Sống 'treo' trong dự án 'treo'

Hệ lụy từ các dự án treo đang dẫn tới việc gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội và đời sống dân sinh. Dự án thì có đủ mọi lý do để kéo dài, cuộc sống người dân cũng vì thế mà 'treo bền vững'cùng dự án.

Năm 2011, nhiều gia đình tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội được đưa vào diện lấy đất thực hiện dự án Khu du lịch văn hóa Sóc Sơn. Tới nay, dự án được gia hạn tới 13 năm và được kéo dài tiến độ tới năm 2025. Đất thuộc diện dự án nhưng chưa xong giải phóng mặt bằng. Không được mua bán, xây dựng, sửa chữa nhà cửa… người dân lâm cảnh khó khăn.

Sau 16 năm, Dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, quận Hà Đông mới chỉ hoàn thành việc cắm mốc giới vị trí đất và lợp tạm 1 căn nhà… còn lại dự án vẫn án binh bất động. 225 ha đất nông nghiệp bị thu hồi bỏ hoang hóa, chỉ nhẩm tính đơn thuần trồng lúa cũng gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Mật độ dân số tại TP.Hà Nội ngày càng đông, trong khi quỹ đất để phát triển hạ tầng ngày càng eo hẹp. Nhưng bỏ hoang tới hàng chục nghìn hecta đất cho dự án treo lại đang là thực tế. Câu chuyện đối nghịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bị lung lay.

Theo quy định của Luật đất đai, Luật đầu tư thì đất dự án không sử dụng hoặc chậm sử dụng sau 24 tháng sẽ bị thu hồi. Luật quy định đã rõ, nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư sau thời hạn theo quy định vẫn “ôm” đất thậm chí “ôm” trường kỳ nhiều năm. Trong khi đó, việc thực thi quyết tâm thu hồi dự án lại ì ạch. Con số 29 dự án kiến nghị bị thu hồi trong tổng số 400 dự án là điều cần phải nhìn nhận.

Đối với các cấp chính quyền cơ sở đã nhìn rõ nhiều vấn đề trong lãng phí trong tài nguyên đất đối với dự án treo. Tuy nhiên, ngoài việc kiến nghị thì thẩm quyền lại không cho phép thu hồi dự án do đơn vị cấp phép từ “ cấp trên”. Điều kỳ lạ, sau kiến nghị thu hồi lại là những chỉ đạo tiếp tục cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ hay gia hạn thêm khiến công tác quản lý đã khó lại càng khó hơn.

Số dự án treo lớn, đồng nghĩa với hàng trăm, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng; doanh nghiệp có năng lực mất cơ hội kinh doanh. Những vấn đề này không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng thấu hiểu. Thần tốc thu hồi đất, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng đáp lại chỉ là những mảnh đất hoang hóa, khô cằn và còn treo tới bao giờ thì không ai biết.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/song-treo-trong-du-an-treo