Sóng nhiệt gây ra 'sự kiện tan chảy lớn' ở Greenland

Băng ở Greenland đã trải qua một 'sự kiện tan chảy lớn' trong tuần này, giải phóng khối lượng đủ 'để bao phủ Florida với 5 cm nước', theo các nhà nghiên cứu của chính phủ Đan Mạch, những người theo dõi tảng băng.

Băng tan ở Greenland. Ảnh: DPA

Bài liên quan

Nhân loại đang trải qua một giai đoạn mới, khủng khiếp của biến đổi khí hậu

Lũ quét sẽ phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn

LHQ cảnh báo nghèo đói đang nguy hiểm hơn biến đổi khí hậu và xung đột

Ấn Độ trên tuyến đầu của biến đổi khí hậu

Các nhà nghiên cứu, người đăng kết quả theo dõi của họ trên trang web Polar Portal, cho biết sự kiện tan chảy hôm thứ Tư (28/7) là sự kiện mất băng trong ngày lớn thứ ba ở Greenland kể từ năm 1950, cùng với những sự kiện khác xảy ra vào năm 2012 và 2019.

Mặc dù sự kiện năm 2019 có số lượng băng tan lớn hơn, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng sự kiện hôm thứ Tư ảnh hưởng đến một khu vực lớn hơn.

Ước tính có khoảng 22 gigatonnes (1 gigatonnes = 1 tỷ tấn) băng tan vào thứ Tư (28/7).

Theo nhà khoa học khí hậu Xavier Fettweis thuộc Đại học Liege ở Bỉ, hơn một nửa khối lượng đó (12 gigatonnes) đã chảy vào đại dương. Ông lưu ý rằng tuyết rơi dày trước đó cho phép 10 gigatonnes còn lại được hấp thụ và có khả năng đông lạnh lại.

Các nhà khoa học đã chỉ ra những thay đổi trong các mô hình hoàn lưu khí quyển là một yếu tố quyết định, lưu ý rằng sự tan chảy đặc biệt nhanh chóng kéo theo không khí ấm bị giữ lại trên đảo Bắc Cực.

Viện Khí tượng Đan Mạch hiện đang báo cáo nhiệt độ mùa hè vượt quá 20 độ C ở phía bắc Greenland, gấp đôi mức trung bình mùa hè.

Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu các mô hình khí quyển tiếp tục giữ không khí ấm hơn bao giờ hết, nó có thể dẫn đến một vòng phản hồi khuếch đại làm tăng tốc độ tan chảy hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu cho biết tảng băng bắt đầu mất khối lượng vào năm 1990 và sự co rút đã tăng tốc kể từ năm 2000. Họ cũng lưu ý rằng khối lượng mất đi trong những năm gần đây lớn hơn khoảng 4 lần so với trước năm 2000.

Greenland, hòn đảo ngoài lục địa lớn nhất thế giới, cũng là nơi có tảng băng vĩnh cửu duy nhất trên trái đất ngoài Nam Cực.

Điều này khiến Greeland trở thành nguồn dự trữ nước ngọt lớn thứ hai trên hành tinh. Dải băng Greenland và Nam Cực chứa 70% lượng nước ngọt của thế giới.

Các nhà khoa học ước tính mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 6 đến 7 mét nếu các dải băng tan chảy hoàn toàn.

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/song-nhiet-gay-ra-su-kien-tan-chay-lon-o-greenland-post147741.html