Sông Lẫm cần lắm một con đường…

Sông Lẫm - cái tên được nhiều người ở huyện Bắc Hà biết đến bởi đây là vùng khó khăn nhất không chỉ của xã Tả Củ Tỷ mà còn của cả huyện Bắc Hà. Từ nhiều năm nay, người dân thôn Sông Lẫm luôn mơ ước có được một con đường để đi lại thuận tiện.

Biết chúng tôi muốn vào thôn Sông Lẫm, anh Vàng Văn Rương, Trưởng Công an xã Tả Củ Tỷ cười bảo: Nhà báo không tự đi được xe máy lên đó đâu, để tôi lấy xe đưa lên thôn vì đường khó đi lắm, phải dùng xe có lốp đặc chủng - “lốp chân chó” mới leo nổi qua những con dốc trơn trượt!

Đường đến Sông Lẫm chỉ là đường mòn ven núi lởm chởm đá, trơn trượt.

Đường đến Sông Lẫm chỉ là đường mòn ven núi lởm chởm đá, trơn trượt.

Ngồi sau xe anh Rương mà tôi luôn trong tư thế sẵn sàng nhảy xuống nếu xe quay ngang. Đường lên Sông Lẫm liên tiếp lên dốc, dài 5 km nhưng có tới 3 km đường đất trơn trượt, thi thoảng mặt đường còn xuất hiện những tảng đá hộc lởm chởm nên người lái xe máy phải đi rất chậm nếu không muốn bị trượt ngã. Còn 2 km cuối của đường dẫn vào thôn là đường mòn men theo sườn núi, chỉ 1 xe máy đi được, nếu lỡ gặp xe đi ngược chiều thì chỉ có cách kéo xe vào lề, nhường nhau qua…

Đến đầu thôn Sông Lẫm, do có hẹn trước nên Trưởng thôn Lù Seo Thành cùng 1 người dân đã đứng đợi để hỗ trợ chúng tôi đưa xe qua cây cầu bằng ván gỗ bắc tạm vào thôn. Anh Thành phân trần: Do đường đi lại khó khăn nên thôn rất ít khi có người ngoài vào. Cán bộ xã nếu có việc gì quan trọng thì phải gọi điện báo trước để chúng tôi hỗ trợ đưa xe vào. Từ nhiều năm nay, người dân Sông Lẫm luôn mơ ước có một con đường đi lại thuận tiện, phục vụ 61 hộ với 305 khẩu. Thôn đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện và cả những lần tiếp xúc cử tri…

Khoảng 20 năm trước có đoàn công tác của huyện lên khảo sát đường, người dân vui lắm, nhưng sau đó không thấy động tĩnh gì. 4 năm sau lại có đoàn khác lên khảo sát nhưng người dân cũng chỉ thêm một lần mừng hụt. Gần nhất là cách đây 1 tháng lại có đoàn công tác của huyện lên khảo sát, đo đạc và cắm mốc nhưng không biết Sông Lẫm liệu có đường mới không. Tính ra từ năm 2000 đến nay, đã có cả chục đoàn đến khảo sát mà đường vẫn vậy. Con đường vẫn lởm chởm đá núi, trơn trượt, đặc biệt là đoạn qua suối ở đầu thôn, tiềm ẩn nguy hiểm vào mỗi mùa mưa lũ.

Đang nói chuyện với chúng tôi, anh Lù Seo Phá, một người dân trong thôn chỉ tay về phía dưới dốc nói to: Học sinh lại về thăm nhà rồi! Hôm nay là thứ 6, sau giờ học buổi sáng là chúng rủ nhau cùng về thôn. Nhà báo xem, do đường khó mà học sinh từ lớp 3 trở lên ra trung tâm xã học phải ở bán trú, hôm nay được nghỉ sớm nên mới về nhà. Các phụ huynh dù đã được nhà trường thông báo nhưng cũng không thể đi đón được mà chỉ có thể đứng đợi con về. Đường này đi xe máy có khi còn chậm hơn đi bộ tắt qua đồi, qua ruộng về nhà.

Ông Lù Xuân Quang, một người cao tuổi ở thôn Sông Lẫm nhìn về phía những ngôi nhà mới xây dựng trong thôn, thở dài, nói: Nếu thôn có đường từ cách đây 10 năm, tôi tin chắc bây giờ sẽ còn rất ít hộ nghèo vì người dân ở đây rất năng động, biết làm kinh tế. Không có đường, không có điện nên cái khó “bó” cái khôn. Từ khi xây dựng nông thôn mới, thấy nhiều nơi làm được đường bê tông, thôn cũng kiến nghị lên xã xin làm và đồng lòng đóng góp công sức, hiến đất nhưng cũng chỉ được trả lời là phải đợi vì chưa có kinh phí.

Mang những khúc mắc về con đường tới UBND xã Tả Củ Tỷ trao đổi với lãnh đạo xã, ông Phàn Văn Dồn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã nhận quá nhiều ý kiến của người dân Sông Lẫm và liên tục có kiến nghị lên huyện nhưng chỉ được trả lời rằng đã có trong kế hoạch đầu tư song chưa có vốn. Trong 4 năm gần đây, người dân có kiến nghị xin làm cây cầu nhỏ bắc qua con suối ở đầu thôn nhưng cũng chưa thấy huyện có chỉ đạo gì. Người dân rất mong cấp trên quan tâm, sớm đầu tư làm đường giao thông để có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/song-lam-can-lam-mot-con-duong-z36n20191201100843779.htm