Sống thấp thỏm bên điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật
Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở địa bàn huyện Đức Thọ và một số địa phương khác ở tỉnh Hà Tĩnh thấp thỏm khi sinh sống gần điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) cũ.
Điểm tồn lưu hóa chất BVTV cũ tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn thôn Trẫm Bàng và Long Sơn (xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) được xây dựng khoảng từ năm 1977, nằm cách khu dân cư khoảng 150-200m có diện tích hơn 250m2. Nơi đây từng lưu trữ nhiều loại thuốc trừ sâu có độc tính cao dùng trong nông nghiệp, như DDT, 666…
Theo quan sát, hiện nay, tại đây vẫn còn lộ rõ một bãi đất trống khá rộng, nền đất cao và có khe nước cạn gần đó, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, trên bề mặt được trồng một số loại cây đã nhiều năm nhưng còi cọc, chậm phát triển.
Dẫn chúng tôi ra điểm tồn lưu hóa chất BVTV gần phía sau nhà, bà Nguyễn Thị Dương (64 tuổi, ở thôn Long Sơn) cho biết, hàng chục năm nay, mặc dù đã hoang hóa nhưng chỉ cần đào nhẹ lớp đất phía trên tại khu vực điểm tồn lưu hóa chất BVTV này lên là có mùi hôi thối thuốc trừ sâu.
Theo bà Dương, do khoảng cách từ địa điểm tồn lưu đến khu dân cư khá gần nên nước giếng đào, giếng khoan của gia đình không sử dụng phục vụ ăn uống được mà chủ yếu là để rửa. Có thời điểm nước giếng bốc mùi hôi thuốc trừ sâu, múc nước giếng đun lên có lớp màng màu đen. Để đảm bảo sức khỏe, gia đình thường xuyên phải đi chở nước từ nơi khác về sử dụng ăn uống. Khi thời tiết thay đổi, mưa xuống, nắng nóng, nhiệt độ cao, gió to, nhất là tháng 7 và tháng 8 hàng năm là mùi hôi thuốc trừ sâu từ dưới đất bốc lên, tỏa ra khu vực rồng nặc, rất khó chịu.
“Chúng tôi rất ít khi ra đây, vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều năm nay cũng đã có một số đoàn về đây tiến hành kiểm tra, đo đạc, khảo sát nhưng không thấy họ thông báo kết quả hay xử lý gì cả. Sống ở đây rất bất an, lo lắng ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, nhất là đối với trẻ nhỏ, mặc dù muốn di dời đến nơi khác ở nhưng gia đình không có kinh phí để mua đất, làm nhà... Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm điểm tồn lưu hóa chất BVTV này, đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cho người dân...”, bà Dương chia sẻ.
Tương tự, trên địa bàn huyện Đức Thọ cũng có điểm tồn lưu hóa chất BVTV cũ tại thôn Trung Nam (xã Lâm Trung Thủy), xây dựng từ năm 1975 và tại thôn 1 (xã Tân Hương), xây dựng từ năm 1970-1985 chưa được xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị; chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có tờ trình kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm điểm tồn lưu hóa chất BVTV cũ này nhưng vẫn chưa có kết quả. Địa phương mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục về kiểm tra, có phương án xử lý để trả lời cho người dân biết, yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất lâu dài.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Đức Thọ, nhiều năm qua đã có đoàn của cơ quan chức năng về kiểm tra tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV cũ trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Các địa phương và huyện Đức Thọ cũng đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng xử lý để giúp bà con nhân dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phòng Môi trường (thuộc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Hà Tĩnh có 11 điểm tồn lưu hóa chất BVTV nằm trong danh mục xử lý. Thời gian qua, Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, đã có 6/11 điểm tồn lưu đã được xử lý, 5 điểm còn lại chưa hoàn thành xử lý. Ngoài ra, kết quả rà soát trên địa bàn cũng đang có thêm 18 điểm ô nhiễm mới phát sinh không thuộc Quyết định 1946. Sở TN-MT đã có văn bản báo cáo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đề nghị bổ sung vào danh mục để ưu tiên xử lý giai đoạn 2022-2025.
Phòng Môi trường (thuộc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho biết, hiện nay, do khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Trung ương và kinh phí đối ứng của địa phương, ngoài ra một số điểm tồn lưu mới phát hiện sau này không nằm trong danh mục theo Quyết định 1946 nên chưa được bố trí kinh phí xử lý. Việc chưa hoàn thành xử lý đã có ảnh hưởng nhất định đến các đối tượng xung quanh như: có mùi hôi khi thay đổi thời tiết, tâm lý của người dân xung quanh...