Sống thờ ơ
3 bị cáo đứng trước tòa với cùng tội danh mua bán trái phép chất ma túy có thể xem là người một nhà, bởi ngoài N.H.B (sinh năm 1993) và N.T.T (sinh năm 1970, mẹ của B.), T.T.D.T. ((sinh năm 1992, cùng trú xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) là người chung sống như vợ chồng với B.
3 bị cáo đứng trước tòa với cùng tội danh mua bán trái phép chất ma túy có thể xem là người một nhà, bởi ngoài N.H.B (sinh năm - SN 1993) và N.T.T (SN 1970, mẹ của B.), T.T.D.T. (SN 1992, cùng trú xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) là người chung sống như vợ chồng với B. Nhưng từ đầu đến cuối phiên tòa, bị cáo T.T giữ nguyên vẻ mặt bất bình, không phải bởi các con phạm tội và kéo cả mẹ vào vòng lao lý, mà bởi bị cáo chỉ... giúp con, bởi thấy... oan uổng bị thu giữ tiền!
Trước tòa, bị cáo T.T ra sức phân bua rằng, chồng mất đã lâu, bị cáo mưu sinh ở Nha Trang rất vất vả, lâu lâu mới về nhà một lần. Bị cáo cũng biết con chích hút đã lâu, năn nỉ rồi nhưng con không nghe thì biết làm sao! Bị cáo đâu có mua bán ma túy, chẳng qua con nhờ thì đưa... giùm và nhận tiền... giùm thôi! Bị cáo cũng liên tục đề nghị tòa xem xét trả lại gần 6 triệu đồng mà theo bị cáo là khoản tiền ông làm hồ nào đó ở Nha Trang lãnh lương đưa cho bị cáo. Đồng thời, đề nghị trả lại 1 chiếc thẻ ATM mà bị cáo cho rằng bị thu giữ. Thẻ đó để cùng sổ đỏ trong tủ, khi công an khám bị cáo có ở đó, nhưng run quá nên không biết thu những gì... Tài khoản trong thẻ có 130 triệu đồng, là tiền bị cáo đi thu mua nhôm nhựa từ hồi con gái tích lũy qua hơn 20 năm. Nhưng khi tòa hỏi sao biết chính xác có chừng đó, sao kêu khó khăn mà có nhiều tiền vậy thì bị cáo lý giải rất mơ hồ: Vì thẻ để cùng tờ giấy của ngân hàng ghi số tiền gửi vào. Đến khi tòa vặn hỏi nghĩa là gửi một lúc 130 triệu đồng, không phải tiết kiệm lần lần, thì bị cáo lại khẳng định biết trong thẻ có chừng đó tiền vì “lúc khám xét, chú công an cầm thẻ lên nói trong thẻ có 130 triệu đồng”. Lúc sau, nghe tòa phân tích không thể biết được tiền trong tài khoản nếu chỉ cầm tấm thẻ, thì bị cáo lại xoay qua nói lúc đó bị tạm giam, đã nhờ con mang chứng minh nhân dân của bị cáo lên ngân hàng kiểm tra giùm!
Trong khi đó, 2 bị cáo còn lại đều khẳng định có chứng kiến khám xét nhưng không thấy thu giữ thẻ ATM. Bị cáo B. khai nhận đã sử dụng ma túy được 4 năm. Gia đình không giàu có gì, nên bị cáo đã mua ma túy về bán lại kiếm lời, đồng thời lại có ma túy sử dụng. Còn D.T cam đoan, từ nhỏ tới giờ không hề nghiện; chung sống với B. từ năm 2018, ban đầu không biết B. nghiện. Khi biết, D.T khuyên, B. có hứa bỏ nhưng chưa thực hiện. Và trong khi chờ B.... thực hiện lời hứa, D.T cũng... giúp B. bán ma túy. Tiền lời từ bán ma túy, B. đưa cho D.T đi chợ, sinh hoạt gia đình.
Quẩn quanh trong vòng xoáy ma túy, kết cục mà cả gia đình đó nhận được là cùng... vào trại giam. Bị cáo B. nghiện ngập, dẫn tới mua bán ma túy trái phép là điều dễ hình dung. Nhưng mẹ B., đã không kéo con ra khỏi vũng lầy, lại còn tiếp sức cho con với lý luận rất ngây thơ, chỉ đưa giùm, nhận tiền hộ. Những đồng tiền bán ma túy chắc đã nhào lộn khiến T.T hoa mắt, không còn thấy đó là đồng tiền phi pháp. “Vợ” B. cũng vậy, “vô tư” bán ma túy giúp B. với hy vọng một ngày nào đó B. sẽ thực hiện lời hứa từ bỏ ma túy!
Nhắm mắt làm ngơ, né tránh thực tế, thỏa hiệp với sai lầm của người thân chính là sống thờ ơ với gia đình, dẫn đến “cuộc hội ngộ bất đắc dĩ” của cả nhà B. trong tù: B. 17 năm, D.T 15 năm và T.T 8 năm tù!
Tam Thuật
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202010/song-tho-o-8188889/