Sông Hinh: Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả

Mô hình trồng mít không hạt ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Ảnh: VĂN THÙY

Những năm qua, huyện Sông Hinh không ngừng phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp; nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ổn định cuộc sống của người dân. Hiện địa phương này tập trung chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Mở rộng diện tích lúa nước

Vừa hoàn tất công việc gieo sạ lúa hè thu cho đám ruộng lúa nước khoảng 1.000m2, A Lê Y Mít ở buôn Đức Mùi, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ dân ở khu vực này gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất hoặc có đất sản xuất nhưng canh tác không hiệu quả. Hàng năm, đến mùa giáp hạt, người dân ở đây thường bị thiếu đói, nhiều gia đình phải chạy ăn từng ngày. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm nên nhiều hộ dân ở đây được cấp đất để sản xuất, đặc biệt là đất ruộng trồng lúa nước; trong đó có gia đình tôi. Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lúa nước đúng kỹ thuật nên mấy năm gần đây, chúng tôi không còn lo thiếu gạo, thiếu đói nữa. Không những vậy, gia đình tôi còn có thu nhập khá từ rẫy mía, sắn và nuôi gia súc…

Theo ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, buôn Đức Mùi là buôn tái định cư của người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Sông Hinh. Toàn buôn có khoảng 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê. Trước đây, ở buôn này có nhiều gia đình thiếu đất sản xuất, nhiều hộ tận dụng các khe suối để trồng lúa rẫy và cây hoa màu khác nhưng hầu hết phụ thuộc vào nước trời nên sản xuất bấp bênh. Có ruộng lúa với nguồn nước ổn định là khát khao của người dân nơi đây. “Đáp ứng niềm mong mỏi đó, UBND huyện Sông Hinh đã đầu tư làm kênh mương, đường ống lấy nước từ hồ thủy lợi Buôn Đức về, đồng thời san ủi, đắp bờ chia ruộng cho dân. Nhờ vậy mà gần 55 hộ dân ở buôn này có đất để sản xuất lúa nước, giải quyết được tình trạng thiếu đói giáp hạt nên bà con rất phấn khởi”, ông Tấn nói.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Đến nay, nhiều địa phương ở huyện Sông Hinh đã đầu tư phát triển cây lúa nước mang lại hiệu quả cao. Tổng diện tích lúa nước trên địa bàn huyện khoảng 1.750ha, mỗi năm tăng hàng trăm hécta. Để phát triển cây lúa nước và các loại cây trồng khác, huyện đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi, trạm bơm khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như trạm bơm buôn Học (xã Ea Lâm), trạm bơm buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây), hệ thống kênh mương thủy lợi Suối Biểu (xã Sơn Giang), mở rộng kênh tưới cánh đồng buôn Đức Mùi (xã Ea Trol). Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả 22 công trình thủy lợi với khoảng 125km kênh mương, tưới cho hàng ngàn hécta đất nông nghiệp, huyện chuẩn bị đầu tư xây dựng trạm bơm hồ Trung Tâm để tưới cho một số diện tích đất nông nghiệp ở thị trấn Hai Riêng và các địa phương lân cận. Ngoài ra, các chuyên viên nông nghiệp của huyện còn xuống trực tiếp tại ruộng, cầm tay chỉ việc từ khâu đầu đến khâu cuối, giúp người dân canh tác đúng kỹ thuật, nhờ vậy năng suất lúa đạt cao, qua đó đã giúp hàng trăm hộ dân trước đây khó khăn ổn định cuộc sống.

Đầu tư cây trồng chất lượng cao

Nếu như cây lúa giúp người dân ổn định cuộc sống thì các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả đã và đang mang lại thu nhập khá cho người dân huyện Sông Hinh. Ông Võ Minh Tuấn ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng là người đầu tiên ở địa phương này thành công với cây cam sành, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở đó, ông Tuấn tiếp tục thành công khi đưa cây cam sành lên núi cao. Nhờ khí hậu phù hợp, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đúng cách và bón phân hữu cơ nên cam sành do gia đình ông Tuấn trồng ngon hơn, ngọt hơn. “Có được kết quả này là nhờ cán bộ tỉnh, huyện thường xuyên hướng dẫn, động viên và quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin, kiến thức mới, điều đó giúp tôi tự tin hơn trong phát triển sản xuất”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, hiện huyện Sông Hinh phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả đạt chất lượng, mang lại hiệu quả cao. Việc triển khai các mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đến nay diện tích cây ăn quả ở Sông Hinh đã tăng lên hơn 1.150ha. Không chỉ hộ ông Võ Minh Tuấn thành công với cây cam sành mà nhiều hộ khác cũng đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như các ông Hứa Văn Nhay, Tạ Quốc Linh, Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar), Nguyễn Văn Út (xã Ea Ly)…

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm huyện trích kinh phí khoảng 1 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình điểm các loại cây ăn quả như sầu riêng, xoài, ổi, bơ boot, bưởi da xanh, mít thái, mít không hạt, dừa xiêm… với tổng diện tích khoảng 60ha, triển khai tại 10 xã, thị trấn với gần 110 hộ tham gia. Mục tiêu của mô hình là giúp người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, hạn chế phụ thuộc vào thời tiết để từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Huyện Sông Hinh cũng đang tập trung chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đầu tư nguồn giống, đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên những cánh đồng lớn… để phát triển ổn định.

Định hướng của huyện Sông Hinh là tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông nội đồng, mở rộng diện tích có tưới, xây dựng một số vùng chuyên canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm một số cây ăn quả mà huyện có thế mạnh như cam, bưởi, sầu riêng, ổi...

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

VĂN THÙY - NGỌC NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/241373/song-hinh--nhan-rong-cac-mo-hinh-nong-nghiep-hieu-qua.html