Sống loay hoay bên kênh rạch: Kênh Đôi chia hai nỗi niềm
L.T.S: 'Đi cũng dở, ở không xong' là tình cảnh của hàng ngàn hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch ở TP HCM. Để tường tận cuộc sống hiện tại cũng như những ước muốn tương lai của họ, phóng viên Báo Người Lao Động đã có nhiều ngày tìm hiểu.
Sự chuyển mình về cảnh quan hai bờ kênh Đôi thời gian tới nhanh chóng hay trầm lắng phụ thuộc phần nhiều vào sự đồng lòng của người dân cũng như những quyết sách từ chính quyền
Đứng trên cầu Chữ Y, quận 8, TP HCM dưới nền trời xanh thẳm, nhìn dòng nước đen ngòm, ken đặc rác thải lượn quanh những ngôi nhà lụp xụp, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác băn khoăn.
Chạy nước, tránh chuột
Qua cầu, men theo đường Phạm Thế Hiển, chúng tôi gặp những con hẻm rộng 1 - 3 m như các mạch máu dọc kênh Đôi. Ở đó có những căn nhà lụp xụp, một nửa nằm trên đất, phần còn lại nhoài ra mặt nước.
"Nhiều căn nhà cặp mé kênh đều như vậy. Ai cũng xây vươn ra một ít để có thêm chỗ sinh hoạt" - ông Nguyễn Kiến Long - ngụ hẻm 660 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 - giải thích.
Vợ chồng ông Long sống trong căn nhà chừng 35 m2. Nơi ở ấy không làm bằng gạch, bê-tông mà được dựng từ vài miếng ván với cột gỗ. Buổi sáng, vợ chồng ông dắt díu nhau qua quận 3 bán cơm. Tối đến, họ dọn dẹp hàng quán về lại quận 8 làm cá, nhặt rau…, lặp lại hành trình mưu sinh từ bao lâu nay.
"Dự kiến đến hết năm 2025, TP HCM hoàn tất việc bồi thường, di dời hàng ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch. Từ đó, nâng tổng số trường hợp bồi thường, di dời giai đoạn 2021 - 2025 lên 3.231/6.500 căn, đạt tỉ lệ gần 50%.
Chúng tôi hỏi ông Long về cuộc sống gia đình. Như tìm được người chia sẻ, người đàn ông 53 tuổi giãi bày hết nỗi muộn phiền.
Ông kể ở đây đất chủ yếu là "viết giấy tay", chưa được cấp sổ đỏ. Người dân muốn sửa chữa hay xây dựng gì cũng không dễ vì xin phép rất khó.
Lúc triều cường, khi nước kênh Đôi mang theo rác cùng mùi hôi dâng cao, người dân luôn sẵn sàng phương án "chạy". Nhà nào có điều kiện xây nền cao thì đỡ, còn như ông Long, cứ nghe tiếng sóng ì oạp thì vội vã xếp bàn ghế, dời vật dụng điện tử lên cao.
Khi đó, ông Long sợ nhất là mỗi lần sà lan, tàu thuyền lớn đi ngang qua, nước kênh Đôi tĩnh lặng bỗng hóa hung hăng, xô liên tiếp vào nhà. Chưa kể, do sống trên mặt nước nên chuột, rắn… là những hình ảnh quen gặp. "Chúng không sợ người, rất dạn dĩ, thậm chí dữ tợn" - ông nhún vai.
Lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhăn nheo trước tuổi, ông Long cho hay nhiều năm trước, ông nghe phong thanh chuyện di dời để cải tạo kênh Đôi. Gần đây, chuyện quy hoạch lại rộ lên. Nếu phải chuyển đi, ông mong nơi ở mới an ủi phần nào cuộc đời mình lúc xế chiều.
Nhiều trăn trở
Dọn về hẻm 654 Phạm Thế Hiển sống đã mấy chục năm, bà Thanh Hương kể đa phần người dân dọc kênh Đôi là lao động nghèo; nhà cửa ọp ẹp, chật chội. Mỗi năm, dân số sinh sôi khiến những căn nhà nơi đây vốn chật chội càng thêm bức bí.
Cũng giống ông Long, chốn sinh sống chừng 30 m2 của vợ chồng bà Hương cùng 2 con gái không có sổ đỏ. Với bà, sống dọc kênh Đôi ô nhiễm hàng chục năm đã quen. Nghĩ đến quy hoạch chỉnh trang dòng kênh, bà nói điều này tốt cho đô thị nhưng băn khoăn không biết những ngày tháng tới của gia đình thế nào.
Ở bên kia bờ kênh, căn nhà của bà Ngô Thị Thu (đường Nguyễn Duy, phường 12, quận 8) thấp hơn mặt đường khoảng 1,5 m. Gắn bó với nơi đây nhiều năm, bà Thu ví dòng kênh như người bạn cuộc đời mình.
Bà Thu nhớ lại ngày bà còn nhỏ, nước kênh Đôi rất sạch, trẻ con có thể tắm và vui đùa. Nhưng rồi mạnh ai nấy xả rác, những căn nhà dần bị bao vây bởi ô nhiễm.
"Cải tạo kênh Đôi là việc cần làm. Ai cũng chờ đợi chi tiết việc di dời, tái định cư như thế nào. Ở tuổi của tôi, đang sống yên ổn, giờ di dời lại là một chuyện hệ trọng. Tôi hy vọng chính quyền có cách tiếp cận, giải quyết thỏa đáng" - bà Thu mong mỏi.
Hơn 6.600 nhà dân bị ảnh hưởng
Mới đây, ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, đã thông tin về việc di dời nhà dọc bờ kênh Đôi.
Theo đó, 6.626 nhà dân sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, bờ Bắc kênh Đôi là 1.571 trường hợp, bờ Nam 5.055 trường hợp. Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 13 vừa qua. Riêng dự án bờ Nam chưa thông qua chủ trương đầu tư.
UBND quận 8 đang xây dựng kế hoạch chi tiết về thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án bờ Bắc kênh Đôi. Đến ngày 30-4-2025, quận sẽ thực hiện xong khâu bồi thường và thu hồi mặt bằng.
5 năm tiếp theo, quận 8 sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, trình HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư và trình UBND TP HCM phê duyệt dự án để tiếp tục thực hiện việc bồi thường, di dời 5.055 trường hợp của bờ Nam kênh Đôi.
Theo ông Nam, UBND quận 8 đang phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM sớm điều chỉnh các đồ án quy hoạch khu vực kênh Đôi cho phù hợp.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với nhà trên và ven kênh rạch, địa phương thừa nhận hiện nay có một số trở ngại. Trong đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm sông ngòi, kênh rạch nên tính pháp lý yếu.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết quận 8 đang xây dựng chính sách đặc thù trình TP HCM về các trường hợp này nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân bị giải tỏa, di dời. Việc này cũng sẽ chấm dứt sự trì trệ kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại về kinh tế.
(Còn tiếp)
Không ít khó khăn
Sở Xây dựng cho hay theo quyết định năm 2021 của UBND TP HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, tập trung thực hiện 2 nhóm ưu tiên thuộc 17 dự án. Có 3/17 dự án thực hiện mục tiêu kép - vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.
Theo Sở Xây dựng, các dự án trên không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên của TP HCM khi so với các dự án hạ tầng, công ích khác và cũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, chỉ 7 dự án được tiếp tục bố trí vốn.
Bên cạnh đó, các dự án cũng gặp khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Điều này cho thấy khả năng cân đối ngân sách của thành phố và việc bổ sung nguồn vốn cho các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch từ nay đến năm 2025 gặp không ít khó khăn…