Sống tối giản một cách hài hòa
Sống tối giản không đồng nghĩa với việc chỉ dùng vài món đồ gia dụng cơ bản. Hãy giữ lại những thứ hữu ích mà bạn thường xuyên sử dụng, đừng tích trữ những món đồ không dùng tới.
Chủ nghĩa tối giản thường gắn liền với sống chậm và chúng bổ sung tuyệt vời cho nhau, đồng thời cá nhân tôi cũng thiên về nguyên tắc thẩm mỹ tối giản nhưng chúng không phải là một.
Về bản chất, chủ nghĩa tối giản là việc lọc bỏ đồ thừa để dành chỗ cho những thứ quan trọng, nhưng nó thường bị biến tấu thành ý tưởng ganh đua về lượng đồ chúng ta nên có, bao nhiêu thứ chúng ta cần, tường nhà nên trống trải ra sao, nhà nhỏ đến mức nào và tủ quần áo được loại bỏ hợp lý ra sao.
Tất cả những thứ đó có thể là một phần của sống chậm, sống tối giản nhưng tôi thấy có rất nhiều người chú trọng quá mức tới ý tưởng làm sao để “sống tối giản theo đúng nghĩa”, chẳng khác nào kiểu bình mới rượu cũ của việc sống theo “nhà người ta”.
Chiếc bình “nhà người ta” mới này có vẻ đã kết hợp nguyên tắc thẩm mỹ tối giản với chủ nghĩa tối giản thành một phong cách sống (thực tế chúng là hai thứ rất khác nhau). Những căn nhà của họ trông giống như vừa bước ra từ tạp chí, và đơn giản là một thương hiệu khác của một đẳng cấp sống không thể với tới.
Bởi thế chúng ta cảm thấy mình đang so sánh cuộc sống của mình với một bộ biểu tượng mới. Chúng ta băn khoăn liệu lượng đồ đạc của mình như thế này đã đủ chưa, hay vẫn còn quá nhiều.
Thay vào đó, hãy coi việc lọc bỏ đồ như một bước đi trong hành trình kiến tạo cuộc sống chậm hơn, đơn giản hơn - chứ không phải là một mục đích. Nó thiên về việc tiếp cận có ý thức ngôi nhà của bạn và những thứ bạn chọn giữ lại trong đó. Nó là việc chủ động lựa chọn giữ lại cái gì, loại bỏ cái gì và cái gì có ý nghĩa với chúng ta. Không có đúng sai, chỉ là chúng ta phải có một lựa chọn.
Nhờ có thêm không gian vật lý, chúng tôi đã tổ chức những bữa tiệc đứng cùng không gian thông thoáng để hít thở. Bớt đồ có nghĩa là bớt giữ gìn, bảo trì, bớt bụi bặm, bớt dọn dẹp, bớt quyết định, bớt căng thẳng. Loại bỏ đồ thừa đồng nghĩa với việc có thêm không gian, thời gian, cơ hội cho những thứ khiến chúng ta vui lòng khác.
Tôi chưa bao giờ nhận ra đồ đạc lại đè nặng lên tâm can mình đến thế cho tới tận khi gỡ bỏ được gánh nặng đó. Mọi thứ thừa thãi trên chiếc ô tô đều đi thẳng đến cửa hàng đồ cũ, mọi cuộc thanh lý hàng trong gara, mọi sức nặng của đồ tái chế đều là sức nặng từng đè lên vai mà tôi không nhận ra.
Nếu bạn vẫn còn nghi ngại, tôi sẽ không trách bạn đâu. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người cũng có cảm giác ấy. Làm sao đồ đạc lại có thể tác động đến chúng ta ghê gớm như vậy?
Sự bừa bộn là những quyết định bị trì hoãn. Đó là sự trì hoãn được vật chất hóa. Đó là sự ôm đồm dưới dạng vật chất. Và nếu nghĩ đến cảm giác khi có một dự án công việc sát sườn hoặc một nhiệm vụ sắp đến hạn chót khiến bạn cảm thấy hoang mang tê liệt – nỗi lo âu tầng thấp, nỗi lo thổn thức trong lòng bạn, thì đó cũng chính là cảm giác mà sự bừa bộn đem lại cho chúng ta.
Người Australia dành xấp xỉ 1,1 tỷ AUD mỗi năm cho việc trữ đồ, nhưng chỉ có dưới 1 triệu hộ gia đình thuê thêm nhà kho mỗi năm với chi phí trung bình khoảng 11.000 AUD. Trong khi thỉnh thoảng người ta sử dụng không gian này để trữ rượu, thiết bị hoặc hàng hóa tồn kho, những tài liệu quan trọng, những tài sản cá nhân trong lúc chuyển nhà hoặc đi du lịch, thì nhiều suất trữ đồ này lại đầy ắp những đồ đạc thừa thãi như đồ gỗ, thiết bị gia đình và những món đồ kỷ niệm không dùng nữa hoặc bị lãng quên.
Năm 2016, hơn 10.000 suất trữ đồ mới được xây dựng ở riêng miền Đông Australia. Tức là có rất nhiều đồ thừa đè nặng lên rất nhiều người.
Thậm chí trong chính ngôi nhà của mình, chúng ta cũng mua các giải pháp trữ những món đồ không nhìn đến. Chúng ta để nó trong gara hoặc lán trại, trong tầng áp mái hay trong tầng hầm và vờ như chúng không có ở đó. Mỗi năm một lần, chúng ta tổng vệ sinh nhà cửa mỗi khi mùa xuân đến và tìm thấy chút không gian để thở rồi cả 12 tháng tiếp theo, chúng ta dần thay thế những thứ đã được bỏ đi bằng đồ đạc mới, chỉ để cảm thấy mình lại lặp lại quá trình này vào mùa xuân tiếp theo.
Chu trình này sẽ không bị phá vỡ chừng nào chúng ta không đặt ra cho mình những câu hỏi khó chịu, không tự vấn lại mối quan hệ của mình với đồ đạc và thừa nhận rằng mình có quyền lựa chọn cảm xúc mà mái nhà của mình mang lại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/song-toi-gian-mot-cach-hai-hoa-post1473892.html