Sống giữa tim thành phố
Đối với hầu hết người dân Sài Gòn – Gia Định trước đây, khu trung tâm thành phố xoay quanh những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do, Hàm Nghi... được xem là chốn phồn hoa, là nơi khoe dáng, mua sắm, nhìn ngắm thiên hạ… là nơi cần lui tới để biết cuộc sống phát triển ra sao, để không bị xem là 'quê một cục'.
Thỉnh thoảng tôi gặp được vài người từng cư ngụ nhiều năm ở không gian sống đặc biệt này. Gia đình họ có nhà riêng ở đây, cận kề những dinh thự, cửa hàng, quán xá nổi tiếng. Đêm họ ngủ trong tiếng rì rầm từ hãng Ba Son, trưa nghe tiếng còi tầm từ Nhà dây thép đúng Ngọ. Họ quen với không khí buôn bán tấp nập, cảnh trai thanh gái lịch dạo chơi cuối tuần và chứng kiến những biến động của thành phố đáng ghi vào lịch sử. Khi kể lại về những ngày tháng đó, họ trở thành nhân chứng của lịch sử phố thị, là người lưu giữ ký ức về thành phố này ở nơi tiêu biểu nhất, hấp dẫn nhất.
…
Năm 1936, một người đàn ông từ làng Lai Xá, tỉnh Hà Tây vào Nam, đến mở một tiệm ảnh lấy tên Mỹ Lai ở số 48 đường Bonard (Lê Lợi), đoạn giữa đường Pasteur và đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Mở hiệu ảnh ở đó, hầu như những đồng hương miền Bắc của ông nếu có vào Nam đều đi qua con đường này, nên thỉnh thoảng ông vẫn gặp người quen ngoài quê. Khi mới vào, hai con phố Vienot (Phan Bội Châu), Schroeder (Phan Chu Trinh) ngang Chợ Mới (tên phổ biến lúc ấy của chợ Bến Thành) đều toàn là cửa hiệu của người Tàu và Tây đen (người Ấn) Bombay.
Hàng quán trong chợ, người Tàu chiếm hầu hết. Khu buôn bán của người Pháp ở phố Catinat (Đồng Khởi) và Charner (Nguyễn Huệ). Ở hai con đường này, người Bắc thời đó đã có nhiều cửa hàng hơn người Tàu rồi. Những con đường Espagne (Lê Thánh Tôn), Bonard (Lê Lợi) là chỗ thương trường mà người Tàu và người Việt chen lấn nhau mạnh mẽ để buôn bán. Người Việt đây có cả dân ba xứ nhưng người Bắc vẫn mạnh đường buôn bán ở đây hơn.
Năm 1955, chú bé Đức Vượng là con trai lớn của ông chủ tiệm ảnh Mỹ Lai chào đời. Anh sống ở khu trung tâm này cho đến khi tiệm ảnh dời về Phú Nhuận năm 1973 và có một thời tuổi trẻ ở con đường vui nhất Sài Gòn, con đường mà nhiều người tứ xứ mong sẽ có dịp đi “bát phố Bonard”.
Sài Gòn lúc đó đã khoác lên một diện mạo khác hẳn, nhộn nhịp hơn rất nhiều. Nhà anh cách nhà sách Khai Trí số 60-62 Lê Lợi của ông Nguyễn Hùng Trương hơn chục căn. Sát bên nhà sách Khai Trí là nhà sách Phúc Thành, số 58.\
Tiệm ảnh Mỹ Lai trên đường Lê Lợi. Nguồn: Gia đình anh Đức Vượng - tiệm ảnh Mỹ Lai
Nhà Phúc Thành có một cô gái xinh đẹp ở đó, sau này trở thành một phu nhân nổi tiếng. Khi lớn lên, Vượng nghe các bà chị kể hồi xưa khi chưa cưới được cô, ông tư lệnh không quân đã lái trực thăng bay lơ lửng trên đường Lê Lợi thả hoa xuống tặng người yêu. Chuyện ấy không rõ thực hư ra sao nhưng lớp người trên sáu mươi từng cư ngụ trên con đường này đôi khi vẫn nhắc như một “huyền thoại phố phường” thú vị mà họ đã từng nghe.
Phía trên các tiệm buôn, tiệm dịch vụ ở tầng trệt là các căn hộ dãy tầng lầu phía trên, nơi ở của các gia đình người Pháp, công chức người Việt. Hầu hết con em các gia đình đó học trường Tây. Chỉ có hai người con ông Khai Trí, một trai một gái, là đi học trường Việt.
Vào các buổi chiều hay cả ngày cuối tuần, hai bạn này đến phụ giúp ba mẹ trông nhà sách, có khi bận đồng phục mang phù hiệu trường Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân) trên ngực. Tuy là ông chủ tiệm sách lớn nhất miền Nam, mỗi ngày ông Khai Trí đến nhà sách làm việc như một công chức mẫn cán, áo sơ mi trắng bỏ vào quần, mang giày da đen. Bà Khai Trí bận áo dài hằng ngày ngồi ở quầy tính tiền.
Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, không bận đi học hay không phải lo tráng phim rửa ảnh phụ cha, Đức Vượng thả bộ ra nhà Khai Trí, đứng đọc cọp sách, bao giờ chán thì thôi. Chung quanh anh, nhiều học sinh lớn nhỏ đứng cầm sách trên kệ đọc thoải mái, không ai la rầy. Anh cảm nhận trong nhà sách này một không khí khá thân thiện. Lúc đó, Vượng không dám nói chuyện với ông. Mãi cho đến thập niên 1990, gặp lại ông trong quán cà phê, mới dám hỏi thăm vài câu. Ông bảo sẽ đòi lại căn nhà cũ. Vài năm sau đó, nghe tin ông từ trần với mong muốn không thành.
Phía đường Pasteur, chỗ rạp Casino đi lên một khoảng có hai tiệm phở luôn so kè nhau, tiệm phở Đức Vượng và tiệm phở Minh. Vượng nói với bà chị tên Minh: “Hai chị em mình, mỗi người có một tiệm phở !”. Hồi đó mỗi khi ăn phở xong, mấy chị em kéo nhau qua góc Lê Lợi - Pasteur uống nước mía Viễn Đông. Buổi sáng chủ nhật thì qua đó mua bánh mì phá lấu của ông Tàu, để cảm nhận mùi ngũ vị hương thơm nhẹ cùng vị béo ngọt của thịt phá lấu trong miệng.
Rạp Eden trên đường Tự Do (Đồng Khởi). Nguồn: Sưu tầm của Lê Hoan Hưng
Khi xem lại đoạn phim phố xá New York, anh Vượng nhớ lại những ngày còn sống trên đường Lê Lợi. Tuy không quá hào nhoáng, Lê Lợi thật sự đông, rất đông giống như vậy với từng nhóm người lũ lượt đổ về mỗi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, đi dọc đường phố và băng ngang từng tốp để sang đường.
Hầu hết ăn mặc rất diện, phụ nữ bận áo dài rất phổ biến, nhiều người đàn ông bỏ áo vào quần, đeo kính mát, trẻ em bận đầm hay quần soọc có dây đeo. Một số phụ nữ bán hàng, nhất là các bà người gốc Bắc cũng bận áo dài. Đường Lê Lợi có nhiều cửa hàng chạy dọc từ rạp Rex đến chợ Bến Thành, chủ yếu là đồ bazar, mấy xe bán hộp quẹt, ống pipe, khăn mù xoa... nhưng các quầy bán hàng trên vỉa hè chỉ được phép bày ra từ đường Pasteur đến chợ vì ở khu vực rạp Rex có cơ quan viện trợ của Mỹ đóng ở đó.
Phía bên đường là dãy kiosque bán sách dựa lưng vào bức tường nhà công chánh, phía trước một dãy nhà vệ sinh công cộng. Phía trước kiosque, sát lề đường còn có những xe đẩy bán sách “chạy”, có nghĩa là không hợp pháp, cảnh sát đến là ôm chạy đi chỗ khác kẻo bị tịch thu.
Bên đó, phía đoạn đường Lê Lợi từ thương xá Tax đến rạp Vĩnh Lợi cũng có nhiều cửa hàng nhỏ, nhớ nhất là một quầy bán bánh mì gà rô-ti bên hông hẻm sát nhà hàng Thanh Bạch. Quầy hàng này trổ từ cửa hông nhà hàng, có một tủ quầy có kính, bên trong bày bánh mì, các dĩa gà vàng tươm mỡ, các thứ gia vị, rau thơm... bánh mì rất ngon, ăn nhớ mãi đến giờ.
Rảnh thì ra rạp Rex, Casino coi phim cao bồi bắn súng, phim phiêu lưu, chiến đấu, sử thi, nhớ nhất là mấy phim Ben-Hur, The Longest Day... Ở ngay trung tâm, đi đâu cũng chỉ cuốc bộ, vừa đi vừa ngắm người đẹp tứ xứ đổ về, mùi nước hoa trong nắng trưa thơm nồng...
Con đường không chỉ sôi động vì người mua kẻ bán, người đi dạo, còn từ những cuộc biểu tình. Từng đám người đi biểu tình, từ nhà Quốc hội (nhà hát thành phố), kéo xuống chợ Bến Thành. Vượng quan sát thấy đám biểu tình nào cũng đi được tới chợ Bến Thành thì ngưng, có khi bị giải tán bởi lựu đạn cay, nhiều người chạy vô chợ, không mấy khi đi tới ga xe lửa...
Anh Tấn Thành, từng sống cùng gia đình ở khu trung tâm này trong hơn ba mươi năm, viết cho tôi: “Nếu đường Tự Do (Catinat) được mệnh danh là một “Champs-Élyseé” của Sài Gòn ngày xưa, thì đường Lê Lợi (Bonard) là một bản sao thu nhỏ của một Sài Gòn năng động, thân thương và bình dị.
Ở đây tập trung mọi sự đối nghịch đôi khi chan chát như một xã hội đang trong cơn chuyển mình để hoàn thiện bản thân. Tòa nhà Quốc hội tượng trưng cho thượng tầng kiến trúc của hai nền Cộng Hòa ở đầu đường, thì cuối đường là ga xe lửa nơi cưu mang biết bao cảnh đời tha phương cầu thực của những số phận bị quăng quật vì chiến tranh.
Chợ Bến Thành, một biểu tượng sống động của Sài Gòn, nơi đáp ứng những yêu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân, là nơi con người hưởng thụ bầu không khí khoáng đạt như cánh chim biểu tượng tự do, phóng khoáng trong tay bức tượng Trần Nguyên Hãn trên Công Trường Diên Hồng thì đối diện với nó là những bàn đăng lính nhằm mục đích phục vụ chiến tranh, và bót cảnh sát nơi tự do con người bị giới hạn vì những lý do khác nhau. Đối lập với nhà sách Khai Trí thoáng đãng, sạch đẹp như tượng trưng cho tháp ngà tri thức của ông Nguyễn Hùng Trương là dãy chợ sách tạm bợ cạnh khu nhà vệ sinh công cộng tạm bợ, dù mục đích của hai nơi này chỉ là một và rất cao cả-góp phần nâng cao dân trí cho người dân.
Nước mía Viễn Đông, bò bía, phá lấu…là những món bình dân của mọi tầng lớp người thành thị thì bên này là Kem Bạch Đằng sang trọng. Rạp Mini Rex A, B là đỉnh cao của sự thưởng ngoạn của những người yêu màn bạc thì cách đó không xa là rạp Vĩnh Lợi phục vụ cho người bình dân cùng chung sở thích. Nếu có “sự thống nhất giữa các mặt đối lập” thì Lê Lợi (Bonard) là một hiện thực cụ thể minh chứng cho khát vọng vươn lên của một thành phố trẻ nhưng số phận sao có lúc quá long đong”.
Phải chăng nhờ là cư dân lâu đời ở đây nên anh bạn cựu học sinh Lasan Taberd này mới viết được những dòng khái quát rất hay về khu trung tâm Sài Gòn như vậy?
Những con đường Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ, Pasteur, Hàm Nghi… ắt hẳn còn nằm trong ký ức thời mới lớn, thời trẻ và thời còn hoạt động sôi nổi của bao thế hệ người, cho dù họ đã ở rất xa. Tôi không sinh ra và lớn lên giữa trung tâm thành phố, nhưng lớn lên bước vào đời làm báo, không biết bao lần tôi đi trên những con đường này, cùng ăn uống, dạo chơi, mua sắm với người thân, bạn bè.
Có một đêm Giao thừa, cùng cả nhà ngủ lại một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ sau khi xem bắn pháo hoa nửa đêm. Sáng mùng Một tôi dậy thật sớm, đi một mình trên vỉa hè Lê Lợi, vòng ra Hàm Nghi và thấy những câu chuyện cũ chợt về. Hơn tám mươi năm trước, ông ngoại tôi đạp xe mỗi ngày từ Khánh Hội, qua cầu Ông Lãnh để đến Sở làm ngay góc đường này. Đến năm 1944, cậu Linh, anh ruột mẹ tôi, 22 tuổi vừa xong Diplôme, được xem là “bô trai”, thích vẽ thích làm thơ, được đưa đến nhà thương Sài Gòn gần đó trị bệnh ban rồi mất chỉ vì bị sức ép một quả lựu đạn nổ sát phòng bệnh.
Nhờ dịp hiếm hoi trong buổi sáng sớm mát lạnh và yên tĩnh như vậy, ký ức và niềm thương cảm về thân phận một thành phố mà mỗi người dân ở đây gắn bó bằng những cách khác nhau, mới se sẽ trở về từng nhịp theo bước chân trên vỉa hè.
Phạm Công Luận
(trích từ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố”, tập 4)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/song-giua-tim-thanh-pho-37345.html