Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm TP Hà Nội
Sáng 9/8Kiến trúc thành phố đã thông tin về điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Phạm Chi Linh về việc khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000.
Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực. Trước đây, Hà Nội phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng nhưng theo điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.
“Sông Hồng mặc dù đã có quy hoạch, nhưng vẫn cần các địa phương triển khai rà soát theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT là khoanh vùng hành lang thoát lũ; đồng thời, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm...”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay.
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đề nghị, thành phố cần có giải pháp tập trung xử lý các dự án "treo", vì còn để kéo dài còn gây nhiều hệ lụy, nhất là gây bức xúc trong nhân dân.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, qua rà soát, thống kê trên địa bàn từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố có 712 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai, nói cách khác là các dự án “treo”. Thành ủy đã có kết luận, nghị quyết chỉ đạo, HĐND thành phố có nghị quyết giao nhiệm vụ cho UBND thành phố xử lý quyết liệt đối với các dự án này. Theo lộ trình, dự kiến tháng 11 tới đây, thành phố sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ số dự án này. Với các chủ đầu tư không tuân thủ, thành phố sẽ kiên quyết xử lý, cần thiết sẽ rút giấy phép.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp những vấn đề trọng tâm mà đại biểu quan tâm như Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; về phân cấp ủy quyền; Đề án cải tạo chung cư cũ; về quản lý vỉa hè lòng đường; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xử lý dự án treo; xây dựng Dự án Luật Thủ đô sửa đổi...