Song hành để phát triển
Luật pháp và doanh nghiệp luôn có mối quan hệ gắn bó, song hành, tương hỗ nhau trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, khi mà các văn bản pháp luật, chính sách chưa thực sự sát với thực tiễn thì lại là những rào cản gây khó khăn cho DN.
GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, việc giải quyết đúng mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Diễn đàn “Pháp luật Việt Nam và Doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu”, được tổ chức vừa qua nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi về những vấn đề đang đặt ra tại Việt Nam liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách pháp luật đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, bất cập thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đề xuất những giải pháp thiết thực cho việc tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng thực thi chính sách pháp luật cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn chính sách, phản biện và tham gia thẩm định các văn bản Quy phạm pháp luật, giám sát thi hành pháp luật và giải quyết tranh chấp pháp lý theo tinh thần Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ, GS.TS Lê Minh Tâm khẳng định.
Bổ sung vào câu chuyện này, luật sư Trần Minh Sơn cho biết, ngày 28/5/2008, lần đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định (số 66) về việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hơn 10 năm Nghị định được đưa vào thực tiễn cho thấy, hầu hết các địa phương, bộ ban ngành đồng tình và triển khai tốt chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ví dụ như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, một số địa phương do nguồn lực bị hạn chế nên chưa đạt hiệu quả cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, hiện có nhiều văn bản pháp lý liên quan chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Vì thế, rất cần sự hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, chi phí dịch vụ logistics quá cao đã làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc này cũng liên quan đến cơ chế chính sách.
Đại diện cho khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Anh Văn, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng nêu thực trạng, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các văn bản Quy phạm pháp luật còn chồng chéo, trong khi việc tiếp cận với hệ thống văn bản pháp luật của các doanh nghiệp còn hạn chế. Giữa các cơ quan chức năng lại cũng có các cách hiểu khác nhau về một vấn đề. Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục pháp lý hay xin ý kiến các bộ ngành.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn mang tính rập khuôn, chưa đi sâu vào thực tế…
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/song-hanh-de-phat-trien-92314.html