Chiều 8-8, tại khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, Công ty JVE, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch tổ chức buổi trình diễn quá trình xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.
Để chứng minh khả năng làm sạch và chất lượng nước, ông Kubo Jun, cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản trực tiếp xuống bể thành phẩm để ngâm mình và tắm trước sự chứng kiến đông đảo của người dân.
Quan sát bằng mắt thường cho thấy, nước trong khu vực bể quây xử lý khá trong, cảm quan không bị mùi hôi tanh như trước đây.
Trước đó, khu vực thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch được quây lại và chia ra làm 4 bể để xử lý. Theo đó, nước được bơm trực tiếp từ sông Tô Lịch qua 4 bể, quá trình xử lý nước để đạt nước đạt tiêu chuẩn chỉ mất khoảng 24h.
TS Kubo Jun, cố vấn kỹ thuật Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản xuống bơi và ngụp lặn để chứng minh hiệu quả làm sạch của công nghệ Nano-Bioreactor
Vị chuyên gia Nhật Bản lấy mẫu nước thử nghiệm trong bể xử lý trưng ra cho mọi người xem.
TS Kubo Jun, cố vấn kỹ thuật Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, đã ngâm mình dưới bể nước đạt tiêu chuẩn sau khi xử lý bằng công nghệ.
Ông dùng nước giội lên đầu và ngụp lặn dưới nước để chứng minh độ an toàn của nguồn ngước sau khi đã được xử lý.
Sau khi lên bờ, ông Kubo Jun chia sẻ: "Nguồn nước đã qua xử lý không còn mùi hôi, kể cả khi tôi ngụp lặn xuống dưới nước và giội nước lên đầu cũng không thấy mùi gì bất thường. Tôi thấy nước trong bể cũng giống như những bể bơi thông thường khác".
Đại diện của JVE cho biết, công nghệ Nano Bioreactor hoàn toàn xử lý được triệt để vấn đề nước thải hàng ngày đổ vào khu xử lí mà không cần thu gom. Đây là mô hình nhà máy xử lý nước thải tại chỗ và nước thải hàng ngày đổ vào được xử lý trong ngày.
Khu xử lý chia thành 4 bể. Bể đầu tiên là bể xử lý yếm khí, trong đó đặt tấm Bioreator kích hoạt vi sinh vật kị khí, cung cấp giá thể cho vi sinh vật, bể thứ hai là bể hiếu khí, đặt máy sục khí Nano nhằm kích hoạch vi sinh vật hiếu khí, sau đó đến bể bùn hữu cơ phân hủy, trơ lại bùn vô cơ lắng lại, cuối cùng là bể nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn Việt Nam, có thể dùng làm nước sinh hoạt hoặc tắm được.
Cũng trong chiều nay, công ty JVE (đơn vị thử nghiệm) cũng lấy mẫu nước ở khu vực thử nghiệm. Quan sát bằng mắt thường, mẫu nước có độ trong tương đương với nước tinh khiết dùng trong sinh hoạt.
Khánh Huy