Sông Hinh phát triển cây ăn trái chất lượng cao

Ông Cao Trọng Thuần ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) chăm sóc vườn mãng cầu của gia đình. Ảnh: NGỌC LY

Thời gian gần đây, các loại trái cây được trồng ở vùng đất núi, gò đồi của huyện Sông Hinh bắt đầu chiếm ưu thế trên thị trường trái cây trong tỉnh. Những loại trái cây đặc sản thơm ngon như bơ booth, sầu riêng hạt lép, mãng cầu hoàng hậu, mít thái, quýt đường… được nhiều người sành ăn trong và ngoài tỉnh biết đến.

Đây là điều kiện để huyện miền núi Sông Hinh phát triển một số mô hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên thương hiệu riêng cho vùng chuyên canh đặc sản cây ăn trái.

Cho thu nhập cao

Trước Tết Nguyên đán, nhu cầu trái cây tăng cao, trong đó mãng cầu là một trong năm loại ngũ quả được nhiều người loại chọn để chưng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Chính vì nhu cầu tăng cao nên vườn mãng cầu khoảng 500 gốc từ 2-3 năm tuổi của ông Cao Trọng Thuần ở xã Đức Bình Đông, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng mua lẻ. Ông Cao Trọng Thuần cho biết: Gia đình tôi trồng giống mãng cầu hoàng hậu. Mặc dù mới phát triển thời gian gần đây nhưng nhiều khách hàng rất ưa chuộng loại mãng cầu này vì trái lớn, đẹp, vị thơm ngon và để được lâu hơn mãng cầu thường. Đợt Tết vừa qua, gia đình tôi có thu nhập khá nhờ vào vườn mãng cầu này. Hiện gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, bón phân để vườn cây tiếp tục cho thêm những lứa trái ngọt, ngon trong thời gian tới.

Còn tại vườn bưởi da xanh của ông Võ Minh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng, nhờ thời tiết năm nay thuận lợi nên gần 1.000 gốc bưởi từ 7-10 năm tuổi của gia đình ông đơm hoa, kết trái sai. Ông Võ Minh Tuấn cho biết: Nhờ bưởi cho thu hoạch đúng vào dịp Tết nên gia đình tôi thu nhập khá. Năm nay bưởi có giá cao, từ 40.000-45.000 đồng/kg tại vườn nên gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng.

Việc quy hoạch vùng, chọn lọc và đưa những giống cây ăn trái đặc sản chất lượng cao về trồng ở vùng đất núi, gò đồi của huyện Sông Hinh trong những năm gần đây đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, dần dần vực dậy nền kinh tế nông hộ. Đây là một trong những giải pháp nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong phát triển nông nghiệp của địa phương, giảm bớt diện tích các loại cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu, mía, sắn… mà nhiều năm nay nông dân canh tác bấp bênh, thậm chí còn bị thua lỗ.

Cứu cánh cho nông dân

Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, cho hay: Thời gian qua, việc phát triển cây ăn trái chất lượng cao trên địa bàn huyện là một trong những giải pháp cứu cánh cho nông dân địa phương. Bởi một số cây trồng truyền thống trước đây như cà phê, hồ tiêu, mía, sắn… không chỉ bấp bênh về giá cả mà còn thường xuyên bị dịch bệnh khiến nhiều nông dân không trả nổi tiền vay của ngân hàng để đầu tư sản xuất. Với chiến lược phát triển vùng trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, sinh học như hiện nay, nông dân huyện Sông Hinh chắc chắn sẽ thu hoạch được nhiều “trái ngọt” hơn trong những mùa vụ mới.

Theo UBND huyện Sông Hinh, hiện diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày trên địa bàn huyện tiếp tục được mở rộng như cây cao su trên 4.000ha, cây ca cao và mắc ca trên 150ha, nhóm cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, cam, quýt, bưởi, mít thái, bơ giống mới, dừa, nhãn… trên 500ha. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu để phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở huyện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao, tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi vẫn còn xảy ra.

Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, Sông Hinh đang triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Chủ trương của huyện Sông Hinh là tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công tác chọn giống, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi...

Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

NGỌC LY - NGỌC NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234570/song-hinh-phat-trien-cay-an-trai-chat-luong-cao.html