Sống sót kỳ diệu: Rơi máy bay, một mình giữa đại dương, bé 12 tuổi vẫn thoát nạn
Bakari vẫn tưởng mình bị văng ra ngoài máy bay là do em 'tì đầu vào cửa sổ mạnh quá'.
Người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay năm 2009 ngoài khơi quần đảo Comoros cướp đi sinh mạng của 152 người đã kể lại những phút cuối cùng trước khi máy bay đâm xuống biển trước một tòa án ở Paris.
Rơi xuống biển trong đêm tối
Bahia Bakari, năm nay 25 tuổi, nhớ lại thử thách khủng khiếp mà cô phải đối mặt khi còn là một cô bé 12 tuổi. Đêm ấy, chuyến bay có vẻ êm ả cho đến lúc gần hạ cánh. “Đột nhiên tôi cảm thấy một cú điện giật khiến toàn thân tê liệt và cả cơ thể bay lên. Tôi không có cơ hội để phản ứng".
Cô chỉ trích hãng hàng không Yemen Airways, hiện nay được gọi là Yemenia, vì đã không cử đại diện đến phiên tòa. “Tôi muốn họ lắng nghe chúng tôi, lắng nghe tôi, để cảm thấy mình được tôn trọng", cô nói. Bakari nhớ lại việc cô đã tỉnh lại như thế nào dưới biển, nơi cô bám vào một mảnh vỡ. “Tôi kêu cứu nhưng không thấy ai đáp lại. Lúc đó tôi hoàn toàn đơn độc", Bakari nhớ lại. Cô bé 12 tuổi đã trải qua 10 giờ trên biển trước khi được giải cứu.
Cô bé hy vọng rằng mẹ cô, người đi cùng chuyến bay, cũng sống sót, để rồi khi đã được đưa vào bệnh viện, cô mới biết là mẹ mình đã ra đi mãi mãi. Cuộc sống với ba đứa em khi mẹ đã mất thật không dễ dàng. Bakari nói: “Tôi biết các em mình cần mẹ nhưng tôi không thể thay thế mẹ”.
Một số người thân của những nạn nhân vụ tai nạn đã rời phiên tòa với sự xúc động thấy rõ. Trong hai tuần, tòa án đã xem xét liệu nhà điều hành bay của Yemenia có phải chịu trách nhiệm về tội ngộ sát và gây thương tích không chủ ý hay không.
Các nạn nhân - 65 người trong số này là người Pháp - đã khởi hành từ Paris hoặc Marseilles trước khi hạ cánh xuống thủ đô Sanaa của Yemen để thực hiện chuyến bay nối chuyến tới Comoros, một quần đảo ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi. Ngay trước khi hạ cánh xuống thủ đô Moroni, chiếc máy bay Airbus đã lao xuống Ấn Độ Dương trong điều kiện thời tiết xấu.
Cơ quan an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) xác định rằng sai lầm của phi công đã gây ra vụ tai nạn. Một câu hỏi đặt ra là liệu anh ta đã được đào tạo đầy đủ hay do đường băng đã bị chiếu sáng sai cách. Kết luận cuối cùng được đưa ra là các phi công đã thao tác sai dẫn đến việc máy bay bị thất tốc và rơi. Phi công cũng bị cho là đã không phản ứng đầy đủ trước các cảnh báo do hệ thống máy tính của máy bay phát đi.
Bakari, người tự mô tả mình là “một người Comoros kiêu hãnh", đứng cùng với hơn 250 nguyên đơn, hầu hết đến từ Comoros, trong phòng xử án chật kín người.
Phiên tòa được truyền hình trực tiếp tại một phòng xử án ở Marseille, quê hương của nhiều nạn nhân vụ tai nạn. Bakari và mẹ rời Paris vào ngày 29/6/2009 để dự đám cưới của ông nội cô ở Comoros, đổi máy bay ở thủ đô Sanaa của Yemen để bay đến Comoros.
“Đó là một chiếc máy bay nhỏ hơn, có ruồi bên trong và bốc mùi nồng nặc như mùi phòng tắm", cô nói, nhưng “chuyến bay vẫn diễn ra bình thường”, cho đến khi máy bay bắt đầu hạ cánh. Trong quá trình tiếp cận đường băng vào ban đêm của chuyến bay Yemenia 626 đến Moroni, thủ đô của quần đảo Comoros, nằm giữa Mozambique và Madagascar, chiếc Airbus A310 đã lao xuống Ấn Độ Dương với động cơ đang hoạt động hết công suất.
Một mình giữa đại dương
Cô bé 12 tuổi bắn ra ra khỏi máy bay khi nó rơi và thấy mình trôi nổi giữa các mảnh vỡ. Bakari cho biết khi ấy cô không có áo phao và chỉ có kỹ năng bơi lội rất hạn chế, nhưng đã cố gắng bám được vào một mảnh vỡ máy bay. Một đêm trôi qua trước khi cô bé được giải cứu. Bakari sau này kể rằng ban đầu hẳn phải có những người sống sót khác, vì em có thể nghe thấy tiếng của họ sau vụ va chạm nhưng sau đó không còn nghe thấy tiếng người nữa. Sáng hôm sau, Bakari nhận ra em đang một mình trên biển, đã trôi dạt hàng giờ mà không có thức ăn và nước uống. Em đã nhìn thấy một con tàu ở phía chân trời. Nhưng nó quá xa, khó mà phát hiện được Bakari.
Vì chính phủ Comoros không có tàu riêng, họ đã yêu cầu tất cả các tàu thương mại và tư nhân giúp đỡ trong nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. Vào lúc 11h giờ địa phương, khoảng 9 giờ sau vụ tai nạn, Sima Com 2 — một con tàu thuộc sở hữu tư nhân thường chở hành khách qua lại giữa Comoros và hòn đảo lân cận Madagascar — đã đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn và phát hiện ra Bakari, người sống sót duy nhất trong đống đổ nát trôi nổi.
Ngay khi nhìn thấy Bakari, một thành viên của đội cứu hộ đã ném cho cô một chiếc phao cứu sinh, nhưng cô bé đã quá kiệt sức, không thể với tới phao. Trong khi đó, biển đang có sóng lớn. Rất có thể cô bé sẽ bị nước cuốn đi ngay trước mắt những người cứu hộ. Khi đó, một thủy thủ tên là Maturaffi Sélémane Libounah đã nhảy xuống nước, đưa cho cô bé một thiết bị nổi, sau đó cả hai được kéo lên tàu Sima Com 2 một cách an toàn. Cô bé được phát chăn khô và đồ uống nóng.
Ibrahim Abdallah, một thủy thủ khác trên tàu Sima Com 2, nhớ lại khoảnh khắc đầy nguy hiểm, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc: “Khi cô bé nhìn thấy chúng tôi đến gần, em buông mảnh vỡ mà mình đã dùng làm phao cứu sinh. Đột nhiên, một con sóng lớn lật cô bé lên và nhấn chìm, cho đến khi em trồi lên vài phút sau đó. Chính vào lúc này, Maturaffi đã nhảy xuống nước để cứu cô bé”.
Con tàu cập cảng Moroni lúc 19h25 giờ địa phương, nơi Bakari được bàn giao cho cơ quan y tế và đưa đến bệnh viện.
Ngày hôm sau, Bakari được đưa trở lại Paris trên một chiếc chuyên cơ phản lực Falcon-900 của chính phủ Pháp, đi cùng là Bộ trưởng Hợp tác Alain Joyandet, người gọi sự sống sót của cô bé là "một phép màu thực sự".
Khi về Paris, cô bé đoàn tụ với cha mình và các thành viên khác trong gia đình, rồi được đưa đến bệnh viện nhi Armand-Trousseau ở phía đông Paris. Các bác sỹ nói cô bé bị gãy xương chậu và xương đòn, bỏng ở đầu gối, chịu nhiều vết cắt, bầm tím và kiệt sức. Một trong những vị khách đầu tiên của cô bé trong bệnh viện là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngay sau đó, cô bé được thông báo về cái chết của mẹ mình. Ba tuần sau, Bakari được xuất viện sau khi trải qua quá trình điều trị và phẫu thuật.
Trong một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức tại Comoros, Tổng thống Ahmed Abdallah Mohamed Sambi đã tuyên bố một tháng quốc tang và vinh danh Maturaffi Sélémane Libounah, thủy thủ đã cứu Bahia Bakari, nói với ông rằng: "Bạn đã cứu mạng người khác trước nguy cơ đánh mất mạng mình”.
Tháng 1/2010, Bakari đã kể lại biến cố đời mình trong một cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp, "Moi Bahia, la miraculeé" (Tôi là Bahia, cô gái kỳ diệu). Trong cuốn sách, Bakari cung cấp chi tiết về việc cô đã sống sót và được giải cứu ra sao. Cô tiết lộ rằng ngay sau khi máy bay rơi xuống biến, cô bé, khi ấy 12 tuổi, nghĩ rằng mình đã rơi khỏi máy bay do tì trán quá mạnh vào cửa sổ, và mẹ cô bé - người mà Bakari tin rằng đã hạ cánh an toàn xuống sân bay mà không có cô - sẽ mắng cô vì đã không thắt dây an toàn.
Sau đó, trôi nổi cùng các mảnh vỡ giữa một vũng xăng máy bay trào ra từ các thùng nhiên liệu bị vỡ, cô nhớ lại mình đã cảm thấy mùi xăng trong miệng, trộn lẫn với muối, làm bỏng cổ họng, phổi và dạ dày...
Bakari viết cô chỉ nhận ra rằng máy bay đã bị rơi và cô là người sống sót duy nhất khi ở trong bệnh viện, cho đến lúc đó cô bé 12 tuổi vẫn tin rằng mình chỉ đơn giản là rơi xuống biển Có tin nói rằng đạo diễn lừng danh của Hollywood Steven Spielberg đã tiếp cận Bakari để đề nghị làm một bộ phim dựa trên cuốn sách của cô, nhưng Bakari đã từ chối.