Sống trong hẻm phố

Những con hẻm nhỏ giữa thành phố lớn luôn hấp dẫn tôi. Chúng tránh được khói bụi, tiếng ồn, những đặc trưng của thành phố luôn được tiếng là quyến rũ người trẻ từ các vùng nông thôn.

Hẻm nhỏ đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận. Ảnh: Nguyễn Đình

Hẻm nhỏ đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận. Ảnh: Nguyễn Đình

Những hẻm phố luôn mát mẻ vì nắng không rọi tới, trăng đêm luôn nằm trong khung tranh tạo thành từ nóc nhà, luôn lãng mạn khi trời lâm thâm, đứng dưới mái hiên ngắm mưa tạo thành rèm dưới mái tôn.

Trong các chuyến đi du lịch hay công tác, tôi có vài lần tìm cách đi vào những con phố nhỏ, hẻm nhỏ, hy vọng cảm nhận một nhịp sống khác với nhịp sống khu trung tâm, khu phố quen thuộc vẫn được giới thiệu trong các guide book dành cho khách du lịch. Tôi tự lùng sục, tự khám phá những nét riêng độc đáo đó và nhận ra rằng đó mới là điều đọng lại lâu nhất sau một chuyến đi.

Có thể đó chỉ là một con phố Tô Tịch bé nhỏ ở một góc xéo phố Hàng Gai bán những con cóc gỗ, đồ sơn mài tân thời phủ tạm bợ lớp sơn Nhật bóng bẩy và dễ vỡ. Đi trong lòng phố như trở lại tuổi thơ, ngắm chiếc mõ trâu, tượng chú Tễu, thằng Bờm. Ngồi trên cái ghế cóc nhỏ, uống chén trà bé xíu, nhai hạt dẻ Trùng Khánh rang còn nóng. Những người Tây đi qua, xem hàng khe khẽ, hỏi giá khe khẽ, xem nhiều hơn mua.

Đó là tiếng đàn nhỏ trong ấp Ánh Sáng của Đà Lạt tháng 11 chớm đông. Con phố nhỏ với chục ngôi nhà hẹp sàn lót gỗ xù xì như chưa hề đánh bất cứ lớp xi nào. Thấp thoáng sau những căn nhà là cái thung lũng nhỏ trồng rau. Trời tạnh ráo và tươi sáng. Vọng ra từ lớp cửa kính là tiếng dương cầm rải bài “Nhạc chiều” của Schubert. Dàn trạng nguyên đỏ thắm gợi ký ức về một Noel đã cũ thời chiến tranh. Ông cụ Bùi Á nhà số 9 ấp Ánh Sáng với giọng Huế đặc sệt luôn khắc khoải về ngọn núi ở cố đô quê cũ và vẫn mơ màng một chuyến lên núi Langbiang chụp ảnh.

Ảnh: Phạm Công Luận

Ảnh: Phạm Công Luận

Đó là một con ngõ nhỏ ở Thượng Hải một chiều hè. Vài người đàn ông phương Bắc bụng phệ nằm trên ghế bố trước sân, nhấm nháp trà Ô Long. Sau lưng là căn nhà tù mù ánh đèn như chưa từng biết đến những thay đổi nơi phố Đông. Cửa tiệm bán những ấm đất tử sa cũ kỹ màu gan gà, da chu với giá cao giật mình. Buổi tối xuống nhập nhoạng với tô mì gói ăn vội do anh chàng bán tạp hóa mặt phương phi như Lưu Bị, bán gói mì vài tệ và cho luôn nước sôi. Ngồi nhìn khách ăn, không buồn hỏi một câu, thỉnh thoảng lại sụt sịt mũi.

Đó là con ngõ nhỏ ở gần ga Senkawa, Đông Kinh. Đầu ngõ, cửa hàng Ai Book mở cửa đến tận nửa đêm với những thanh niên trẻ gầy gò, trắng xanh vừa chui lên từ ga điện ngầm mải mê xem những tập truyện tranh dành cho người lớn. Ngõ thẳng thớm, rải rác những chiếc xe đạp để qua đêm khóa vào hàng rào sắt. Dăm ba chậu hoa bé xíu trước những căn nhà bé xíu mái ngói màu đen.

Dáng đi lầm lũi kín đáo của những người Nhật ăn mặc sang trọng dường như không thay đổi từ thời thành phố Tokyo vẫn còn mang tên Edo. Cái máy bán nước ngọt ướp lạnh, cà phê nóng đứng một mình dưới sương và ánh đèn điện. Tiếng quạ kêu trong đêm thu đầy khắc khoải gợi nhớ bài thơ của Quách Tấn. Cửa hàng bán đồ cũ vô cùng hấp dẫn với cravate hiệu Valentino, gốm sứ Trung Hoa, búp bê Daruma rẻ không ngờ giữa kinh đô đắt đỏ nhất thế giới này. Cửa nhà người bạn đóng im ỉm với hộp thư đầy ắp…

Đường phố hiện đại luôn giống nhau với những làn xe, đèn giao thông xanh đỏ và ôtô. Nhưng với hẻm phố, không gian hẹp nên gần gũi và đậm đà hơi thở cuộc sống đời thường… Dường như ai cũng có một ngõ phố của riêng mình.

Đó là hẻm Xéo của Rowling bán đầy đũa thần và cú trong bộ truyện tuổi thơ mà khi được dựng lại để làm phim Harry Potter, người thiếu phụ là tác giả bộ truyện ấy vẫn lang thang ngỡ ngàng như đi được vào giấc mơ của chính mình.

Một con hẻm ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu không rõ nguồn

Một con hẻm ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu không rõ nguồn

Đối với tôi, đó là con hẻm thân yêu ở Phú Nhuận, ngày xưa lát những tấm dale xi măng ở giữa, chừa hai bên để lũ gà tre bới đất. Hẻm nhỏ đi qua nhà ông Chín có cây mận ngọt, đi qua nhà dì Ba Hoa bán tạp hóa, đi qua nhà ông Chín Bằng có hoa Trạng nguyên đỏ nở mùa Giáng sinh. Cái giếng cũ nay đã lấp. Những người già đã qua đời. Cây mai già khẳng khiu trồng từ sáu mươi năm trước vẫn đơm hoa sau ngày lặt lá rằm tháng Chạp.

Xóm đổi thay với nhà cao tầng, may vẫn còn không khí êm đềm buổi chiều, văng vẳng tiếng đối thoại của các nhân vật trong một bộ phim “Trên từng cây số”, “Con bạch tuộc” hay bộ phim nào đó trên ti vi.

Vẻ yên tĩnh nay đã trở nên hiếm dần của một xóm lao động hiền hòa nuôi nấng tâm hồn thơ trẻ thuở còn tắm mưa dưới máng xối những mái tôn. Con hẻm ấp ủ giùm tôi tuổi thơ, tuổi mới lớn mộng mơ, những vụng dại ngây ngô và những bước trưởng thành.

Ở đó, má tôi như còn hiện diện, ngồi trước hiên nhà với mái tóc bạc trắng ngóng đợi tôi mỗi lần đi xa…

Phạm Công Luận

(Trích sách “Những lối về ấu thơ” – Công ty sách Phương Nam xuất bản 2012)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/song-trong-hem-pho-33866.html