Sống sót dù bị lỗ đen nuốt, 'quái vật' sinh ra 100 'Mặt Trời' mỗi năm
Các nhà khoa học vừa tìm thấy thiên hà đầu tiên sống khỏe dù bị ngấu nghiến bởi một lỗ đen cực mạnh đã hóa quasar.
Bí ẩn về thiên hà có tên CQ4479 với "trái tim chuẩn tinh" đã được Hiệp hội Nghiên cứu Không gian các trường đại học (URSA, Mỹ) giải mã thông qua dữ liệu từ đài thiên văn tối tân SOFIA.
Theo bài công bố trên The Astrophysical Journal, chính giữa thiên hà này không phải một lỗ đen siêu khối đang ngủ yên như lỗ đen của thiên hà Milky Way chứa Trái Đất. Nó là một lỗ đen cực kỳ mạnh mẽ, đang nuốt vật chất để trở thành cái gọi là quasar, tức một dạng "chuẩn tinh" – trông như ngôi sao, nhưng không phải là sao. Để tạo ra vẻ ngoài "bắt chước" các ngôi sao, hạt nhân lỗ đen của quasar nuốt vật chất cực kỳ nhiều và nhanh, tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng liên tục.
Thông thường nếu một thiên hà mắc kẹt vào dạng lỗ đen hóa quasar này, nó sẽ chết dần vì không thể sinh thêm sao được nữa. Nhưng CQ4479 thì ngược lại. Phát biểu trên Phys.org, tiến sĩ Kevin Cooke từ Đại học Kansas ở Lawrence (Mỹ) cho biết thiên hà này hoàn toàn phản bác các lý thuyết thiên văn hiện tại.
Không những không chết, thiên hà này đã hóa thành một "quái vật" mạnh mẽ và hung dữ, đấu tranh sinh tồn và còn tiếp tục sinh ra tới 100 ngôi sao to cỡ Mặt Trời mỗi năm! Theo tiến sĩ Cooke, nếu sự phát triển song song này tiếp tục, cả lỗ đen và thế giới ngập sao quanh nó sẽ phát triển tới kích thước gấp 3 lần trước khi thiên hà kết thúc vòng đời.
Đối chiếu với nhiều dữ liệu khác, các nhà khoa học tin rằng đây mới là diễn tiến thực sự của một thiên hà khi bị lỗ đen nuốt chửng liên tục hàng mảng vật chất. Thay vì chết dần như suy nghĩ trước đây, nó sẽ cố đấu tranh trong một thời gian ngăn. Họ tin rằng như mọi thiên hà xấu số dạng này, CQ4479 sẽ dần đuối sức và chết đi.