Sóng nhiệt hủy diệt phá vỡ mọi kỷ lục trên khắp châu Âu

Châu Âu trải qua đợt sóng nhiệt hủy diệt thứ hai hôm 25/7, với nhiệt độ đe dọa mạng sống phá vỡ kỷ lục trên khắp lục địa.

Sóng nhiệt mới nhất này được ghi nhận là một trong những đợt nóng dữ dội nhất, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất hôm 24/7 ở Bỉ, Hà Lan và Đức. Một số kỷ lục chỉ đứng vững một ngày và nhanh chóng bị đánh bại trong ngày 25/7, khi nhiệt độ thậm chí còn leo lên mức cao hơn từ Pháp đi về phía bắc vào Anh và đi về phía đông tới Đức.

London và Paris trải qua những ngày nóng nhất trong lịch sử, trong khi một số thành phố khác dường như cũng chứng kiến nền nhiệt cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu thời tiết.

Người dân giải nhiệt ở hồ nước gần tháp Eiffel. Ảnh: Getty Images.

Người dân giải nhiệt ở hồ nước gần tháp Eiffel. Ảnh: Getty Images.

Nhiệt độ ở thủ đô nước Pháp lên tới 42 độ C vào lúc 15 giờ, theo giờ địa phương, và nhanh chóng đạt 42,6 độ C sau 16 giờ, phá vỡ kỷ lục trước đó ở mức 40,4 độ C ghi nhận vào năm 1947.

“Chúng tôi đang ở trong tình trạng con người không sống nổi"

“Không ai có thể an toàn ở nhiệt độ như vậy”, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn, nói. “Đây là lần đầu tiên tình trạng nắng nóng ảnh hưởng tới các khu vực hành chính ở phía bắc đất nước… Cư dân ở đây không quen với cái nóng như vậy”.

“Sóng nhiệt thực sự là vấn đề nghiêm trọng với những người lớn tuổi và ốm bệnh”, Anton Hofreiter - lãnh đạo của đảng Xanh của Đức nói với Der Spiegel. Ông cho rằng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã không hành động thấu đáo để trợ giúp những người bị ảnh hưởng.

Bảng nhiệt độ tại một tòa nhà ở Stuttgart, Đức hôm 25/7. Ảnh: AFP.

Bảng nhiệt độ tại một tòa nhà ở Stuttgart, Đức hôm 25/7. Ảnh: AFP.

Theo Washington Post, hai mươi khu vực hành chính của Pháp, từ Paris đi về phía bắc tới eo biển Manche, được đặt ở mức báo động có thể cao nhất.

Bộ trưởng phát triển bền vững của Pháp Elisabeth Borne kêu gọi công dân nước này hủy bỏ hoặc hoãn tất cả các chuyến đi không cần thiết trong đợt nắng nóng, dự kiến kéo dài đến ngày 26/7. Công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước SNCF cho phép khách hàng chuyển đổi hoặc hủy bỏ miễn phí bất kỳ chuyến đi nào tới 20 vùng bị ảnh hưởng, trong ngày 25/7.

Tại Bỉ, nơi chính phủ đã phải lần đầu tiên kích hoạt cảnh báo “mã đỏ” vì thời tiết nắng nóng, một số chuyến tàu địa phương đã phải ngừng dịch vụ vì thiết bị không chịu nổi nhiệt.

Nhiệt độ tại Bỉ ngày 24/7 lên tới 40 độ C, nóng nhất kể từ kỷ lục năm 1833, và nhiệt độ dự kiến còn tăng cao hơn vào những ngày tiếp theo.

Du khách dạo bước trên bờ biển ở De Haan, Bỉ hôm 25/7. Ảnh: AP.

Du khách dạo bước trên bờ biển ở De Haan, Bỉ hôm 25/7. Ảnh: AP.

Nhiệt độ khắc nghiệt - ở những thành phố lịch sử vốn không ưa xài máy điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là ở nhà - đang trở nên bình thường ở châu Âu.

Ở phần lớn lục địa già, máy lạnh thường được xem là đồ xa xỉ, thậm chí còn bị coi là thú chơi kiểu Mỹ. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi, theo Sacha Gaillard - kỹ sư của Les Bons Artisans, công ty chuyên lắp đặt máy lạnh.

“Chúng tôi đang ở trong tình trạng con người không sống nổi”, ông cho biết, đồng thời lưu ý rằng các công ty kinh doanh điều hòa trên khắp nước Pháp đã tăng theo cấp số nhân trong năm năm qua. “Mọi người không thể ngủ nổi trong nhà. Điều hòa nhiệt độ không còn chỉ là để thoải mái. Nó đã trở thành thiết yếu, như thể lò sưởi trong mùa đông”.

Tuy nhiên, bất chấp sự khốn khổ vì nắng nóng ngày càng tăng nhiệt, vẫn có những luồng ý kiến chống lại việc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Một số người vẫn xem điều hòa nhiệt độ là mối đe dọa chủ yếu đối với môi trường - chính xác là cách đối phó sai đối với sóng nhiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Ngoài ra, còn xuất hiện những mối lo ngại đặc thù khác. Nhiều tòa nhà ở những thành phố như Paris có tuổi đời hàng thế kỷ và thuộc các địa danh lịch sử. Mặt tiền của công trình không thể sửa sang mà không có phép của tòa thị chính hay hiệp hội kiến trúc dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa.

“Gần như không bao giờ có chuyện bạn được phép khoan tường”, James Devlin - một người Anh điều hành công ty James’Clim chuyên về các dịch vụ lắp đặt máy lạnh ở Paris, cho hay. Anh cho biết thêm rằng vì ở Paris có nhiều hạn chế, phần lớn các máy lạnh của công ty chỉ tập trung lắp đặt ở vùng ngoại ô và các khu lân cận.

Giá cả cũng là một vấn đề không nhỏ. Đối với một căn hộ gia đình ở Paris với diện tích khoảng 100 mét vuông, chi phí lắp đặt máy lạnh vào khoảng từ 12 nghìn tới 16 nghìn euro (hay 13.300 - 17.700 USD). Theo lời Devlin, dù chi phí không hề dễ chịu như vậy nhưng anh vẫn rất đắt hàng trong năm tới sáu tháng qua. Hôm 24/7, ngày đầu tiên trong đợt nóng khắc nhiệt mới, anh nhận hơn 40 cuộc gọi nhờ tư vấn về máy lạnh.

Ngày càng nóng hơn

Trong khi đó, các thành phố cũng đang kết hợp nhiều biện pháp để giải nhiệt cho người dân. Chẳng hạn ở Paris, các phòng lạnh được thiết lập ở mỗi quận, hoặc các bể bơi, công viên mở cửa thâu đêm suốt sáng.

Với các hạn chế sử dụng nước đặt ra ở nhiều khu vực, mực nước sông thấp khiến giới chức trách phải cấm các du thuyền lưu thông trên khu vực 60 km của sông Danube ở Đức. Một sở thú ở Bỉ cho biết họ cho hổ ăn gà đông lạnh và giải nhiệt cho gấu bằng dưa hấu ướp lạnh.

Theo các nghiên cứu khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến các sóng nhiệt mùa hè có khả năng xảy ra nhiều gấp năm lần và với mức độ lớn hơn đáng kể hơn, dẫn tới các đợt sóng nhiệt cực đoan như lần này sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và kéo dài.

Trên toàn cầu, năm 2019 đang trên đường trở thành một trong 5 năm nóng nhất kể từ khi kỷ lục bắt đầu được ghi nhận vào cuối thế kỷ 19. Ở châu Âu, tháng 7 được cho là có thể sẽ là tháng nóng nhất. Trong khi đó, tháng 6/2019 đã được ghi nhận là tháng 6 nóng nhất từ trước tới nay.

'Tháp Eiffel' tan chảy dưới cái nóng phá mọi kỷ lục ở châu Âu Nhiệt độ Paris ngày 25/7 phá mọi kỷ lục khi lên đến 42 độ C. Nhưng may mắn thay, đợt nóng này ở châu Âu dự báo chỉ kéo dài đến ngày 26/7, khi nhiệt độ sẽ giảm và có thể có mưa.

Khánh Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/song-nhiet-huy-diet-pha-vo-moi-ky-luc-tren-khap-chau-au-post971012.html