Sống thấp thỏm bên lòng hồ Yên Mỹ

Để nâng cốt nước lòng hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) từ cao trình (+18.5m) lên cao (+20.36m), có hàng trăm hộ dân buộc phải ổn định lại chỗ ở hoặc phải thực hiện tái định cư nơi ở mới. Thế nhưng, đến nay gần 6 năm triển khai nhiều hộ dân vẫn đang trong tình cảnh 'đi không được, ở không xong', cuộc sống nơi đây vốn khó khăn lại càng bi đát hơn...

Theo phương án phê duyệt ban đầu tại Quyết định số 4515/QĐ-UBND, ngày 24/11/2017, của UBND tỉnh Thanh Hóa “Về phê duyệt dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình trình (+18.5)m đến (+20.36)m”; tổng mức đầu tư gần 291 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là ổn định đời sống và sản xuất các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi tích nước hồ Yên Mỹ cao trình từ (+18.5)m đến (+20.36)m; đảm bảo các hộ dân sau khi tái định cư có cuộc sống ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế xã hội, ổn định, an ninh trật tự và môi trường.

Nhiều hộ dân chờ đợi quá lâu đã bỏ lại nhà cửa, vườn tược (chưa đền bù) để di chuyển đến nơi ở mới.

Nhiều hộ dân chờ đợi quá lâu đã bỏ lại nhà cửa, vườn tược (chưa đền bù) để di chuyển đến nơi ở mới.

Theo phê duyệt, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng dự án là 922 hộ thuộc các thôn Tây Sơn, Bình Sơn, Bắc Sơn của xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); thôn Trung Phú, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống; thôn Đồng Dẻ (nay là thôn Hợp Nhất) xã Thanh Tân; các thôn Khe Cát, Đồng Hầm, Kỳ Thượng, Bái Sơn của xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh. Trong đó, 887 hộ dân đang sinh sống trên cao trình (+20.36)m ổn định tại chỗ, được nhà nước hỗ trợ để ổn định cuộc sống; 35 hộ thuộc các xã (Thanh Tân, Thanh Kỳ, Phú Sơn, Yên Mỹ) thực hiện tái định cư xen ghép. Thời gian thực hiện dự án 4 năm (từ năm 2017 - 2021). Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã bước sang quý IV/2023, nhưng việc thực hiện tái định cư cho người dân ở vùng lòng hồ Yên Mỹ vẫn đang còn dang dở... Mới đây, chúng tôi tìm về thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, con đường dẫn vào thôn bao phủ bởi cây cỏ um tùm, sỏi đá lổn nhổn, dọc đường đi là những ngôi nhà của người dân bỏ lại trông hoang tàn, xập xệ, đổ nát...

Bà Lê Thị Hưng (thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân) sống ở khu vực lòng hồ hơn nửa đời người, cuộc sống khốn khó quanh năm lộ rõ trên khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy khô. Bà Hưng cho hay, hiện gia đình bà có 9 nhân khẩu, phải chen chúc trong ngôi nhà tồi tàn, rách nát, trong nhà không có đồ vật gì giá trị, ngồi trong nhà có thể nhìn xuyên qua bầu trời...

Bà Hưng nói: “Ở cái tuổi gần đất xa trời mà cuộc sống không mấy khi được bình yên, năm nào cũng chạy bão, chạy mưa, chạy lụt như cơm bữa, cứ 2-3 ngày mưa to là lại bị ngập, gia súc, gia cầm vừa chăm nuôi chưa kịp bán, hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị lụt lội cuốn trôi hết. Mỗi lần nước lũ về không kịp trở tay, có thời điểm tầm 2-3h sáng phải thức dậy dọn nhà, nếu không chỉ cần vài tiếng đồng hồ là mọi thứ đều ngập chìm trong nước... Những ngày đó gia đình phải kéo nhau đi ăn nhờ, ở đậu nhà người quen hoặc được chính quyền bố trí ở tạm nhà văn hóa thôn. Từ năm 2017, người của dự án đã về đây kiểm kê tài sản, hoa màu để đền bù, di dời tái định cư, nhưng rồi để đó cho đến nay”, bà Hưng chua xót nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, cho biết: Dự án cải tạo lòng hồ Yên Mỹ tại xã Thanh Tân có 133 hộ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích đất hơn 57ha phải thu hồi, trong đó có 15 hộ phải di dời toàn bộ nhà ở. Dự án đã tiến hành rà soát kiểm kê gần 6 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Các hộ dân đang chờ mong tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nhiều hộ không chờ đợi được đành tự vay mượn di dời lên vùng cao sinh sống. Hiện tại, trên địa bàn xã còn 2 hộ dân ở dưới cốt nước, 5 hộ ở đường ngang Nghi Sơn – Bãi Trành. Dự án treo lâu như thế này ảnh hưởng đến công tác sản xuất của các hộ dân, mùa mưa bão nước sẽ dâng lên, đối với một số nhà nước ngập đến 1-2m.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho hay, dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ cao trình (+18.50)m đến cao trình (20.36)m gặp khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, sau hơn 5 năm triển khai đơn giá bồi thường về đất, tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa màu đã bị thay đổi nhiều so với thời điểm lập dự án (tăng khoảng 3 lần). Tuy nhiên, hợp phần bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa được bố trí đủ kinh phí để thực hiện, do vậy hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân vùng dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Dự án cải tạo lòng hồ Yên Mỹ được tiến hành 2003, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, cao trình dưới (18.50)m. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt cho thị xã Nghi Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án nâng cấp dung tích chứa nước hồ Yên Mỹ từ (+18.50)m lên cao trình (+20.36)m (thêm gần 2m nước, tương ứng khoảng 20 triệu m3 nước).

Để giải quyết dứt điểm những tồn tại xung quanh dự án nói trên, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có công văn số: 4267/SNN&PTNT-PTNT về việc thực hiện “Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50)m đến cao trình (+20.36)m” gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo văn bản trên nêu, hiện tại có 797 hộ dân và 8 tổ chức bị ảnh hưởng của dự án.

Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, đất ở đã có đơn đề nghị bố trí tái định cư xen ghép: 51 hộ (huyện Như Thanh: 22 hộ dân; thị xã Nghi Sơn: 29 hộ dân); số hộ bị ảnh hưởng đất ở, đất sản xuất là 240 hộ; số hộ chỉ bị ảnh hưởng đất sản xuất là 506 hộ. Tổng diện tích bị ảnh hưởng của dự án là 294,92 ha. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án là: 975,55 tỷ đồng.

Hiện nay, vốn đã bố trí cho dự án là: 125 tỷ đồng. Trong đó: 100 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn và 25 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Để tiếp tục thực hiện dự án, Sở NN&PTNT kính đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền là 850,55 tỷ đồng. Mặt khác, để thuận tiện trong công tác quản lý, triển khai thực hiện, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã: Như Thanh, Nông Cống, Nghi Sơn làm chủ đầu tư.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/song-thap-thom-ben-long-ho-yen-my-i706639/