Sống ở rừng Cần Giờ - Kỳ 1: Phải lì, phải yêu
'Nhiều người vào đây thực tập, làm sau đó là nghỉ. Đi vỏ lãi gió giông, lội rừng sình lún tới đùi, lương bổng không cao... nên phải thật lì lợm mới sống được ở rừng Cần Giờ', anh Tuấn nói.
18 giờ 30 ngày 4.3, anh Trần Quốc Tuấn (45 tuổi, quê Hà Tĩnh), Trưởng phân khu 1 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) dẫn tôi về xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) rồi ra bến tàu chạy về trụ sở phân khu. Ông Phan Ái Lạc (thuộc Phân khu 1) đã đưa vỏ lãi ra chờ sẵn. Trong đêm, chiếc vỏ lãi rẽ sóng từ sông Lòng Tàu ra sông Dừa. Sóng đập mạnh, nước tung tóe ướt người, gió thổi thông thốc, sau nửa tiếng, cuối cùng chúng tôi cập bến.
Nơi ở của nhóm Phân khu 1 là một căn nhà cấp bốn được xây trên một khu đất ngập nước. Xung quanh toàn đước, mắm, chà là... Hiện nay, anh Tuấn là Trường phân khu 1, quản lý 15 hộ dân giữ rừng với hơn 2.500 ha rừng.
Buổi đầu gian nan
Tôi vừa chợp mắt được một lúc thì anh Tuấn sang gọi tôi dậy ăn cơm. “Ông Lạc đang bắt sóng điện thoại rồi. Ở rừng lâu mới biết nơi nào có”, anh Tuấn vọng vào. Căn bếp nhìn ra sông Dừa dựng bằng vách lá, treo nhiều xoong, nồi ám lọ nồi. Mâm cơm trông rất "organic", vì các anh ở phân khu đều tự trồng rau, đánh bắt cá...
Tiếng củi đước kêu lách tách trong những cà ràng (bếp củi để nấu ăn, thường được làm bằng đất sét – PV). Tiết kiệm điện, phân khu vẫn xem cà ràng là phương tiện chính để đun nấu.
“Còn nhớ năm 1996 phải đi tham dự tổng kết 6 tháng đầu năm, tôi chèo 3 tiếng đồng hồ. Họp 7 giờ, phải đi từ 4 giờ sáng".
Anh Trần Quốc Tuấn - Trưởng Phân khu 1, Ban Quản lý Rừng phòng hộ H.Cần Giờ.
Anh Tuấn có nước da đen sạm, đôi mắt thường đỏ quạch, có lẽ vì quen thức khuya. Anh kể mình sinh ra trong một gia đình đông anh em, khó khăn, nên anh sớm vào Nam lập nghiệp. Năm đó anh 17 tuổi, bươn chải mọi ngành nghề. “Lúc mới vào Nam, tôi chỉ mới học xong lớp 9, ba mẹ chỉ may được một bộ đồ. Tôi đi cấy lúa, nhưng phải đụn cơm đi bộ 3 km, mỗi ngày chỉ làm được 8 ngàn. Sau đó lên TP.HCM để làm vườn ươm lâm nghiệp. Cuối cùng, duyên nợ đưa đẩy vào giữ rừng Cần Giờ, tôi vừa làm vừa học lại”.
Anh Tuấn nhớ rõ mình bắt đầu giữ rừng vào ngày 27.6.1996 và nỗi sợ lớn nhất khi ấy là cô đơn. “Ban đầu nản lắm, đàn anh đi tuần suốt, còn mình ở nhà, không nước, không điện, phải tự đánh bắt, nấu cơm”.
Chưa kể, những năm đó có rất nhiều lâm tặc. “Cả đêm lẫn ngày, họ phá rừng để lấy củi hoặc cho lò than. Tôi nhớ, đêm giao thừa năm 1998 còn có lâm tặc đốn rừng, buộc anh em phải chạy ghe bắt. Có khi biết tên, biết mặt nhưng không có bằng chứng. Họ quăng ghe chạy hoặc cắt dây để cây tuột xuống sông. Rượt lâm tặc trước năm 1997 là bằng xuồng chèo, sau mới có ghe máy. Còn vỏ lãi mới có khoảng 7 năm nay”, anh Tuấn cho hay bây giờ do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên lâm tặc đã giảm hẳn.
Anh Tuấn xòe bàn tay to bè ra sông, nói tỉnh queo: "Hồi năm 1996 những lúc đi sơ kết, tổng kết là phải tôi chèo 3 tiếng đồng hồ đó. Họp 7 giờ, phải đi từ 4 giờ sáng. Buổi đầu gian nan lắm nhưng cũng may vì ngoài quê sống quen với lũ nên vô đây mới chống chọi được với sông nước”.
Phải lì, phải yêu
Gian truân không dừng lại. Thiếu nước ngọt, điện, nhu yếu phẩm sinh hoạt là vấn đề dai dẳng anh Tuấn và đa số hộ dân giữ rừng phải đối mặt hàng chục năm qua.
“Ở đây 150 ngàn đồng/khối nước. Như chúng tôi ở phân khu có nhiều bồn chứa, đổ một lần hàng trăm khối chứ hộ dân nhận khoán giữ rừng khổ hơn, chỉ chứa được vài khối. Lúc trước, có người đi ghe nên có thể đổ lẻ cho dân, chứ bây giờ vận chuyển nước bằng xà lan nên không muốn tốn công kéo đường ống để đổ vài khối lẻ”, anh Tuấn lắc đầu.
Không phải có bồn là có tiền để mua nên các hộ dân phải tận dụng triệt để nước mưa. Trong bóng đèn lờ mờ, tôi vẫn thấy có nhiều máng xối xung quanh nhà, dẫn xuống hàng chục lu, bình chứa.
Trước khi phân khu và người dân được hỗ trợ xây nhà tường, họ phải tự lợp nhà bằng lá dừa nước; các đòn tay là những cây đước, bần bị gió giông quật đổ. “Thời đó không có điện. Thậm chí khi vợ xuống thăm cũng không có nổi một cái nhà tắm. Phải đợi anh em ngủ hết mới dám đốt đèn dầu, canh cho vợ tắm”, anh Tuấn cười.
Phân khu 1 là một trong những nơi đón tiếp nhiều khách du lịch thăm quan hay nhiều đoàn nghiên cứu từ các trường trong, ngoài nước. Anh Tuấn kể: “Có nhiều khách du lịch không hiểu nên nói làm mình buồn. Tôi nhắc họ đi ra vào cũng nên tiết kiệm nước vì một khối 150 ngàn không ít đâu các em. Họ bảo họ đã trả tiền rồi thì phải xài xả láng chứ giữ gìn gì. Mình đã nhận tiền người ta nên không dám nói nặng nhẹ”.
Gương mặt nghiêm nghị, anh Tuấn tin rằng để giữ rừng phải yêu, phải chung sống lâu mới có thể làm nổi: “Nhiều người vào đây thực tập làm nhưng sau lại nghỉ vì ở thành phố đã quen với điện, nước, wifi đầy đủ. Đi vỏ lãi gió giông; lội rừng sình lún tới đùi; gạo thóc không đủ, hơn thế, lương bổng ở đây không cao nên phải thật lì lợm mới sống ở rừng được”, anh Tuấn nói.
Từng viết đơn xin thôi việc
Tưởng anh Tuấn kể chuyện khó chuyện khổ mà nghe nhẹ như bỡn vậy, thì anh hẳn là vững vàng lắm. Thế mà trò chuyện một lát, mới biết chính anh Tuấn từng... viết đơn xin thôi việc.
Đó là năm 2003, vợ anh đau đẻ. Anh không trực tiếp ở nhà, phải nhờ bạn chở vợ anh đi sinh. Để rồi, anh Tuấn trằn trọc mãi, khóc hết nước mắt. Dù vợ cảm thông, nhưng anh nghĩ đến việc những vợ chồng khác được hủ hỉ, bệnh tật, vui buồn có nhau, riêng anh một năm gặp vợ vài lần, khi vợ mang thai vẫn phải đi làm. Giờ đây, nghe vợ sinh cũng không về kịp nên hôm sau, anh đến cơ quan trình đơn thôi việc.
“Thương vợ tần tảo, tôi đến trình đơn. Nhưng mấy ảnh bảo giúp cho tôi nghỉ một tháng không lương, tính sau. Cuối cùng gói ghém thế nào vẫn đưa lương cho mình để lo chi phí vợ sinh. Kể từ đó, tôi tự nhủ với lòng: mấy ảnh đã thương mình vậy, thì mình phải bám trụ”, anh Tuấn nói.
Cứ thế, đã 24 năm qua anh Tuấn bám rừng Cần Giờ. Anh nói: “Bây giờ, thú thật là ở đây tôi thấy thoải mái hơn nhà ở trên bờ nữa. Chứ nói thật với em, gian nan lắm, theo nghề 20 mấy năm rồi, giờ bỏ không đặng”.
Bữa ăn đến gần khuya mới xong. Sóng vồ từng đợt vào mạn xuồng. Khi chìm vào giấc ngủ, tôi vẫn nghe vang vọng tiếng chim, cú kêu quanh nhà; tiếng lá đước, bần lao xao. Thỉnh thoảng có tiếng còi tàu hú như muốn xé tan không gian rừng ngập mặn. Ngày mai, chúng tôi sẽ đến nhà những hộ dân - những thế hệ thứ hai đang trực tiếp giữ rừng (còn tiếp).
Đã 20 năm kể từ khi rừng Cần Giờ được UNESCO là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Đó là thành quả sau rất nhiều nỗ lực của các đội thanh niên xung phong, người dân tiên phong trồng và phục hồi rừng.
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết hiện nay có hơn 34.000 ha rừng. Ban có 7 phân khu (được gộp lại từ 22 tiểu khu trước đó) với 137 hộ dân. Đa số những hộ dân là những cặp vợ chồng, cha truyền con nối. Lương bổng của lực lượng thuộc phân khu thì tính theo hệ số, còn của hộ dân giữ rừng tính trên số ha (1 triệu 156 nghìn/ha/năm).
Ông Hoàn cho biết thêm: “Theo định hướng của TP.HCM thì đây là là khu bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Rừng ngập mặn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong biến đổi khí hậu cũng như là tác động của thiên tai. Thế nên, rừng Cần Giờ được xem là một “bức tường xanh” của TP.HCM. Tất cả những cơn bão là từ Biển Đông đánh vào, gặp rừng là bị chắn lại. Rừng cũng ngăn nước biển dâng từ cửa sông lớn vào, cản sự xâm nhiễm mặn vào bên trong”.