Sóng ngầm ngành F&B
Ngành F&B đang đối mặt với động lực tăng trưởng yếu, đâu là lối thoát cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này?
Sóng F&B từ góc nhìn vĩ mô
GDP quý III của Việt Nam tăng 5,3% - dù cao hơn so với quý II trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP năm 2024 tăng 6-6,5%.
“Nhìn vào con số này chúng ta có thể thấy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này không dễ dàng. Thậm chí mục tiêu đặt ra cho năm sau cũng chỉ cao hơn một chút so với năm nay”, ông Nguyễn Hoành Tiến - Phó Chủ tịch MoMo nhận xét trong sự kiện Sóng ngầm ngành F&B diễn ra sáng 24/11 tại Hà Nội.
Theo ông Tiến, đầu tư công trong giai đoạn này là động lực tăng trưởng song những yếu tố liên quan đến tiêu dùng, xuất siêu đang yếu trong nền kinh tế. Điều này có nghĩa là người dân có ít tiền để tiêu hơn.
Tăng trưởng GDP chậm lại cũng chứng tỏ số việc làm giảm đi, khoản tiền tổng khách hàng có thể chi tiêu trên thị trường sẽ giảm xuống.
So với cùng kỳ năm trước, lạm phát đang đi xuống ở mức có thể kiểm soát được, thậm chí thấp hơn so với định mức mà Chính phủ đặt ra. Qua yếu tố này, ông Tiến cho rằng có thể nhìn thấy dấu hiệu nền kinh tế đang tốt lên nhưng không đáng kể khi xu hướng GDP vẫn tăng trưởng thấp trong giai đoạn này và khả năng kéo dài đến giai đoạn tiếp theo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. IPP tháng 10 tăng 4,1% nhưng tổng IPP từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,5% - tức 10 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tăng thấp so với năm trước đó.
Dù tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7% nhưng một phần đến từ việc giá cả các mặt hàng tăng cao.
10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp mở cửa trở lại chưa đến 30% trong khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng 20% so với 10 tháng đầu năm trước. Theo lãnh đạo MoMo, điều này chứng tỏ số liệu việc làm đáng lo lắng.
“Bức tranh [vĩ mô] cho thấy nhiều dấu hiệu không quá lạc quan, dù thời điểm này có những yếu tố đi lên”, ông Nguyễn Hoành Tiến nhận xét. “Như vậy, nhà kinh doanh F&B trông chờ vào nền kinh tế tốt lên để có động lực là rất khó. Chúng ta phải tự tìm lấy cơ hội, tìm cách điều chỉnh, chủ động tìm cách thích ứng”.
Khách hàng thay đổi thói quen chi tiêu
Trong quý II và quý III, tất cả các ngành bán lẻ - trừ nhu yếu phẩm có tăng trưởng lớn, đều có mức tăng trưởng nhỏ hơn so với năm ngoái. Dẫn số liệu có được, ông Tiến cho biết theo từng quý, lượng khách ghé các điểm bán lẻ có xu hướng đi xuống rõ rệt.
Số lượng khách đi đến cửa hàng bán lẻ, trừ ngành thực phẩm, đã giảm sút so với tháng trước. Không chỉ ít tới các điểm bán lẻ, dự báo trong thời gian tới, khả năng chi trả của khách hàng cũng yếu đi.
Kết quả khảo sát của Decision Lab, trong giai đoạn 3/2023 - 5/2023 với câu hỏi phần nào trong ví tiêu dùng của bạn đã tăng lên, chỉ khoảng 15% người nói có chi tiêu tăng cho nhà hàng và cà phê. Con số này thấp hơn mức trung bình là 20%. Trong khi đó, có 29% người được hỏi nói rằng tăng chi tiêu cho hàng tươi sống - cao nhất trong số các sản phẩm tiêu dùng.
Không nhìn từ yếu tố vĩ mô mà từ phía khách hàng trở lại cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển từ tiêu tiền cho nhà hàng, cà phê sang các sản phẩm thiết yếu hơn liên quan đến thực phẩm, ăn uống.
Ông Tiến cho biết giảm chi tiêu ăn uống bên ngoài đều liên quan đến tiền bạc, khi khách hàng không thấy ưu đãi giảm giá thì không đi ăn nhà hàng, quán cà phê.
“Đối với ngành F&B khó khăn sẽ ngày càng cảm nhận rõ hơn. Điểm sáng duy nhất liên quan đến lĩnh vực thực phẩm nhu yếu phẩm trong bán lẻ”, vị Phó Chủ tịch MoMo chia sẻ.
Lối thoát cho doanh nghiệp
Ngành F&B đang chịu sức ép rất nhiều đến từ thay đổi thói quen chi tiêu của khách hàng và các yêu cầu giảm giá. Tuy nhiên, lợi điểm là khách hàng vẫn quan tâm đến chất lượng sản phẩm và sự thuận tiện.
Theo ông Tiến, về mặt công nghệ có ba làn sóng lớn trong ngành F&B thời gian tới mà doanh nghiệp cần chú ý. Thứ nhất là livestream bán hàng. Sếp MoMo đánh giá đây là thứ không thể sử dụng trong thời gian dài đối với ngành F&B mà chỉ là xu hướng vọt lên trong thời gian ngắn.
Thứ hai là thương mại xuyên biên giới - tác động vừa phải với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cuối cùng là thanh toán không tiền mặt. Số liệu từ iPOS.vn chỉ ra tại TP HCM và Hà Nội có 25% khách hàng thanh toán ở các chuỗi cà phê, nhà hàng không dùng tiền mặt. Tức cứ 4 người thì có 1 người không mang theo tiền mặt khi đi ăn nhà hàng.
MoMo dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới và cán mốc 80% vào cuối năm sau. Điều này có nghĩa là cứ 5 người thì 4 người không mang theo tiền mặt hay ví khi đến các quán cà phê, nhà hàng.
Ông Tiến nhấn mạnh trong thời gian này, doanh nghiệp F&B phải quay lại những giá trị cơ bản của khách hàng, đó là chất lượng sản phẩm tốt và sự tiện lợi. “Chất lượng sản phẩm trước giờ như nào thì nay phải như vậy. Việc theo đuổi tăng trưởng nóng không thực sự quá tốt ở thời điểm hiện tại”, ông Tiến khẳng định.
Thứ hai, khách hàng đòi hỏi khuyến mãi, nhưng theo Phó Chủ tịch MoMo, “cắt máu” để khuyến mãi sẽ không thể tồn tại lâu dài. Do đó, cần tập trung vào câu chuyện khuyến mãi thông minh, tập trung vào khách hàng cũ nhiều hơn vì đó là tập khách hàng mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho doanh nghiệp. Kế đó, phải kéo được khách hàng mới xung quanh khu vực.
Với nhà cung cấp, câu chuyện là chi phí bán hàng trên các kênh bán hàng online đang tăng, từ chi phí xăng dầu, shipper, trả cho nền tảng,… Tất cả những chi phí này đều rất lớn và theo ông Tiến, người bán cần tìm kiếm kênh bán hàng hiệu quả hơn.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/song-ngam-nganh-fb.html