Chung cư Vĩnh Hội nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào tại trung tâm quận 4. Chung cư này xây trên mảnh đất có diện tích gần 4.000 m2, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân sinh sống, xếp loại nguy hiểm cấp D.
Cầu thang bên trong nứt vỡ, nhiều mảng bê tông đã tróc xuống, để lộ phần cốt thép hoen gỉ. Chung cư Vĩnh Hội được xây dựng từ trước năm 1975 với quy mô 4 tầng.
Khoảng giữa các lô chung cư là rác thải chất đống. Khu vực này cũng gây mùi khó chịu cho người dân mỗi khi đi qua các hành lang chung cư.
Bà Đỗ Thị Xuân Thanh đã sinh sống tại chung cư Vĩnh Hội từ năm 1968. Bà Thanh cho biết rất lo sợ mỗi khi đi ngoài hành lang, đã có trường hợp những mảng tường mục nát từ trên rơi xuống. Tuy vậy, bà Thanh vẫn mong muốn sau khi xây dự án mới xong, bà sẽ được ưu tiên mua lại nhà tại vị trí chung cư Vĩnh Hội hiện tại.
Cảnh xuống cấp nghiêm trọng tại chung cư Vĩnh Hội. Những trụ chịu lực đã nứt vỡ, sàn nhà bong tróc, hệ thống cứu hỏa hỏng... Nguy hiểm hơn, một số vị trí lan can gãy hoàn toàn, không còn điểm bám, người dân phải dùng dây thép cố định lại.
Các hình ảnh về phối cảnh mới, phương án kiến trúc được các nhà đầu tư dán tại lối đi trong chung cư. Sau khi chung cư Vĩnh Hội được tháo dỡ, dự án mới sẽ xây trên vị trí cũ.
Phía dưới chung cư là khu chợ họp hàng ngày. Rau củ, thực phẩm hỏng chất đống, bốc mùi khó chịu. Đặc biệt, tại một số cầu thang, thùng rác chất đầy nằm cạnh lối lên.
Nằm ở nút giao giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Châu Văn Liêm (phường 11, quận 5), chung cư 440 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ trước năm 1975 có kết cấu gồm 3 tầng cùng sân thượng.
Đây là nơi sinh sống của khoảng hơn 30 hộ dân. Kết quả kiểm định cho thấy khả năng chịu lực của kết cấu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có thể bị sụt lún. Đây cũng là một trong những chung cư bị xếp hạng D của TP.HCM.
Bên trong căn hộ rộng khoảng 15 m2 của bà Nguyễn Thị Cúc. Bà Cúc cho biết đã sống tại đây hơn 40 năm, chứng kiến rõ quá trình xuống cấp của chung cư 440 Trần Hưng Đạo. "Trong nhà phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới có thể ở được, tuy nhiên một vài chỗ vẫn bị dột khi trời mưa", bà Cúc nói.
Một số hộ dân tại chung cư 440 cho biết đa phần mọi người tại đây đều sống 2-3 thế hệ, nơi làm việc, trường học đều khá gần nên nếu chuyển đi sẽ gây bất tiện. Ngoài ra, người dân muốn phương án đền bù phải có số tiền cụ thể về giá trị căn nhà hiện tại và căn hộ tái định cư.
Chung cư Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) được xây dựng từ những năm 1960. Các lô chung cư tại đây đều đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất cảnh quan đô thị. Năm 2016, hai lô IV và VI đã được UBND quận Bình Thạnh hoàn thiện tháo dỡ.
Những hình ảnh nứt vỡ, xuống cấp chung cư Thanh Đa.
Hành lang bên trong lô II khá tối vì không có đèn điện, các hộ dân phải tự lắp đèn phía trước cửa nhà. Đường ống nước, dây diện cũng chạy dọc dưới trần hành lang.
Rất nhiều hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ vẫn chờ đợi một phương án đền bù rõ ràng, bố trí tạm cư phù hợp. "Tôi sống ở đây hơn 30 năm, căn nhà này là tài sản của một đời người nên tôi muốn một mức đền bù hợp lý để cả gia đình có thể tiếp tục cuộc sống bình thường", chị Lâm Thị Tuyết Nga, cư dân sinh sống tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo, chia sẻ.
Cuộc sống bên trong chung cư hơn 50 năm tuổi ở TP.HCM Chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) được xây dựng từ năm 1968. Nơi đây có 11 lô nhà với hơn 1.000 hộ sinh sống.
Duy Hiệu