Sống lại Hải Vân Quan

Tròn một tháng sau cuộc làm việc và cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo ngành văn hóa 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế ngay tại đỉnh đèo Hải Vân, ngày 24/5 lễ công bố quyết định và đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia Hải Vân Quan đã được tổ chức trang trọng. Rồi đây, Hải Vân Quan sẽ được sống lại đúng với những giá trị thực của một Đệ Nhất Hùng Quan.

Hình ảnh Hải Vân Quan từ mấy chục năm trước Ảnh: Lại Thăng Long chụp lại.

Hình ảnh Hải Vân Quan từ mấy chục năm trước Ảnh: Lại Thăng Long chụp lại.

Báu vật thời gian

Một ngày trước buổi lễ, tôi lên đỉnh Hải Vân Quan, khi công tác chuẩn bị cho buổi lễ trang trọng sau bao năm chờ đợi đang gấp rút hoàn tất. Một rạp lớn đã được dựng lên ngay lối chính, khách muốn lên Hải Vân Quan phải đi lối mòn bên cạnh với đất đá lởm chởm. Hải Vân Quan đã sạch đẹp hơn trước, không còn cỏ dại mọc um tùm, rác rải khắp nơi. Những tấm biển nhỏ “xin đừng vứt rác” được cắm lên cạnh những thùng rác với nhiều họa tiết .

Ngay bên cổng Hải Vân Quan một thùng rác cũng đã chất đầy rác. Một tốp dân phòng của Đà Nẵng và Huế đang dọn dẹp cây bụi hai bên đường. Việc dọn dẹp tưởng chừng như đơn giản ấy, phải mấy mươi năm mới được làm. Mặc cho khói từ những đống đốt cỏ rác vừa được dọn bay mù, du khách vẫn kéo lên Hải Vân Quan ngày một đông. Một cặp đôi lên đây chụp ảnh cưới. Họ thản nhiên đứng lên lô cốt tạo dáng, nhờ khói mà thêm phần lý tưởng cho những tay máy. Không hiểu, họ nghĩ gì khi đứng lên đó để chụp hình? Từ lâu, việc này đã không có ai nhắc nhở, mà chỉ tùy vào ý thức của du khách.

Vô tư leo chụp ảnh cưới ngay trên lô cốt cạnh Hải Vân Quan.

Vô tư leo chụp ảnh cưới ngay trên lô cốt cạnh Hải Vân Quan.

Chàng trai Lại Thăng Long (29 tuổi) sống gần khu đèo Hải Vân lắc đầu rằng: Bảo tồn là một việc cần làm để cứu di tích đã xuống cấp, hoang phế. Nhưng thay đổi được ý thức du khách về bảo vệ di tích mới quan trọng nhất. Lô cốt cũng có giá trị lịch sử của nó. Khách vào quán, mình cũng đã nhắc nhở họ, nhưng không ăn thua.

Long chính là con trai của Lại Phiền Hà “nổi tiếng” ở đỉnh Hải Vân, người mấy chục năm qua âm thầm cõng đá xây vọng gác phục vụ miễn phí cho du khách. Hai tuổi, Long theo cha mẹ lên Hải Vân, tuổi thơ Long là những ngày sống lay lắt nơi đỉnh đèo. Năm 7 tuổi, Long về lại Đà Nẵng ăn học. Hè, rảnh rỗi lại lên đây giữ bò, phụ mẹ bán quán. Thi đậu vào Đại học Đà Lạt, nhưng rồi Long bỏ ngang vì thấy nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Tương lai mù mịt như sương mù Hải Vân. Xếp bút nghiên, khi đã học năm thứ 2 đại học, Long về đây cùng mẹ, cha bán hàng quán.

“Ở đây sương mù nhưng tương lai còn tươi sáng” Long nói. Theo lời kể của Long thì lúc bé đi đào sắt, lượm ve chai Long vẫn thấy nhiều hiện vật cổ, đồ của lính, có cả thần công. Nhưng sau đó thì biến mất hết. Mở máy, Long cho tôi xem mấy tấm hình anh chụp lại của một du khách Pháp là cựu binh mà anh chẳng kịp nhớ tên chụp lại Hải Vân Quan từ hồi xa xưa. Nhìn vào đó với hiện trạng, đã thấy Hải Vân Quan xuống cấp nhiều. “Mấy người du khách đó, qua đây, họ cho xem ảnh rồi chỉ nói một câu “tiếc quá” . Xem xong mình thấy đúng!” Long cho biết.

Ông Hà đang sửa soạn lại vọng gác. Ông bảo, ngày lễ sẽ đông người, nên phải sửa soạn tý. Từ vọng gác, phóng mắt tha hồ ngắm cảnh trời mây của Huế và Đà Nẵng. Lo sợ khách ái ngại, ông còn làm hẳn biển ghi rõ: “View 1&2 free of charge – Không gian 1 và 2 đều miễn phí”. Không gian 1 nơi khách ngắm toàn cảnh Đà Nẵng từ trên cao, với biển trời bao la, Sơn Trà độc đáo và một Đà Nẵng tráng lệ. Không gian 2 ở đó, nhìn trọn cụm di tích Hai Vân Quan trầm mạc hoang phế và xa hơn là Lăng Cô (TT – Huế) đẹp tựa như một dải lụa. Miễn phí – hai chữ thân thương, gần gũi và tạo ấn tượng đẹp cho du khách nhất là du khách nước ngoài đến đây. Bởi chỉ đi ra mấy bước chân, phía ngoài những ki ốt hàng quán kia thôi, là cảnh bon chen chèo kéo khách khó coi đến mức cơ quan chức năng phải cắm biển “cấm bán hàng rong đeo bám chèo khách” ngay lối chính lên Hải Vân Quan.

Lối tam cấp dẫn lên vọng gác của ông Hà có phiến đá với dòng chữ tượng hình mà ông không rõ chữ gì, viết gì. Ông Hà kể: Mấy chục năm trước, ông lượm được mảnh đá này bên Hải Vân Quan. Hôm lượm được thấy hơi lạ, ông đã báo cho đồn Biên phòng 244, trước khi ông đem về lát. Mấy hôm trước, có người của Sở VH – TT bên Huế qua chụp hình phiến đá, rồi về.

Ông bảo: “Nếu cơ quan chức năng cần, ông sẽ đập ra hiến tặng. Bởi biết đâu, đó là hiện vật quý của Hải Vân Quan”. Và nếu nó thật sự quý, thì người có công gìn giữ chính là ông lão này. “Hải Vân quan là báu vật thời gian. Đừng để Hải Vân ngủ quên trong sương mù, hãy thức tỉnh, để Hải Vân Quan tỏa sáng” ông Hà vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía vực sâu. Ở dưới đó, ông bảo dấu vết con đường mòn từ xa xưa lên đỉnh đèo vẫn còn đó.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và TT - Huế cùng nhận bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia Hải Vân Quan.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và TT - Huế cùng nhận bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia Hải Vân Quan.

Sẽ không còn hoang phế

Giữa trưa, bên trong Hải Vân Quan gió lộng mát rượi, cụ bà Phạm Thị Xuân từ Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn ngồi với chiếc rổ nhựa đầy kẹo. Chiếc rổ được đặt lên mấy viên gạch mà có lẽ đó là gạch của Hải Vân Quan. Năm nay đã tròn 60 tuổi, nhưng hơn nửa đời người bà Xuân gắn bó nơi đây, Hải Vân Quan trở thành mái nhà thứ hai của bà. Bà kể, vì không chồng con nên mấy chục năm qua sáng sớm nào bà cũng bắt xe lên Hải Vân Quan chiều về lại. Cuộc đời bà bấu bíu vào Hải Vân Quan và chứng kiến biết bao thăng trầm, biến đổi của di tích. Hỏi chuyện bà bảo: Giờ khác xưa nhiều lắm, Hải Vân Quan hư hại nhiều quá mà một phần vẫn chủ yếu là do đối xử của con người.

“Cái lô cốt kia một ngày không biết mấy chục lượt người leo lên đó. Có khi cả đoàn người leo lên. Sắt đá còn mòn nói gì lô cốt. Không ngăn thì nó cũng sập” bà vừa nói vừa đưa mắt nhìn về đôi nam nữ đang mải mê chụp hình, xung quanh một tốp thanh niên đang háo hức tìm cách chèo lên đó “tự sướng”. Bà cũng bảo, mấy hôm rồi thấy anh em công nhân, đoàn thanh niên lên dọn dẹp, thấy xung quanh đây khác hẳn. “Có việc dọn thôi mà cũng lâu con nhỉ” bà Xuân nói.

Từ chỗ bà Xuân ngồi nhìn ra, cũng là nơi cách đây tròn một tháng, “cái bắt tay lịch sử” trong sương mù giữa 2 ông giám đốc Sở VH – TT Đà Nẵng và TT- Huế (ông Huỳnh Văn Hùng và ông Phan Tiến Dũng) đã diễn ra sau buổi làm việc rất đặc biệt, trong niềm hân hoan của những người làm công tác văn hóa. Sau cái bắt tay đó đúng 1 tháng, chiều hôm qua, lễ công bố và đón nhận bằng di tích cấp Quốc gia đã được 2 bên tổ chức. Tấm bằng chứng nhận được Thứ trưởng Bộ VH - TTDL Đặng Thị Bích Liên trao cho lãnh đạo Đà Nẵng và TT - Huế. Phía dưới, có người thắc mắc: “Trao xong thì ai giữ, Huế hay Đà Nẵng đây?”. Ai đó đáp lời: “Cứ suy nghĩ, tư duy đó chốn này bao giờ mới dứt ra vòng luẩn quẩn mấy chục năm qua” .

Cũng hôm qua, lãnh đạo 2 địa phương đã ký vào bản cam kết phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với 6 điều ghi nhớ. Những cột mốc khoanh vùng cũng đã được cắm lên. Lãnh đạo 2 địa phương thể hiện quyết tâm vì một Hải Vân Quan xứng tầm với giá trị lịch sử của di tích. Phía Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng cho hay: Sẽ chỉ đạo sở ban ngành địa phương chấp hành nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa, phối hợp với địa phương TT – Huế xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, xây dựng Đề án phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

“Hải Vân Quan không chỉ được cứu khỏi sự hoang phế mà sẽ còn là một địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn đối với người dân, du khách trong và ngoài nước” ông Dũng tin tưởng. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND TT-Huế cũng thể hiện quyết tâm trên, thực hiện đúng cam kết ghi nhớ 2 bên đã ký. Tất cả cùng vì Hải Vân Quan đang hoang phế từng ngày.

Buổi lễ kết thúc, thêm những cái bắt tay chắc nịch của lãnh đạo 2 địa phương ngay đỉnh đèo, chúng ta có quyền hy vọng ngày Hải Vân hồi sinh sẽ không còn xa.

Có người thắc mắc: “Trao xong thì ai giữ, Huế hay Đà Nẵng đây?”. Ai đó đáp lời: “Cứ suy nghĩ, tư duy đó chốn này bao giờ mới dứt ra vòng luẩn quẩn mấy chục năm qua”.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/song-lai-hai-van-quan-post954044.tpo