Sống trên 'biển bạc' vẫn chưa thoát nghèo (*): Nỗi lo thiếu nhân lực vươn khơi
Thiếu nhân lực nghề biển là thực trạng hiện nay của hầu hết địa phương, khiến tàu thuyền khó vươn khơi bám biển dài ngày
Trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển dài ngày, ngoài tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, chủ thuyền không thể nhổ neo nếu chưa có đủ bạn thuyền. Thế nhưng, thực tế hiện nay, rất nhiều tàu thuyền thiếu nhân lực để đánh bắt dài ngày.
Thu nhập không ổn định, độ nguy hiểm cao
Ở các làng biển tại Phan Thiết - Bình Thuận, cả khi trời êm, vẫn rất nhiều tàu, thuyền không đủ lao động để ra khơi. Vài năm gần đây, số thanh niên lao động biển tại các làng biển bỏ nghề ngày càng nhiều khiến hoạt động đánh bắt khơi xa giảm đáng kể.
Tại TP Phan Thiết, vào năm 2005, địa phương có gần 40.000 lao động biển thì nay số người tham gia bám biển giảm khoảng 30% - 40%. Số lao động trên mỗi tàu cá, tùy ngành nghề, cũng giảm đáng kể. Đáng nói hơn, tình trạng này không chỉ gặp ở những người đã có tuổi mà còn ở lao động trẻ. Các ngành nghề thường được một số lao động chọn mưu sinh sau khi bỏ nghề biển như: phục vụ quán ăn, nhân viên bảo vệ, bốc xếp tại cảng cá…
"Năm 15 tuổi, em theo các ghe thuyền mưu sinh bằng nghề "đi bạn". Thu nhập từ nghề biển khá cao, có lúc lên đến hơn chục triệu đồng cho chuyến biển gần một tháng. Nhưng những lúc biển động, thuyền không thể ra khơi thì không có thu nhập. Vì vậy mấy năm nay, em cũng bỏ biển lên bờ để làm bốc xếp cho đại lý bia. Thu nhập không bằng lúc trước nhưng lương ổn định" - Đặng Văn Trường, ngư dân trẻ đã bỏ biển, tâm sự.
Những ai đã là “người con của biển cả”, gắn bó máu thịt với biển thì không cớ gì phải phụ biển để chọn nghề khác mưu sinh, nếu như nghề biển vẫn bảo đảm cuộc sống cho họ.
Có thể thấy ngoài nguyên nhân đồng lương không ổn định thì rủi ro cao cũng là một phần quan trọng khiến nhiều lao động đi biển quay lưng với nghề biển.
Trong những năm qua, nhiều vụ tai nạn trên biển liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người đi biển; trong khi nhiều chủ tàu vẫn chưa thật sự quan tâm đến bảo hộ lao động, bảo hiểm thuyền viên. Cách đây chưa lâu, vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS tại vùng biển Trường Sa - DK1 là ký ức kinh hoàng của nhiều ngư dân tỉnh Bình Thuận, 6 người mãi mãi nằm lại dưới lòng biển. Trên chuyến đi biển này, gia đình ông Nguyễn Thanh Là (trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết) có 4 người con tham gia thì chỉ 2 người trở về. Họ đã không qua khỏi sau nhiều ngày trên chiếc thúng chai đơn độc giữa biển, không thức ăn, nước uống.
Hơn ai hết, lão ngư có gần 50 năm kinh nghiệm đi biển này hiểu rất rõ hiểm nguy trong những chuyến vươn khơi. Bản thân ông Là từng phải đối mặt lằn ranh sinh tử cách đây 26 năm khi cùng các bạn thuyền gặp phải cơn bão dữ tại đảo Thổ Chu. Ông Là kể năm đó, ông đi biển cùng nhóm 6 chiếc thuyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi bão cuốn qua, 2 chiếc bị đánh úp. Ông Là may mắn thuộc trong số 4 chiếc tàu an toàn. Nhưng 40 người trên 2 chiếc tàu bị lật: số thì chết, số mất tích. "Khi ra biển, thấy mình bé nhỏ, phù du trước sóng dữ lắm!" - lão ngư tuổi lục tuần vẫn còn đi biển bày tỏ.
Ông Đồng Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nhìn nhận: "Nghề cá đang gặp nhiều khó khăn nên số thuyền viên bỏ nghề đi biển ngày càng nhiều. Nhiều ngư dân trẻ chọn đi xuất khẩu lao động với thu nhập cao dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động ở địa phương nên thời gian qua, nhiều chủ tàu đỏ mắt tìm bạn thuyền".
Theo ngư dân Đậu Văn Tuấn (trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), hiện tượng ngư dân bỏ biển, chuyển sang nghề khác mưu sinh đang tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì hoạt động của các tàu cá đánh bắt trên biển. Do nghề vất vả, thu nhập bấp bênh nên nhiều ngư dân trẻ đã rời quê vào các thành phố lớn làm thuê, đi xuất khẩu lao động. Hiện ở vùng quê, chủ yếu là người già; nhiều chủ tàu cần thuê lao động đi biển nhưng tìm mãi vẫn không đủ người. "Mình cũng không thể trách họ được" - ông Tuấn bộc bạch.
Theo ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, hiện nay, nguồn lao động khai thác hải sản của Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng khoảng 50% - 60%, số còn lại đến từ các địa phương khác, đây là vấn đề rất khó khăn đối với phát triển khai thác thủy sản. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều chủ tàu do khó khăn về tìm kiếm lao động nên phải tạm dừng hoạt động.
Không đứa con nào chịu theo nghề
Do công việc cực nhọc, nguy hiểm… nên lớp trẻ hiện nay đa phần không muốn theo nghề cá của gia đình. Nguồn nhân lực phục vụ việc hậu cần, sửa chữa tàu thuyền hiện nay cũng đang khan hiếm.
Ngư dân Trần Thanh Toản (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lo lắng tàu đánh cá 1.200 CV của ông không biết sẽ giao cho ai vì nhà có 4 người con nhưng không người nào theo nghề cá.
Ông Nguyễn Văn Tèo (trú khu phố 7, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết nghề biển quá cực nên khó khuyến khích các con theo. Ông Tèo có 3 con trai nhưng không ai theo nghiệp biển của ông. "Tôi đi biển đến nay cũng hơn 30 năm, hiểu rõ những hiểm nguy kề cận nên không muốn hướng các con theo nghiệp của mình" - ông Tèo bộc bạch.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, bên cạnh yếu tố rủi ro, nguyên nhân đáng kể dẫn tới lao động bỏ biển lên bờ chính là tuổi nghề của lao động biển đang ngày một ngắn. Trên mỗi chuyến biển hiện nay, đa phần là các thanh niên mười tám, đôi mươi. Nếu kiên trì với nghề biển, họ thường chỉ có thể bám biển 10 - 15 năm. Trong khi đó, không nhiều gia đình khuyến khích con em theo nghề lao động biển. "Vì vậy, bên cạnh chiến lược hiện đại hóa nghề cá, việc đào tạo đội ngũ lao động biển, cải thiện thu nhập, gia tăng đãi ngộ cho thuyền viên cũng phải được quan tâm đúng mức" - ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, đề xuất.
Thực tế, những năm qua, tình trạng ngư dân bỏ nghề biển ngày càng nhiều với nhiều lý do: người thấy nghề biển nguy hiểm nên bỏ nghề, người bỏ biển để lên bờ nuôi tôm khi thấy nuôi tôm nhanh giàu. Một lý do nữa là vài năm trở lại đây, khi giá đất ven biển lên cơn sốt, nhiều gia đình bán đất thu tiền tỉ nên không mặn mà theo nghề biển - vừa vất vả lại hiểm nguy.
Việc người dân bỏ biển đã khiến lao động nghề biển khan hiếm, nhiều chủ tàu rất vất vả để tìm bạn thuyền. Ngư dân Trần Công Tài - chủ 2 tàu cá hành nghề lưới chụp ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - cho biết mỗi chuyến biển một tàu cần 13 - 14 lao động, tìm bạn biển ở huyện Núi Thành rất khó, đến các huyện khác tìm cũng không đủ. Thiếu lao động nên hoạt động đánh bắt diễn ra chật vật. "Nghề đánh bắt hải sản xa bờ rất khó tìm bạn vì bám biển dài ngày, quanh năm, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả kinh nghiệm. Tìm bạn biển đã khó, tìm được lao động trẻ càng khó hơn. Nghề biển thu nhập bấp bênh nên giới trẻ thường chuyển sang các nghề khác an nhàn hơn" - ông Tài cho biết.
Rất yêu biển, gắn bó với biển hơn 50 năm và năm nay đã 72 tuổi vẫn bám biển nhưng ngư dân Vương Công Mai (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) không hướng 2 con trai theo nghề. Ông nói nghề biển quá vất vả, khổ cực nên muốn 2 con kiếm việc làm ở trên bờ để được an toàn hơn. Ông Mai nói rằng nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để giữ chân những lao động hiện tại cũng như đào tạo lớp lao động trẻ bám biển, giữ nghề để nghề biển không bị "mất gốc" trong tương lai.
Cần cơ chế quản lý, đãi ngộ hiệu quả
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển các đội tàu khai thác xa bờ. Gần đây, chủ trương này được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết: Mỗi ngư dân là một chiến sĩ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho rằng nên xem xét lại chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển vì các chính sách thời gian qua nặng phần "duy ý chí" khi đề cao vai trò ngư dân vươn khơi, bám biển để bảo vệ chủ quyền mà chưa tính đến đầu tư phát triển công nghệ cho ngư dân, bảo đảm đầu ra cho hải sản.
Nghề biển phụ thuộc vào thời tiết, ngư trường khai thác. Hai yếu tố này không phải lúc nào cũng thuận lợi nên thu nhập của ngư dân cũng chông chênh theo. Vì vậy, để người lao động trên biển gắn bó lâu dài với nghề là không dễ.
Quan trọng là những nhà quản lý, chủ tàu phải có cơ chế quản lý, đãi ngộ hiệu quả.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8