Sông Thames - Từ 'dòng sông chết' đến 'sạch nhất thế giới'
Có một sự thật ngạc nhiên khi dòng sông Thames được coi là một trong những con sông sạch nhất trên thế giới chảy qua một thành phố.
Dòng sông Thames được coi là một trong những con sông sạch nhất thế giới chảy qua một thành phố. Một điều đáng ngạc nhiên là nơi đây đã đạt đến trạng thái ‘sạch’ chỉ 60 năm sau khi được các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London tuyên bố ‘đã chết về mặt sinh học’. Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi đáng kể này, dòng sông Thames vẫn đang phải đối mặt với các mối đe dọa mới ngày càng gia tăng từ ô nhiễm, rác thải nhựa và sự gia tăng dân số.
Sông Thames chạy dài gần 400 km từ làng Kemble ở hạt Gloucestershire đến thành phố Southend-on-Sea ở vùng Essex, nơi dòng chảy đổ ra Biển Bắc. Tại dòng sông nơi chia đôi thủ đô phồn hoa London, Thames đã phải đựng những chịu áp lực từ số lượng cư dân khổng lồ của thành phố kể từ thời trung cổ.
Con sông đã ‘bất đắc dĩ’ trở thành một nhà kho chứa chất thải, với các bể chứa bị rò rỉ và rác thải đổ xuống làm tắc nhiều nhánh của chất thải chảy đến các cống. Nhiều trong số những con sông nhỏ này hiện nằm bên dưới các đường phố của thủ đô London, đã được che đậy từ rất lâu để giấu đi mùi hôi của chúng. Nhánh sông Fleet, chạy từ thị trấn Hampstead và chảy vào sông Thames tại vùng Blackfriars, có lẽ được biết đến nhiều nhất.
Trở lại mùa hè nóng nực năm 1858, thời điểm từng được coi là thời kỳ ‘Đại hôi thối’ ở sông Thames khi lượng chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt con người thực sự đã đẩy cư dân rời khỏi thủ đô London.
Kỹ sư xây dựng Sir Joseph Bazelgette đã được giao nhiệm vụ xây dựng một mạng lưới thoát nước thải để cản thiện vấn đề, và hệ thống này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Sau đó là hơn một thế kỷ cải tiến mạng lưới, bao gồm việc nâng cấp các công trình xử lý nước thải và lắp đặt các nhà vệ sinh hộ gia đình được liên kết với hệ thống.
Các vụ đánh bom khắp thành phố trong Chiến tranh thế giới thứ II đã phá hủy nhiều phần của mạng lưới, cho phép nguồn nước thải thô trực tiếp chảy trở lại vào dòng sông. Hơn nữa, khi sông Thames mở rộng nhánh và chảy chậm qua trung tâm thủ đô London, các hạt phù sa mịn từ các nhánh sẽ lắng xuống lòng sông. Chúng đã và vẫn còn bị ô nhiễm nặng với các kim loại nặng từ đường xá và công nghiệp, tạo ra một môi trường nước độc hại.
Để hầu hết các loài cá có thể phát triển mạnh, nguồn nước sinh sống phải chứa ít nhất 4-5 miligam oxy hòa tan mỗi lít. Các phép đo được thực hiện trong những năm 1950 đã cho thấy mức oxy hòa tan (DO) trong sông Thames chỉ ở mức bão hòa 5%: tương đương mức thô là 0,5 mg / lít. Điều này đồng nghĩa với việc, sông Thames chỉ có thể nuôi sống một số loài động vật không xương sống dưới nước như muỗi vằn và ấu trùng ruồi.
Đối với 32 km sông Thames chạy qua trung tâm thủ đô London, mức DO thậm chí không thể đo được. Và từ Kew đến Gravesend, một khúc sông dài 69 km, không có bất cứ loài cá nào được ghi nhận trong những năm 1950. Các cuộc khảo sát vào năm 1957 cho thấy dòng sông này không thể duy trì sự sống, và sông Thames cuối cùng đã được tuyên bố ‘chết về mặt sinh học’.
Thay đổi số phận
Với nỗ lực đáng kể từ các nhà hoạch định chính sách, số phận của dòng sông đã bắt đầu thay đổi. Từ năm 1976, tất cả nguồn nước thải chảy vào sông Thames đều được xử lý, và luật pháp từ năm 1961 đến 1995 đã giúp Anh nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nước.
Việc tư nhân hóa các công ty cấp nước dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher cũng đã chứng kiến sự thành lập của Cơ quan bảo vệ sông ngòi quốc gia vào năm 1989, cũng như việc áp dụng giám sát sinh vật.
Đây là một hệ thống thông minh đo độ ô nhiễm bằng cách đếm các động vật không xương sống, chẳng hạn như chuồn chuồn, ốc sên hoặc bọ nước, có thể được tìm thấy trong lòng sông, sau đó sẽ cho điểm từng loài tùy theo khả năng chịu đựng của chúng với mức DO thấp. Điểm tổng thể thấp đồng nghĩa dòng sông không có khả năng nuôi sống các sinh vật cần oxy, do đó sẽ bị đánh giá là kém khỏe mạnh.
Do đó, một trong những bước ngoặt chính đối với dòng sông Thames chính là việc lắp đặt các máy tạo oxy lớn, hay còn gọi là ‘máy tạo bọt’, để tăng nồng độ DO. Cơ quan quản lý nước sông Thames đã phát triển một thiết bị tạo oxy nguyên mẫu dựa trên một sà lan trên sông vào đầu những năm 1980.
Con tàu này được thay thế bằng tàu ‘Thames Bubbler’ tự cung cấp năng lượng vào năm 1988, và tàu thứ ba được hạ thủy vào năm 1999. Cùng nhau, chúng chịu trách nhiệm duy trì oxy ở mức đủ để hỗ trợ các quần thể cá đang phát triển.
Cá bơn chính thức là loài cá đầu tiên quay trở lại sông Thames vào năm 1967, tiếp theo là 19 loài cá nước ngọt và 92 loài sinh vật biển như cá vược và cá chình vào cửa sông và hạ lưu sông Thames. Sự trở lại của cá hồi trong những năm 1980 là một dấu ấn đáng kinh ngạc đối với các nhà bảo tồn, và ngày nay có khoảng 125 loài cá thường xuyên được ghi nhận, với những loài kỳ lạ như cá ngựa thậm chí đôi khi được nhìn thấy.
Nhìn bề ngoài, sự phục hồi này là rất đáng kể. Nhưng vẫn còn những vấn đề sâu xa hơn chưa được giải quyết liên quan đến trầm tích ô nhiễm tại dòng sông. Mặc dù cuộc suy thoái của những năm 1990 đã chứng kiến sự mất mát của nhiều ngành công nghiệp đã bơm chất thải vào sông Thames, nhưng mức độ ô nhiễm nước vẫn chưa giảm nhiều kể từ thời điểm đó. Ví dụ, kim loại nặng có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ với các hạt đất sét ở lòng sông, gây hại hoặc giết chết các sinh vật tiêu thụ chúng.
Phần lớn các động vật không xương sống không thể tồn tại hoặc sinh sản trong một môi trường độc hại như vậy, chỉ còn lại đỉa và ấu trùng ruồi thống trị hệ động vật của dòng sông. Các chất gây ô nhiễm nguy hiểm khác đến từ vi nhựa và các loại thuốc hòa tan trong nước như Metformin, chất mà các công trình xử lý nước thải không thể lọc ra. Tác động của các loại thuốc này đối với đời sống thủy sinh vẫn chưa được biết rõ.
Hiện tại, một ‘siêu cống’ mới dài 25 km đang được xây dựng ở thủ đô London để giải quyết lượng chất thải ngày một tăng lên này. Mặc dù dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, nhưng chỉ riêng nó sẽ không đủ. Vương quốc Anh sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng thoát nước mới trên toàn thành phố để tránh thiệt hại do các đợt bão ngày càng thường xuyên, nếu muốn tránh làm tổn hại đến tình trạng ‘khỏe mạnh’ khó kiếm được từ con sông mang tính biểu tượng của thủ đô London.