Sống thấp thỏm trong vùng 'rốn ngập'
Trong khi chờ giải pháp chống ngập từ chính quyền thì người dân phải tự xoay xở tìm cách ứng phó tình trạng ngập nước với sự lo lắng, bất an
Cuối ngày, anh Nguyễn Tấn Lâm (tiểu thương chợ Thủ Đức) vừa dọn dẹp hàng hóa vừa ngước nhìn xem đám mây đen trên bầu trời. Đây cũng là thói quen của anh nhiều năm qua.
Tìm đủ cách chống ngập
"Chiều nay trời âm u, thấy đám mây đen mà lòng bất an. Tôi phải dự đoán xem trời có khả năng mưa không để còn kê hàng lên cao, lắp đặt các tấm chắn trước cửa rồi mới yên tâm ra về. Nếu không thì khi mưa xuống, nước ngập tràn vào trong cửa hàng sẽ làm hư hết hàng hóa" - anh Lâm cho biết.
Buôn bán tại chợ Thủ Đức hàng chục năm nay, anh Lâm nói đã quá quen với chuyện cứ mưa là ngập ở đây. Sau nhiều lần bị nước tràn vào cửa hàng, anh Lâm rút kinh nghiệm và lên phương án ứng phó sẵn mỗi khi trời mưa. Theo anh Lâm, mỗi khi trời mưa lớn là vợ chồng anh và nhân viên nhanh tay chặn các tấm tôn ở ngay cửa, hàng hóa thì kê lên cao và kéo sập cửa cuốn xuống nhằm ngăn không cho nước tràn vào. "Làm vậy nhưng cũng chỉ ngăn một phần nào thôi, nước vẫn tràn vào bên trong. Hết mưa thì phải dọn dẹp lại, rất vất vả" - anh Lâm nói.
Tương tự, tại chợ Tăng Nhơn Phú A (TP Thủ Đức), mỗi lần trời mưa xuống là các tiểu thương phải ngưng bán, lo dọn dẹp hàng hóa, bởi sau lưng chợ là đường Lã Xuân Oai - được xem là rốn ngập của khu vực này.
"Mỗi khi mưa xuống thì việc đầu tiên là phải gọi chồng về để phụ dọn hàng. Các tấm tôn lắp vào đường ray để ngăn nước tràn vào nhà. Máy bơm cũng nhanh chóng được khởi động để bơm nước từ bên trong nhà ra ngoài" - chị Như Anh (ngụ đường Lã Xuân Oai) kể. Sống tại vùng ngập nên chị Anh phải chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó, khi mưa xuống là triển khai thực hiện.
Cách nhà chị Anh không xa, gia đình ông Minh Trí (ngụ đường Lã Xuân Oai) cũng là nạn nhân của những trận ngập và thiệt hại nặng nề do hàng hóa hư hỏng. Ngoài việc dùng tấm tôn để ngăn trước cửa, ông còn cho xây thềm nền nhà cao hơn để ngăn nước tràn vào nhà.
Rời TP Thủ Đức, chúng tôi đến nhiều con hẻm trên đường Chu Văn An, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh). Trò chuyện, chị Phạm Đỗ Hương Thùy (36 tuổi) nói chuyện ngập là nỗi khổ của người dân, nhưng lâu dần rồi cũng quen. "Hôm nào mưa lớn là gia đình tôi phải qua nhà mẹ ở vì không còn chỗ ngủ, ngoài đường nước chảy như thác rồi ập vào nhà. Cực nhất là trời mưa vào tối khuya, có lúc phải thức cả đêm để tát nước nếu không sẽ ướt hết đồ đạc" - chị Thùy chia sẻ.
Sống ở hẻm 65, đường Nguyễn Thị Căn (quận 12), bà Trần Thị Đào cũng kể hôm nào trở về nhà lúc trời mưa thì đành đứng đợi ngoài hẻm, chờ nước rút để vào nhà, còn cố vượt nước thì chắc chắn xe chết máy. "Hẻm này mà ngập thì gần hết bánh xe máy, tình trạng ngập mỗi ngày càng nặng hơn nên người dân đã chủ động nâng nền nhà với hy vọng tránh ngập nhưng cũng không cải thiện là bao" - bà Đào than.
Ngập cũng chẳng "buông" các con đường kế cận như Tân Thới Hiệp 6, Tân Thới Hiệp 21, Nguyễn Văn Quá… (quận 12). Theo người dân, tình trạng miệng cống bị rác bịt kín hay công trình xây dựng chưa tính đến sự quá tải trong thoát nước nên những con đường đã trở thành sông.
Cần thêm nhiều công trình chống ngập
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, phân tích ngập là câu chuyện không mới, trước đây đã ngập và càng ngày càng tăng. Nguyên nhân khách quan là tình trạng nước biển dâng, triều cường, mưa bão bất thường và khó dự đoán. Trong khi đó, địa hình TP HCM là nơi có cốt nền rất thấp nên ở nhiều nơi không mưa nhưng cũng chịu ngập bởi triều cường.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan như hệ thống thoát nước tự nhiên của TP HCM đã bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt nhiều nơi không còn mặt đất để thấm nước do bị bê tông hóa. Chưa kể, ở phía Nam TP HCM như quận 7, huyện Nhà Bè trước đây là hệ thống kênh, rạch chằng chịt nhưng đã bị san lấp nhiều. Theo số liệu, khi xây dựng Phú Mỹ Hưng đã san lấp khoảng 49 kênh, rạch làm giảm khả năng thoát nước hay xây dựng đường Nguyễn Văn Linh đã chắn ngang từ Đông sang Tây, tạo thành "con đê" nên làm giảm khả năng thoát nước.
Ngoài ra, dân số TP HCM đã hơn 10 triệu người, nếu chỉ tính riêng nước thải sinh hoạt thì gần bằng công suất của hệ thống thoát nước. Đó là chưa kể nước thải của doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn…
"TP HCM không thể nâng toàn bộ nền đất để chống ngập, còn cống rãnh dù có xây dựng đi nữa cũng chỉ làm giảm chứ không thể giải quyết triệt để ngập trong điều kiện hiện nay. Trên thế giới cũng có nhiều nơi ngập và đây là tình trạng chung của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng phải xác định rằng không được buông tay, cần thêm nhiều công trình chống ngập hơn nữa để hạn chế tối đa thời gian, lưu lượng ngập" - TS Nguyễn Hữu Nguyên khuyến nghị.
KTS Phan Tấn Lộc (Việt kiều Pháp) cho rằng TP HCM cần nghiên cứu tổng thể toàn bộ hệ thống thủy văn, thủy lợi, bao gồm ao, hồ, sông rạch, cũng như tính toán lượng mưa, mực nước đỉnh triều cường... "Khi đã có những thông số cụ thể, nếu cần thiết, chúng ta có thể đầu tư hệ thống hồ điều tiết từ thượng nguồn. Nghĩa là những khu vực còn quỹ đất nhằm giảm lượng nước tràn về hạ lưu - tức là khu dân cư nội đô. Cách làm là tổng thể chứ không thể giải quyết cục bộ như hiện nay" - KTS Phan Tấn Lộc đề xuất.
Mong sớm khắc phục tình trạng ngập nước
Có cửa hàng buôn bán trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức, TP HCM), chị Nguyễn Như Ngọc cho biết lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng chống ngập. "Nước ngập rất nhanh, nếu lơ là sẽ dọn hàng không kịp. Bao năm nay ở đây vẫn vậy, tình trạng ngập gần như không được cải thiện. Nói chung ở đây trời mưa xuống là ai cũng khổ. Buôn bán thì ế ẩm, nước tràn vào gây hư hỏng hàng hóa; chỉ mong cho tình trạng này sớm được khắc phục để mọi người yên tâm buôn bán, đỡ vất vả" - chị Ngọc nói.
Chị Như Anh, ngụ đường Lã Xuân Oai mong chính quyền có những biện pháp để giải quyết tình trạng ngập nước tại khu vực này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/song-thap-thom-trong-vung-ron-ngap-20230920202110098.htm