Sông, hồ bị ô nhiễm: Cần giải pháp xử lý tận gốc
TP Hà Nội hiện có hơn 2.000 hồ nước và 13 con sông chảy qua nội thành. Đây là những chiếc máy điều hòa thiên nhiên vô cùng quý giá. Thế nhưng đáng tiếc những năm qua nhiều sông, hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Để hồi sinh những 'lá phổi xanh' của thành phố, nhiều giải pháp đã được đưa ra, ý thức người dân cũng dần được nâng lên…
Nhiều hồ nước đã được hồi sinh
Người dân phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) Hà Nội, lâu nay quen với hình ảnh một ông lão vóc dáng nhỏ thó nhưng vô cùng nhanh nhẹn, hàng ngày vẫn ra vớt rác ở hồ Hữu Tiệp. Ông tên Đỗ Sáng Luyện, năm nay vừa tròn 85 tuổi. Chỉ với chiếc vợt buộc lưới cùng chiếc bao tải, ông vớt sạch bất cứ thứ rác gì trôi nổi trên hồ, từ túi nilon, lá cây, chai lọ. Buổi trưa, khi cái chợ cóc ở gần nhà tan thì ông lại đi gom rác chuyển vào thùng cho lao công.
Ông bảo, mình làm không phải vì tiền bởi con cái cũng khá giả. Ông cũng bỏ mặc khen chê của người đời. “Đơn giản mỗi lần nhìn hồ nước trong xanh, đường đi lối lại sạch sẽ, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, thế là sướng rồi”- ông Luyện cười hiền và nói, được cái người dân xung quanh thấy tôi làm vậy nên cũng tự nhắc nhở nhau nâng cao ý thức giữ gìn môi trường hơn.
Sông hồ trong thành phố vẫn được ví như những chiếc máy điều hòa tự nhiên, giúp giảm ô nhiễm không khí, cân bằng hệ sinh thái. Nhìn những dòng sông, lòng hồ đen kịt, bốc mùi ô nhiễm, những người như ông Luyện sốt ruột vô cùng. Ông bảo, mình làm vì trách nhiệm của một công dân, mong muốn góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đáng sống hơn.
Đó là mong muốn của không chỉ riêng ông. Thực tế thời gian qua, công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hồ đã và đang được Hà Nội triển khai rất tích cực. Nhiều hồ nước đã thực sự được hồi sinh, trở thành nơi vui chơi, thư giãn của người dân. Như tại hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cứ sáng sớm hay chiều muộn, rất nhiều người dân ra đây tập thể dục. Bà Bích Loan, 75 tuổi, sống ở đây gần 20 năm nên hiểu rõ về lịch sử của hồ Ngọc Khánh. Bà bảo, trước đây, người ta vẫn gọi là “hồ chết” bởi dầy đặc bèo, rác, bùn và mùi hôi thối. “Từ khi thành phố kè hồ, nạo vét, cải tạo môi trường, thả bè thủy sinh, hồ đã trong xanh trở lại, người dân ở đây cũng ý thức bảo vệ hồ hơn”.
Trước đây, nhiều người cũng không dám đến hồ Nghĩa Tân tập thể dục vì mùi ô nhiễm bốc lên rất khó chịu. Thế nhưng sau khi hồ được cải tạo nó đã hồi sinh và trở thành không gian để người dân thư giãn.
Nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế
Thực tế đã có hàng trăm hồ nước tại nội đô đã được hồi sinh. Thế nhưng, theo đánh giá của một số chuyên gia về môi trường thì dường như ngành chức năng vẫn chỉ có những giải pháp về tình thế, như nạo vét, sử dụng chế phẩm sinh học, thả bè thủy sinh…mà thiếu giải pháp bền vững, xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm. Bởi ngoài ý thức kém của một số người dân khi xả rác xuống hồ thì nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả thẳng ra môi trường chính là nguyên nhân chính khiến các dòng sông trở nên đen đặc, ô nhiễm.
“Các hồ ở Hà Nội đã được cải thiện, nhưng không phải 100%. Bởi trong quá trình triển khai công tác quản lý, kiểm soát môi trường cho hệ thống sông, hồ của Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự nghiên cứu đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực cho cải thiện ô nhiễm các lưu vực sông còn nhiều hạn chế. Theo tôi, cần phải có một bộ phận cơ quan nghiên cứu đánh giá và đưa ra những giải pháp bền vững, có như vậy mới trả lại màu xanh thực sự cho sông, hồ”- TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông, hồ, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất nước nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Chứ nếu vẫn là các giải pháp tình thế như đã nêu ở trên thì rất khó.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, y tế… trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.
Ngoài việc cải thiện các hồ nước, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần cải thiện ô nhiễm nguồn nước Sông Nhuệ, Sông Đáy theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nhà máy xử lý nước thải hiện có trên địa bàn Thành phố, các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhuệ cũng được vận hành thường xuyên. Cùng với đó, đầu tư, vận hành hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/song-ho-bi-o-nhiem-can-giai-phap-xu-ly-tan-goc-555139.html