Sống ở miền biên viễn
'Sống ở miền biên viễn' - mới nghe đó thôi sao thấy trong lòng, trong từng thớ thịt cuộn dâng những cảm xúc tự hào, hãnh diện vì mình là người con vùng đất 'đầu sông, đầu núi' của Tổ quốc. Dẫu không được cất tiếng khóc chào đời tại mảnh đất đón dòng sông Hồng chảy vào đất Việt, nhưng chính đất trời nơi đây đã nuôi tôi lớn, cho tôi ước mơ để bước vào những hối hả cuộc đời.
Giống như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Lào Cai cũng có “núi liền núi, sông liền sông” với nước bạn Trung Quốc. Hòa chung không gian hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển, người dân trên khắp dọc dài vùng biên cương Lào Cai đang ra sức giữ gìn, dựng xây mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Làm nghề hay đi nên những biên giới Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, Bát Xát tôi đã từng trở đi, trở lại nhiều lần. Tôi yêu những không gian yên bình của các làng quê biên giới Lào Cai; yêu những người dân ngày ngày tất bật với ruộng đồng, khi cần sẽ là những anh, chị dân quân góp sức mình bảo vệ biên cương…
Là địa phương vùng cao, địa hình xa xôi, cách trở nên đường biên giới của Lào Cai cũng đầy gian khó, cheo leo. Số ít cột mốc ở ngay bên cạnh khu dân cư, tiện đường đi lại, còn phần lớn ở trên núi cao, vực thẳm. Để đi tuần tra, kiểm soát, phương tiện cơ động nhất là xe gắn máy, còn lại là đi bộ, có nơi ngược núi cả nửa ngày trời. Vốn nổi danh với cái nắng khô khát, cái lạnh cắt da của vùng núi đá, vài năm gần đây còn là những trận mưa lũ từ thượng nguồn, nên con đường tuần tra biên giới Lào Cai đã gian nan, nay lại càng gian nan hơn bởi sự bào phá của thời gian. Vậy nhưng những đôi chân vẫn không nghỉ, vẫn ngày đêm trên mọi nẻo đường biên cương.
Mỗi lần đến với các đồn, trạm biên phòng, nhìn dòng chữ ánh vàng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, tôi luôn thấy thân thuộc và bình yên. Với mỗi người lính, đó không còn là khẩu hiệu mà là tâm niệm, là “kim chỉ nam” trong mọi việc làm. Tạm xa gia đình riêng, họ cùng đoàn kết một lòng trong mái nhà chung ấm tình đồng đội, cùng kề vai sát cánh thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đó là giữ vững sự bình yên cho biên cương. Ở quê hương thứ hai nơi biên cương xa xôi, họ có thêm những người anh em thân tình là đồng bào các dân tộc. Hình ảnh những thầy giáo, bác sỹ, kỹ sư mang quân hàm xanh ngày đêm miệt mài đem ánh sáng tri thức, chăm lo sức khỏe, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như những trường ca còn mãi với thời gian.
Với mỗi người dân, cán bộ, chiến sỹ biên phòng như là người anh, người con, người bạn trong gia đình để họ chia sẻ bao điều, giúp họ có những hướng đi đúng trong phát triển và dựng xây. Đi khắp biên giới Lào Cai hôm nay là những thanh âm rộn rã, những sắc màu tươi mới của hạnh phúc đang lên. Đây Kim Thành, Lào Cai nhộn nhịp chuyến hàng biên; kia Lũng Pô, Nậm Chảy, Bản Lầu, Bản Phiệt bạt ngàn chuối, dứa; đây Mường Khương, Tả Ngải Chồ trĩu cành quýt ngọt và kia là Tả Gia Khâu, Dìn Chin, là Si Ma Cai rộn vang bước chân… Thôn bản hạnh phúc, yên bình, phát triển, người dân càng thêm hiểu rằng những trái ngọt đó là kết quả của bao vất vả, hy sinh, nên ra sức giữ gìn, bảo vệ. Đời này qua đời khác, thế hệ trước dạy bảo thế hệ sau phải bám đất, bám làng, trở thành những “cột mốc sống” vùng biên.
Khéo léo trong ngoại giao, biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) luôn thắm tình hữu nghị, trở thành hình mẫu trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung, để những tuyến hàng ngày ngày được thông quan góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương và khu vực; để những đoàn khách ngày ngày ngược xuôi, mang theo hình ảnh con người Lào Cai thân thiện, mến khách đi khắp muôn nơi…
Các bạn ạ, chúng tôi vẫn đang ở đây, sống, làm việc và dựng xây để xứng đáng là những người con nơi biên cương, nơi tuyến đầu Tổ quốc!