'Sống như những đóa hoa'
Ngày 7-3-2023, đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho 1 tập thể và 1 cá nhân nhà khoa học nữ.
Nhà khoa học vinh dự nhận giải thưởng là GS Lê Minh Thắng - giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ hữu cơ - hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Ý nghĩa một cái tên
Sinh năm 1975, GS-TS Lê Minh Thắng cũng từng là nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2009 khi mới 34 tuổi, 10 năm sau đó, chị được phong GS. Cái tên của chị cũng đã là một câu chuyện thú vị, không ít người nhầm Lê Minh Thắng là nam. Sinh ra sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975 chỉ một tuần, gia đình nhất quyết đặt tên chị là Thắng để ghi nhớ mãi chiến thắng hào hùng của dân tộc.
GS Lê Minh Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, có ông bà, bố mẹ đều đam mê nghiên cứu khoa học và đạt nhiều thành tựu. Nền tảng gia đình giúp nữ sinh chuyên Hóa khóa 1989-1992, Trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội ngày ấy sớm thắp lửa đam mê nghiên cứu khoa học ứng dụng, để rồi chị lựa chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm điểm bắt đầu cho con đường khoa học của mình.
Năm 1997, Lê Minh Thắng tốt nghiệp ngành Hữu cơ - Hóa dầu với điểm tổng kết đứng đầu khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với kết quả học tập đáng nể, chị được giữ lại trường làm giảng viên, rồi tiếp tục học lên, tốt nghiệp thạc sĩ năm 1999. Năm 2005, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ, chị quyết định trở về nước, tiếp tục công việc giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. “Đăng ký bất cứ cái gì tôi đều tự hào viết về nơi mình công tác. Không có Đại học Bách khoa Hà Nội thì không có những nghiên cứu của tôi hôm nay!”, GS Lê Minh Thắng tâm sự.
Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS Lê Minh Thắng là xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại Việt Nam và đã được đưa vào sử dụng trong thực tế. Có thể kể ra đây một số thành tựu của chị, như xúc tác được lắp đặt vào xe máy Vespa đã qua sử dụng từ lâu và thử nghiệm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về khí thải xe máy. Hay sáng chế lõi lọc dùng cho mặt nạ phòng độc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 12-3-2019, để đề phòng ngộ độc cấp tính dùng cho người lao động trong hầm mỏ, nhân viên cứu hỏa khi làm việc hoặc trong môi trường khí (khói) độc hại tương tự. Một nghiên cứu cũng có tính ứng dụng cao của GS Lê Minh Thắng là xúc tác xử lý hợp chất thơm dễ bay hơi, kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng tại Nhà máy xử lý chất thải Tân Minh, Khu công nghiệp Hải Dương, làm giảm mùi của khí thải thoát ra từ quá trình nhiệt phân cao su phế thải, giúp đạt được tiêu chuẩn môi trường về khí thải, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Hơn 25 năm theo đuổi hướng nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải, cho đến nay, chị đã chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài hợp tác quốc tế, 7 đề tài cấp bộ, là thư ký khoa học của 1 đề tài cấp Nhà nước, điều phối viên của 1 chương trình hợp tác quốc tế. Đã công bố 127 bài báo khoa học, trong đó có 37 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, là tác giả chính của 88 bài báo; được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và một giải pháp hữu ích.
Năm 2021, GS Lê Minh Thắng là một trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam vinh dự đoạt giải Sáng tạo xuất sắc - Giải thưởng sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi với công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước”. Có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường.
Truyền lửa đam mê và cống hiến
Không chỉ nổi bật trong nghiên cứu, GS Lê Minh Thắng còn luôn khao khát truyền được lửa đam mê nghiên cứu cho các sinh viên và cộng sự. Các nghiên cứu sinh của GS Lê Minh Thắng đều được hướng dẫn trong môi trường học thuật quốc tế, các luận án đều viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và có công bố quốc tế trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó 2 luận án đồng hướng dẫn với Đại học Gent - Vương quốc Bỉ đã được cấp bằng tiến sĩ song bằng.
GS Lê Minh Thắng cũng lăn lộn tìm kiếm nhiều học bổng sau đại học cho sinh viên với khát vọng sẽ có thêm nhiều nhà khoa học thành công trên con đường của mình. Đặc biệt, chị xây dựng và làm điều phối cho dự án “xúc tác - chìa khóa quản lý nguồn tài nguyên bền vững” do Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức tài trợ, cung cấp khoảng gần 100 học bổng thực tập, nghiên cứu cho các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)... Với những nỗ lực không mệt mỏi, GS Lê Minh Thắng có uy tín cao trong lĩnh vực chuyên môn và quan hệ quốc tế rộng rãi.
Hơn ai hết, GS Lê Minh Thắng hiểu những khó khăn, vất vả của một nhà khoa học nữ, nhưng chị cũng luôn muốn thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu. Chị tâm sự, một trong những lý do thúc đẩy chị hoàn thành hồ sơ đăng ký Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 là mong muốn những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ được ghi nhận, qua đó khích lệ họ tham gia nhiều “sân chơi”, đưa nghiên cứu khoa học của mình gần hơn với xã hội, có thêm cơ hội được phục vụ xã hội và cộng đồng.
“Với tư cách Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi mong muốn họ quan tâm và mạnh dạn hơn, đưa công trình của mình ra tiếp cận xã hội, doanh nghiệp. Khi mọi người đã suy nghĩ như thế, động lực nghiên cứu sẽ mạnh mẽ hơn, có nhiều nghiên cứu giá trị hơn cống hiến cho đất nước”, GS Lê Minh Thắng chia sẻ.
GS Lê Minh Thắng cũng từng là Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với một “núi” thành tựu như vậy, nhưng GS Lê Minh Thắng luôn thể hiện rõ phẩm chất của một nhà khoa học chân chính, đó là chỉ thích chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học. Chị đặc biệt không muốn nói nhiều về bản thân, về thành tựu của mình. Hỏi chị về cảm xúc khi nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 vào đúng dịp kỷ niệm dành cho phái nữ, GS Lê Minh Thắng nói, chị vô cùng trân quý giải thưởng, nhưng đồng thời chị cũng biết có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc khác cũng xứng đáng nhận giải thưởng này. “Dù có đóng góp nhưng thành tựu của tôi chỉ là một phần nhỏ bé mà các nhà khoa học Việt Nam đã cống hiến”, GS Lê Minh Thắng khiêm nhường nói.
Phía trước của GS Lê Minh Thắng vẫn là con đường nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững. “Tôi biết có thể mình sẽ không đạt được, nhưng vẫn muốn vươn tới. Tôi muốn các nghiên cứu của tôi có hiệu quả hơn, giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hơn, có công trình đăng trên các tạp chí uy tín hơn, được cộng đồng rộng lớn hơn trên thế giới công nhận. Tôi mong muốn những sinh viên của mình ra trường có những thành công vang dội, nối tiếp con đường khoa học của mình”, GS Lê Minh Thắng tâm sự.
Viết đến đây, tôi nhớ đến con số: trên cả thế giới chỉ 33,3% các nhà khoa học là nữ giới và chỉ dưới 4% giải Nobel khoa học được trao cho giới nữ. Một trong các nguyên nhân cơ bản là do vai trò có tính “thiên chức” của phụ nữ trong cuộc sống gia đình (làm mẹ và xây tổ ấm) đã lấy khá nhiều thời gian và sức lực của họ. Để theo đuổi khoa học đầy chông gai, thử thách, các nhà khoa học nữ gặp vô vàn khó khăn, nhưng họ đã và đang góp phần làm thay đổi thế giới thông qua những nỗ lực nghiên cứu, sáng chế, trở thành hình mẫu cho những người mong muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học, phá vỡ những rào cản. Truyền cảm hứng cho sự đam mê, tận hiến, họ - trong đó có GS Lê Minh Thắng đã “Sống như những đóa hoa, tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời” (Sống như những đóa hoa - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng).
GS Lê Minh Thắng được khen thưởng bởi nhiều thành tích nổi bật: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (các năm 2011, 2019, 2020); Bằng khen của Thủ tướng (2018); Đảng viên trẻ Thủ đô tiêu biểu xuất sắc (2010); Phụ nữ trí thức Hà Nội tiêu biểu (2010)…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/song-nhu-nhung-doa-hoa-post683422.html