Sống thử - vui ít, buồn nhiều

Sống thử (chung sống trước hôn nhân) là trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, do không lường trước được những hệ lụy, không ít bạn trẻ đã phải trả giá đắt bởi lối sống dễ dãi.

"Góp gạo thổi cơm chung"

Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, chị N.T.H quê ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) lại ân hận với những gì xảy ra. Trước kia, chị H từng làm công nhân Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), quen và yêu một thanh niên quê ở tỉnh ngoài. Ban đầu, tình yêu của 2 người khá mặn nồng. Có thời gian, cả 2 thuê nhà trọ và cùng "góp gạo thổi cơm chung".

 Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh ra mắt ứng dụng mã QR cung cấp, tư vấn kiến thức pháp luật, cuộc sống, gia đình... cho thanh niên tại các khu nhà trọ xã Quang Châu (Việt Yên).

Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh ra mắt ứng dụng mã QR cung cấp, tư vấn kiến thức pháp luật, cuộc sống, gia đình... cho thanh niên tại các khu nhà trọ xã Quang Châu (Việt Yên).

Tuy chưa kết hôn nhưng 2 người sống với nhau chẳng khác vợ chồng. Sau một thời gian sống thử, chị H đặt vấn đề kết hôn nhưng bị từ chối với nhiều lý do, nào là không hợp tuổi, gia đình không đồng ý, điều kiện kinh tế chưa sẵn sàng và cái kết là chia tay. Bị người yêu phụ bạc, tinh thần chị H suy sụp, có lúc chị nghĩ quẩn. Được người thân, bạn bè động viên, khuyên nhủ, chị H mới vượt qua sóng gió.

Sống thử không còn là chuyện hiếm đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay. Ở khía cạnh nào đó, sống thử tạo điều kiện cho các cặp đôi chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đồng thời khám phá, tìm thấy sự hòa hợp, từ thói quen sinh hoạt, sở thích, cách sống, những điểm tương đồng trong suy nghĩ...

Có quan điểm cho rằng, nếu như các bạn trẻ đã trưởng thành, suy nghĩ thấu đáo sẽ kết hôn với nhau, được hai bên gia đình ủng hộ, các bạn chuyển về chung sống với nhau trước khi kết hôn một thời gian là điều tốt, có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sống chung trước hôn nhân có rất nhiều rủi ro và hệ lụy nhưhọc hành sa sút, nạo phá thai dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng chứng vô sinh, bạo lực giữa các cặp đôi, lối sống buông thả. Không ít bạn nữ trở thành những bà mẹ đơn thân khi tuổi thanh xuân đang phơi phới.

Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang cho biết: Xét ở góc độ sức khỏe tình dục, việc nạo phá thai nhiều sẽ gây ra những biến chứng không mong muốn, như viêm, nhiễm phụ khoa; tổn thương tử cung, băng huyết, nhiễm trùng và vô sinh thứ phát do viêm tắc vòi trứng.

Đặc biệt, đối với các bạn gái lứa tuổi dưới 18, ngoài tổn hại về sức khỏe do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện còn bị ảnh hưởng lớn về tâm lý. Thời gian qua, có nhiều bạn gái tuổi từ 18-20 tìm đến bệnh viện với mong muốn được "giải quyết hậu quả" do chưa sẵn sàng làm mẹ.

Giáo dục lối sống lành mạnh

Nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ sống thử bởi họ chưa đủ kiến thức, trải nghiệm cuộc sống để hiểu được giá trị cốt lõi của tình yêu, hôn nhân, gia đình. Cùng đó là tâm lý thích trải nghiệm, khám phá, thỏa mãn nhu cầu tình dục, bị ảnh hưởng mặt trái của mạng Internet…

Để hạn chế tình trạng trên, gia đình, nhà trường quan tâm làm tốt công tác giáo dục, định hướng về lối sống lành mạnh, chuẩn mực cho thanh thiếu niên từ sớm; trang bị kỹ năng sống, kiến thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản; những nguy cơ tiềm ẩn của việc sống thử cho giới trẻ.

Thực tế cho thấy, có những đôi bạn trẻ từng sống thử và đi đến kết hôn song cuộc sống cũng không thực sự hạnh phúc. Trường hợp của vợ chồng anh H và chị T, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) là một ví dụ. Quen nhau qua một lớp tập thể hình thẩm mỹ, chị T và anh H có cảm tình với nhau.

Tuy nhiên, mối tình này không được gia đình anh H chấp nhận với lý do chị hơn anh nhiều tuổi, ngoại hình không "ưa nhìn" và tính cách không hợp với nền nếp gia đình. Những cuộc pic nic, sống tự do xa gia đình, ăn ở sinh hoạt chung của 2 người diễn ra một thời gian dài.

Thế rồi, chị T có thai, không thể phá bỏ, trong khi anh H chưa sẵn sàng chuẩn bị tâm thế làm bố. Cuối cùng, gia đình anh H đành chấp nhận tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, hôn nhân của họ không mấy hạnh phúc. Dưới con mắt của nhà chồng, chị T là người "giăng bẫy". Cuộc sống luôn ngột ngạt, căng thẳng bởi những lời nói bóng gió, mỉa mai, chỉ trích từ phía gia đình chồng. Sau một thời gian, chị T đành dọn về nhà mẹ đẻ ở.

Hiện nay, pháp luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích việc nam, nữ chung sống như vợ chồng khi chưa đăng ký kết hôn. Đối với các bạn trẻ là sinh viên hoặc công nhân việc sống thử sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không lường trước được, nhất là với phái nữ, như có thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản hoặc hậu quả pháp lý về sau nếu sinh con và làm mẹ đơn thân.

Để hạn chế tình trạng trên, gia đình, nhà trường quan tâm làm tốt công tác giáo dục, định hướng về lối sống lành mạnh, chuẩn mực cho thanh thiếu niên từ sớm; trang bị kỹ năng sống, kiến thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản; những nguy cơ tiềm ẩn của việc sống thử cho giới trẻ.

Các tổ chức của đoàn, hội tuyên truyền, vận động giới trẻ tham gia các hoạt động, sân chơi bổ ích. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các trang mạng, tài khoản mạng xã hội truyền bá, cổ xúy lối sống trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Đặc biệt, mỗi bạn trẻ cần tự tạo ra "sức đề kháng" thật tốt, không để những cám dỗ tầm thường xâm nhập vào suy nghĩ , tình cảm đôi lứa, tránh những rủi ro, hệ lụy.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/370645/song-thu-vui-it-buon-nhieu.html