Sóng nhiệt gây nguy hiểm cho người lao động và làm giảm năng suất

Nhiệt độ tăng mạnh trên toàn cầu tiếp tục gây nguy hiểm cho sự an toàn của người lao động và tác động đến các cộng đồng có 'khả năng thích ứng thấp nhất'. Đây là nhận định của ông Nicolas Maitre, một nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

 Tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Đáng chú ý, số liệu từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc cho thấy, tháng 7 này có thể sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Cũng theo ông Nicolas Maitre, các đợt sóng nhiệt không chỉ đe dọa môi trường mà còn tạo thêm trở ngại cho các quốc gia đang cố gắng đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất, cũng như việc làm bền vững cho tất cả mọi người, những mục tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8. Liên quan đến vấn đề này, Tờ UN News ngày 29/7 đã có cuộc phỏng vấn với ông Nicolas Maitre.

Căng thẳng nhiệt tại nơi làm việc, được gọi là căng thẳng nhiệt nghề nghiệp được định nghĩa như thế nào, thưa ông?

Căng thẳng nhiệt nghề nghiệp mô tả một tình huống quá khó để làm việc, hoặc ít nhất là quá khó để làm việc ở cường độ bình thường. Nó không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ, mà còn phụ thuộc vào độ ẩm và bức xạ mặt trời. Vấn đề này gây nguy hiểm cho sự an toàn và sức khỏe của người lao động bằng cách làm tăng nguy cơ chấn thương và các bệnh liên quan đến nhiệt.

Ở nhiệt độ nào thì căng thẳng nhiệt bắt đầu xảy ra, thưa ông?

Các ước tính cho thấy, năng suất làm việc chậm lại ở nhiệt độ trên 24 - 26 độ C. Ở nhiệt độ 33 – 34 độ C, hiệu suất của người lao động có thể giảm tới 50% trong những công việc đòi hỏi thể chất. Vấn đề này có thể xảy ra trong bóng râm, và thậm chí bên trong một số nhà máy. Nếu nhà máy không có điều hòa không khí và người lao động phải vận hành máy móc hạng nặng hoặc mặc quần áo bảo hộ, thì căng thẳng nhiệtcũng có thể xảy ra trong những bối cảnh này.

Nhìn chung, nông nghiệp và xây dựng là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo ước tính của ILO, trên toàn cầu, năng suất giảm do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp chiếm 60% tổn thất này. Tuy nhiên, căng thẳng nhiệt có thể xảy ra ở tất cả các công việc đòi hỏi thể chất, yêu cầu người lao động phải làm việc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, trong nhiều giờ đồng hồ, hoặc trong khi mặc quần áo bảo hộ.

Theo ông, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng nhiệt?

Căng thẳng nhiệt ảnh hưởng đến những người có ít khả năng thích ứng nhất. Đó là vấn đề công bằng xã hội, và là vấn đề giảm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, cũng như trong các quốc gia.

Tăng số lần nghỉ giải lao, cải thiện khả năng tiếp cận nước, điều chỉnh giờ làm việc, và luân phiên người lao động đều là những biện pháp giảm nhiệt hiệu quả. Điều chỉnh quần áo của người lao động, uống nước thường xuyên, và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng sẽ có lợi.

Các quốc gia ôn đới có thể học được những gì từ các biện pháp thích ứng của các quốc gia nhiệt đới?

Bằng chứng cho thấy, vấn đề này đang trở thành một vấn đề thực sự đối với các quốc gia ôn đới, nhưng vấn đề không giống nhau. Chẳng hạn như, ở khu vực Đông Nam Á, đây là vấn đề xảy ra quanh năm. Ở khu vực châu Âu, vấn đề này chủ yếu xảy ra trong các đợt sóng nhiệt mùa hè. Tôi tin rằng, các biện pháp thích ứng nên xem xét những sự khác biệt này. Trong khi chúng ta thực hiện các biện pháp thích ứng bền vững ở các quốc gia nhiệt đới, chúng ta có thể nghĩ đến những biện pháp được kích hoạt bởi mức nhiệt độ cụ thể ở các quốc gia ôn đới.

LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News & ILO)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/song-nhiet-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-lao-dong-va-lam-giam-nang-suat-130475.html