu tiên, 30/9, các nhà máy điện gió lẫn điện mặt trời đều được nâng công suất phát lên lưới cao hơn, xấp xỉ một nửa công suất phát thực tế của thời gian trước. Ví dụ,nhà máy điện gió Phú Lạc phát điện trong ngày 29/9 tổng các giờ từ 7h đến 18h chỉ 85 MW thì ngày 30/9 đã lên 116 MW, chưa tính công suất phát ban đêm. Haynhà máy điện mặt trời Eco Seido phát điện ngày 29/9 với tổng các giờ trong ngày cộng lại là 88,5 MW thì ngày 30/9 đã lên 134 MW…Theo các chủ đầu tư ở đây, với đường dây có tiết diện mới trên, mỗi nhà máy có thể được phát điện lên lưới cao nhất chiếm khoảng 60% công suất, tùy từng công nghệ. Vì thế, điều mà các nhà đầu tư ở đây trông ngóng vẫn là đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí được thi công xong trong năm 2020 thì sẽ giải tỏa hết công suất phát điện của các nhà máy, vừa phù hợp với sức chịu đựng, mở ra ngày mới cho kinh doanh có lời. Vì sức ảnh hưởng “thần thánh” như thế, nên có những lo ngại rằng công trình trên sẽ không nhanh sớm, có thể vì khâu giải phóng mặt bằng, khâu đấu thầu.
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, công trình đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí đi qua địa bàn huyện hơn 42 km, trong đó có gần 39 km đi trùng với tim tuyến đường dây 110kV Ninh Phước – Tuy Phong hiện hữu, vì vậy chỉ đền bù khoảng 3 km còn lại. Khi UBND tỉnh đồng ý thỏa thuận hướng tuyến của đường dây, công trình nằm trong danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua, huyện mới biết cụ thể diện tích đất sẽ thu hồi. Nhưng với nhiều yếu tố liên quan hiện tại, lại ở trong cảnh gấp gáp, dự đoán việc giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, lúc ấy, huyện sẽ bàn bạc với chủ đầu tư công trình là Tổng công ty Điện lực miền Nam có phương án phù hợp để triển khai nhanh nhất có thể…
Sức hút mới
Ngoại trừ Tuy Phong bị hạn chế truyền tải, do có nhiều dự án điện mặt trời nối lưới cùng thời điểm, trên cùng một đường dây, còn lại phần lớn các nhà máy điện mặt trời phân bổ ở một số huyện khác đều đi vào hoạt động thuận lợi. Ví dụ nhưnhà máy điện mặt trời TTC – Hàm Phú 2 (Hàm Thuận Bắc) của Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai chi nhánh TTC Bình Thuận có công suất 40,8MW với sản lượng điện theo thiết kế 77 triệu kWh/năm nối lưới đường dây Ma Lâm – Hàm Thuận – Đa Mi. Từ tháng 5 đến nay, tháng nào, nhà máy này cũng phát điện lên lưới từ 80 - 90% công suất trở lên, có tháng đạt cao như tháng 7 sản lượng điện lên lưới hơn 6,7 triệu kWh. Vì vậy, các nhà đầu tư nói đầu tư năng lượng tái tạo ở Bình Thuận cần chú ý đường dây truyền tải như một cách truyền kinh nghiệm cũng không phải là quá.
Chuyện hệ thống truyền tải này cũng đã được UBND tỉnh kiến nghị với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong dịp tổ chức Hội nghịxúc tiến đầu tư năm 2019 mới đây. Cụ thể, tỉnh đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh tiến độ đầu tư một số công trình truyền tải 500kV, 220kV trước năm 2020 và chỉ đạo Tập đoàn EVN bố trí vốn để đẩy nhanh thi công, hoàn thành một số dự án truyền tải trước năm 2020 để tạo điều kiện tiêu thụ hết công suất các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xem xét rà soát quy hoạch lại hệ thống truyền tải, xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải…Tại hội nghị trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý cần xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải điện tại Bình Thuận qua hình thức PPP, tức đối tác công tư nhưng đường dây vẫn do EVN quản lý, vì để bảo đảm an ninh năng lượng.
Ở khía cạnh khác, mới đây, Bộ Công thương vừa có dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Điều đáng nói, giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất đã thống nhất trong cả nước (chỉ 1 vùng) chứ không còn chia theo các kịch bản 2 vùng hoặc phương án 4 vùng (theo cường độ bức xạ) như trước. Vì thế, dù giá điện mặt trời mặt đất có thấp hơn trước 30/6, chỉ 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh thì với chính sách giá áp dụng 1 vùng như trên, Bình Thuận với tiềm năng nắng nhiều vẫn sẽ là nơi thu hút các dự án điện mặt trời, là trung tâm năng lượng tái tạo xôm tụ của cả nước. Riêng tại Tuy Phong, nơi đóng vai trò thủ đô năng lượng này, một số dự án điện mặt trời đã hoạt động cũng chuẩn bị thủ tục để sang năm 2020, 2021 triển khai giai đoạn 2. Những diễn biến tiếp nối cho thấy chuyện giá điện mua thấp thì cũng tương ứng theo xu thế càng ngày giá thiết bị công nghệ làm điện mặt trời càng thấp nên có thể cân bằng được. Vấn đề còn lại vẫn là câu chuyện xây dựng hệ thống truyền tải đường điện theo hình thức PPP sẽ như thế nào, có nhanh được hay không. Vì chỉ cần làm một phép tính sẽ giật mình là sau khi thay đường dây có tiết diện lớn hơn, riêng khu vực Tuy Phong vẫn bị thất thoát khoảng 1.000 MW/ngày với số tiền mất tương ứng 2,156 tỷ đồng. Tính ra 1 tháng, các nhà máy điện mất 66 tỷ đồng, từ đó làm thất thu thuế cho tỉnh khoảng 6,6 tỷ đồng…