Sống mòn trong những chung cư chờ sập ở TP.HCM
Dù trần nhà bong tróc, nứt toác, xung quanh nồng nặc mùi rác, người dân vẫn bám trụ ở các căn chung cư nguy hiểm trong khi chờ một phương án bồi thường hợp lý, hợp tình.
“Đi sát vào phía trong, nhớ nhìn trên trần nhà, cẩn thận kẻo mấy lần gạch đá rơi xuống rồi đó”, bà Đỗ Thị Xuân Thanh (78 tuổi), ngồi trong nhà nói vọng qua song cửa, căn dặn khi thấy có người đứng quan sát phía ngoài.
Sợ hãi là cảm giác khi đặt từng bước chân lên cầu thang chung cư Vĩnh Hội (phường 6, quận 4, TP.HCM). Tổng thể chung cư cũ kỹ, nhếch nhác.
Các dãy cột bê tông nứt toác, bong tróc, lộ phần sắt thép hoen gỉ. Thành lan can đứt gãy từng đoạn, nhiều trụ chống đỡ chỉ còn lại phân nửa, rác chất từng đống dọc ngang lối đi…
Kế hoạch di dời từ lâu
Con đường dẫn vào chung cư Vĩnh Hội chật hẹp, đông đúc với các quầy buôn bán, họp chợ chen kín. Chung cư hình chữ U, xây dựng từ trước năm 1975 và được UBND TP.HCM xếp vào loại chung cư cấp D, tức là có cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Bà Xuân Thanh sống ở lầu 1, trong căn phòng vỏn vẹn khoảng 25 m2 với cô con gái. Bà cho biết dọn về chung cư này từ năm 1968, thời điểm đó chung cư vừa mới xây xong. 53 năm sống ở một nơi, căn nhà như tài sản quý giá nhất của bà Thanh.
“Chung cư hồi đó xây chắc chắn, kiên cố lắm, giờ xuống cấp quá nhiều rồi. Nói sợ thì cũng có sợ nhưng mà kể ra vẫn muốn được ở đây”, bà cụ 78 tuổi nói.
Theo lời con gái bà Thanh, đã có nhiều lần gạch ở trên trần chung cư rơi xuống đất, rơi trúng mái tôn. May mắn là không có người nào bị thương. Nhiều cuộc họp giữa UBND phường và cư dân để hối thúc việc di dời qua khu tạm cư để tháo dỡ chung cư này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Lần gần đây nhất, chính quyền bàn phương án cho dân di dời qua chung cư Tân Mỹ ở quận 7. Tuy nhiên, cư dân chung cư Vĩnh Hội vẫn không đồng tình bởi nơi tạm cư nhếch nhác, giá đền bù để dân rời đi chưa được thỏa thuận hợp lý.
“Ở đây chúng tôi có sổ hồng, giấy tờ hợp pháp đàng hoàng, chuyển qua đó như kiểu ở nhờ, không có gì rõ ràng hết thì làm sao mà yên tâm đi. Thà qua đó mà có nhà mình làm chủ, chắc chắn luôn thì khác. Nhiều trường hợp người dân ra đi rồi nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên không ai an tâm”, bà Thanh bày tỏ sự lo ngại.
Khác với bà Thanh, ông Phan Ngọc Có (54 tuổi) xem những vết nứt, đứt gãy nghiêm trọng ở chung cư “không quá nguy hiểm”. 30 năm sống ở đây, với ông, căn nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn gắn bó với công việc mấy chục năm của gia đình.
Vợ ông Có bán hành tỏi ở ngay khu chợ dưới chung cư. Do đó, nhiều năm nay nghe đến việc phải di dời đến nơi khác để tháo dỡ chung cư xuống cấp, người đàn ông này cảm thấy ái ngại.
“Mình sống ở đây mấy chục năm, mưu sinh ở đây, con cái học hành cũng quanh đây. Bây giờ chuyển qua nơi khác mà giá đền bù không thỏa đáng thì làm sao mà đi. Nếu Nhà nước bắt buộc thì tôi cũng đành chấp nhận. Nhưng vẫn mong chính sách bồi thường có lợi cho dân, để yên tâm bắt đầu cuộc sống mới”, ông Có mong mỏi.
Chưa một ai rời đi
Vào tháng 9/2019, UBND TP.HCM đã yêu cầu khẩn trương triển khai di dời các hộ dân ở chung cư số 440 Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5) đến tạm cư tại quỹ nhà của cao ốc An Phú (quận 6) để cơ quan chức năng tháo dỡ chung cư 440.
Tuy nhiên, khi phóng viên ghé đến chung cư này một ngày giữa tháng 1/2021, gần 30 hộ dân vẫn còn bám trụ lại đây, mọi hoạt động của họ vẫn diễn ra bình thường.
Nằm ở nút giao giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Châu Văn Liêm, chung cư 440 Trần Hưng Đạo có tuổi đời gần 50 năm. Chung cư có quy mô gồm trệt, lửng, 2 lầu, sân thượng, mái bê tông cốt thép.
Bà Nguyễn Thị Cúc sống khoảng 30 năm trong căn phòng chật hẹp ở lầu 1 chung cư. Bà cho biết chung cư này đã xuống cấp từ lâu, tuy vậy, người dân vẫn bám trụ vì chưa thống nhất được phương án di dời, đền bù với chính quyền.
Cô con gái của người phụ nữ này dẫn phóng viên ra phía cạnh cửa nhà, chỉ lên trên trần và kể rằng gần đây một cục gạch ở phía trên rơi xuống suýt trúng vào đầu của chị.
"Nhiều cuộc họp bàn với chính quyền nhưng vẫn chưa biết khi nào sẽ phá dỡ vì dân vẫn không chịu rời đi. Ở đây phần lớn là người lao động, làm nghề kinh doanh, buôn bán nên lo lắng khi qua chỗ ở mới không đủ tiền thuê nhà", bà Cúc trải lòng.
Chung cư 44 năm tuổi này có nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng. Mặc dù tọa lạc ở vị trí khá đắt đỏ nhưng mặt tiền của chung cư rất cũ kỹ, mục nát. Bên dưới chung cư, một số hộ dân tận dụng mặt tiền để kinh doanh quán ăn, shop thời trang. Phía bên trong, các hạng mục sử dụng chung như cầu thang, trần nhà đều đã nứt toác, nhiều mảng bê tông, tường gạch bong tróc ra vô cùng nguy hiểm.
Đánh giá trước đó của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy mặc dù nhìn kết cấu bên ngoài chung cư thì có cảm giác chắc chắn, hiện trạng bên trong và tổng thể đang nguy hiểm, khả năng sụt lún rất cao.
Bà Năm bán ốc ngay dưới chân chung cư cho biết nơi này đã xuống cấp, nếu tiếp tục ở sẽ nguy hiểm nhưng gia đình không đủ tiền để dời qua nơi ở mới. Việc người dân như bà tiếp tục bám trụ để chờ một quyết định hợp lý từ chính quyền thành phố. Bà Năm lo lắng khi rời đi sẽ không có chỗ buôn bán, không có chi phí trang trải cuộc sống.
Cùng tâm trạng lo lắng này là chị Lâm Thị Tuyết Nga. Gia đình chị Nga sống ở lầu 1, thuê mặt bằng ngay bên cạnh đường Châu Văn Liêm để kinh doanh giày dép. Theo lời chị, bà con ở đây đã được qua tham quan nơi tạm cư và thấy không phù hợp để chuyển qua đó.
"Thà cứ quy đổi ra tiền rồi cho dân muốn ở đâu thì ở, bố trí tạm cư nhà rộng hơn nhưng mà qua đó đủ mọi chi phí phát sinh. Trong khi con cái mình học hành ở đây, công việc buôn bán cũng ở đây, dời qua đó lấy gì mà sống. Muốn đi đâu cũng phải có tiền mới đi được", chị Nga chia sẻ.
Với những người đang bám trụ lại trong các chung cư cấp D này, họ không phải là không lo sợ trước những vết nứt nghiêm trọng đe dọa an toàn mà bởi người dân chưa biết sẽ nhận được bao nhiêu tiền đền bù, bắt đầu cuộc sống ở nơi khác như thế nào, kéo dài trong bao lâu.
"Tới chỗ nào cũng chỉ là ở tạm thôi, giấy tờ đâu có thuộc về mình. Mà ở tạm thì ở tạm bao lâu, khi quay về đây sẽ như thế nào... Ở đây tuy cũ kỹ nhưng mà là nhà của mình, mình được quyền. Những người chấp nhận rời đi đa phần họ đã có nhà ở nơi khác rồi chứ không như những lao động nghèo như chúng tôi", ông Có bày tỏ.
Một số hành lang nhỏ hẹp trong chung cư Vĩnh Hội được người dân tận dụng, chiếm giữ làm nơi để ở. Dù xung quanh nồng nặc mùi rác, mùi xú uế, trên trần nhà bong tróc, nứt nẻ nhưng họ vẫn chọn nơi đây để trú ngụ trong khi chờ một phương án giải tỏa và bồi thường hợp lý, hợp tình.
"Trước đây tôi hay tập thể dục buổi sáng nhưng giờ không dám, gạch nó hay rớt dữ lắm, không dám đi", bà Xuân Thanh nói khi phóng viên đưa mắt nhìn lên trần nhà, e dè bước đi.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trong trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm thì thực hiện việc bồi thường, tái định cư theo hai phương án.
Phương án thứ nhất là có quy định cụ thể việc chỉ thực hiện bồi thường, tái định cư bằng căn hộ.
Phương án thứ 2 là vẫn thực hiện bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ cưỡng chế tháo dỡ để đầu tư, cải tạo, xây mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm khi có 50% chủ sở hữu căn hộ đồng ý.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-mon-trong-nhung-chung-cu-cho-sap-o-tphcm-post1174956.html