Sống sót giữa tâm bão cấp 12

'Sóng biển cao mấy mét, nhấn chìm chúng tôi xuống sâu 2-3m, trồi lên mặt nước, rồi đè xuống tiếp, phải chịu đựng suốt 48 giờ liên tiếp ở giữa Biển Đông. Mấy người chịu không nổi lần lượt buông tay và mất tích. Thuyền trưởng tàu này là anh trai tôi cũng mất tích. Còn 3 người sống sót trở về bờ an toàn, giống như một phép màu tuyệt diệu'.

Đại diện chính quyền thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ký biên bản nhận bàn giao 3 ngư dân bị nạn. Ảnh: Hải Luận

Đại diện chính quyền thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ký biên bản nhận bàn giao 3 ngư dân bị nạn. Ảnh: Hải Luận

Đó là lời kể của ngư dân Võ Văn Hoài, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là em ruột của ngư dân Võ Ngọc Đô, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm trong cơn bão số 9. Hai ngư dân cũng may mắn sống sót là Lê Minh Don, Huỳnh Xuân Phi được tàu Kiểm ngư KN 490 (Chi đội Kiểm ngư số 4) đưa về quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) an toàn vào ngày 3-11.

Tấm ván “cứu mạng”

Sáng ngày 27-10, tàu đánh cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô làm thuyền trưởng, trên đường chạy tránh bão số 9 đã bị sóng lớn nhấn chìm xuống biển. Trong giây phút khẩn cấp sinh tử, 14 ngư dân chụp cầm mọi thứ để cố cứu mạng mình, sóng biển quá lớn đã đánh bay mấy người ra xa. Gần 2 giờ sau, có 8 người trôi lại gần nhau và cùng đu vào tấm ván tàu dài khoảng 5m. “Anh em vẫn bình tĩnh, cột một đầu tấm ván vào bình ga, đầu kia cột vào chiếc phao nổi. 8 người đu người vào đó và cùng nhau giữ cho xuôi về chiều sóng. Sóng cao mấy mét nhấn chìm chúng tôi xuống sâu, ai nấy đều ôm thật chặt tấm ván, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Đêm thứ nhất, có 2 người chịu không nổi đành buông tay. Đến ngày thứ 2, có thêm 2 người chết. 5 giờ ngày 29 -10, người thứ 5 đu ở tấm ván cũng đành buông tay. Phép màu đã đến, 17 giờ ngày 29-10, chiếc tàu hàng nước ngoài chạy qua cứu vớt 3 chúng tôi lên tàu” - Ông Hoài kể trong sự đau buồn tột cùng.

- Trước khi rời tay khỏi tấm ván, mấy người đó có nói gì với các anh không? - Tôi hỏi.

- Mấy ông nói: “Nếu ai còn sống về nhà nhớ đến động viên và nhờ giúp đỡ vợ con họ”. Có người vì quá kiệt sức, họ gọi mẹ, vợ,... giống như mê sảng.

- Thấy đồng đội của mình dần dần ra đi trước mặt như vậy, anh có lo sợ?

- Trên tấm ván “cứu mạng” bứt ra từ thân tàu, tui sống sót lại là nhờ tinh thần tốt, luôn nghĩ mình sẽ sống, phải nỗ lực bám trụ gặp tàu cứu vớt. Nhờ đó tui không bị suy sụp nhanh và không buông tay sớm. Trên mặt, đầu tui còn trùm cả bao ni lông để chống nước đập vào tai, mắt... Sóng đập mạnh quá, bao ni lông cứa vào da giống như vết cắt.

Trước thời điểm tai họa ập xuống, khi nắm được diễn biến của bão số 9, tàu cá BĐ 97469TS chạy về phía Nam để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, do sóng biển quá lớn, tàu chạy không nổi. Phía đầu mũi tàu chở khoảng 12 tấn cá, mũi bị chúi xuống, tàu thả neo dù khá sâu. Khi sóng đến, chiếc tàu không dây lên theo đầu ngọn sóng được, thế là nước biển trùm lên cả chiếc tàu. 14 người trên tàu cố gắng tát nước ra khỏi tàu nhưng tát không nổi, những con sóng phía sau ập tới nhấn chìm tàu. chỉ trong giây lát mọi người lo thoát ra khỏi tàu và bơi xuống biển. Trong tình thế nguy hiểm, ngư dân Lê Minh Don, sinh năm 2000, vẫn giữ bình tĩnh bơi tới và đẩy thêm đồ nổi lớn hơn cho nhóm người cùng đu với thuyền trưởng Đô (cậu ruột của Don). Lúc sau, nhóm của thuyền trưởng Đô bị sóng đánh trôi ra xa Don không nhìn thấy cậu và những người bạn thuyền thân thiết nữa.

Cuộc tìm kiếm lịch sử

Vị trí tàu BĐ 97469 TS bị chìm cách bờ biển Khánh Hòa trên 200 hải lý, nằm trong phạm vi nguy hiểm của bão số 9. Theo cảm nhận của ngư dân, ở vùng biển này có gió bão giật đến cấp 12, nên mới nhấn chìm những chiếc tàu đánh cá trên 500 mã lực.

“Đêm 28-10, sóng biển giảm dần, tôi nhìn thấy một chiếc tàu đánh cá chạy gần chỗ bọn tui đang trôi. Tôi cố kêu và cố bơi về phía tàu cá, nhưng họ không phát hiện được. Sáng 29-10, nghe tiếng máy bay trên trời, bọn tôi ở dưới biển đưa tay lên vẫy, họ cũng không nhìn thấy. Có chiếc tàu chở dầu to lắm, chạy gần, bọn tui cũng vẫy tay trong vô vọng” - Ngư dân Lê Minh Don nhớ như in.

0 giờ ngày 28 -10, Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều động 5 tàu Kiểm ngư xuất kích tìm kiếm các ngư dân bị mất tích trên biển và cả máy bay trực thăng, thủy phi cơ vào cuộc.

Ngư dân bị nạn rời tàu Kiểm ngư KN 490 lên quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Ngư dân bị nạn rời tàu Kiểm ngư KN 490 lên quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Ông Nguyễn Đình Quân, Chỉ huy trưởng lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên thực địa thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 thuật lại: “Mặc dù còn ảnh hưởng của bão số 9, vùng biển Khánh Hòa - Phú Yên có sóng biển cao 3-5m, nhưng tàu Kiểm ngư vẫn quyết tâm ra tận chỗ tàu ngư dân bị chìm tàu. Cùng thời điểm đó, tất cả các tàu chuyển sang thông tin băng tần liên lạc quốc tế. Phía trong, bờ các đài duyên hải liên tục phát thông báo cho tất cả các tàu hàng trong và ngoài nước đi qua khu vực biển có tàu đánh cá bị chìm, quan sát và cứu hộ ngư dân. 17 giờ, ngày 29-10, tàu hàng nước ngoài đi qua đã cứu vớt được 3 ngư dân. Đây là cuộc tìm kiếm ngư dân trên biển mang tính lịch sử”.

Ngư dân Hoài kể thêm chi tiết được cứu vớt: “Chiếc tàu hàng lớn lắm, chạy qua khỏi 3 đứa tui rồi, tưởng họ bỏ mặc bọn tui không cứu vớt. Sau mới vỡ lẽ, tàu dài trên 200 mét nên phải chạy xa mới vòng lại. Các thủy thủ khẩn trương thả dây phao và bao lưới xuống (lưới cẩu hàng) vớt 3 chúng tôi lên tàu. Sau đó, thủy thủ trên tàu lấy chăn phủ ấm ngay và cho chúng tôi uống nước, ăn cháo. Đến khoảng 12 giờ ngày 29-10, tàu Kiểm ngư Việt Nam mới tiếp cận được tàu hàng. Nghe giọng nói tiếng Việt ở ngoài boong tàu, cả 3 chúng tôi mừng rơi nước mắt. Qua tàu Kiểm ngư của nước mình, coi như sống sót an toàn”.

Ngày 27-10, bão số 9 đã đánh chìm 2 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Bình Định, có 23 người đang mất tích. Tàu BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô làm chủ tàu và thuyền trưởng, trên tàu còn có các ngư dân: Huỳnh Long Hoài, Trương Văn Sinh, Phan Văn Tuấn, Nguyễn Văn Hoài, Phan Quốc Y, Bùi Văn Tẹo, Lâm Hoài Tín, Võ Văn Toàn, Lê Chí, Bùi Văn Phương. Còn tàu BĐ 96388 TS do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng, trên tàu còn có các ngư dân: Lý Ngọc Tùng, Phan Thanh Chí, Võ Thanh, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Thanh Sỹ, Đặng Đức Hiểu, Đặng Đức Nghĩa, Nguyễn Chí Khanh, Lê Minh Tân, Phạm Văn Trầm, Võ Khôi Quốc. Tất cả ngư dân thường trú tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/song-sot-giua-tam-bao-cap-12-post435015.html